Long An: Khởi động Dự án EPIC năm 2023
(Chinhphu.vn) - Dự án EPIC giúp cho Long An vượt qua những khó khăn về nguồn ngân sách địa phương, đồng thời hỗ trợ cho Long An nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai những giải pháp can thiệp phù hợp đạt được kết quả bước đầu về mục tiêu 95-95-95.
Ngày 04/1, Ban Quản lý Tiểu Dự án EPIC Sở Y tế Long An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án EPIC năm 2022 (01/10/2021-30/9/2022) và khởi động dự án năm 2023 (01/10/2022-30/9/2023).
Từ năm 2018 đến nay, Long An là một trong 6 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ thông qua dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tài trợ.
Dự án hỗ trợ Việt Nam đạt được sự kiểm soát dịch bệnh ở 6 tỉnh ưu tiên được lựa chọn vào năm 2020; tăng cường năng lực của Bộ Y tế/Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để duy trì và mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/ đối tượng chủ chốt (KP) thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là ưu tiên tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến, mô hình và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh…
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh Long An phát hiện gần 4.940 ca nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS tập trung cao tại các địa bàn giáp ranh TPHCM và khu công nghiệp, dân cư đông như huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An,…
Các địa bàn nguy cơ thấp nhưng can thiệp mạnh thì phát hiện nhiều ca HIV mới (huyện Châu Thành, Thủ Thừa,…). Tỉ lệ lây nhiễm do hành vi tiêm chích giảm rõ và ngày càng cao trong nhóm nam giới. Xu hướng quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là đường lây chính.
Trong năm 2022, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Kết quả, số ca HIV dương tính mới là 434 ca; số người nhiễm mới HIV được điều trị ARV lần đầu là 464, đạt 116%; số khách hàng HIV âm tính mới được điều trị PrEP lần đầu là 732, đạt 165%; số khách hàng điều trị PrEP ít nhất một lần trong năm là 1.096, đạt 123,4%.
Tỉnh thực hiện 325 xét nghiệm Asante/351 ca HIV dương tính, đạt 92,6%, kết quả có 22 ca nhiễm mới; có thêm 4 cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, được công nhận; mở rộng xét nghiệm Recency tại huyện Thủ Thừa và Châu Thành; tập huấn chuyển giao xét nghiệm nhiễm mới cho các phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính;…
Tuy nhiên, còn nhiều ca nhiễm mới trên các địa bàn không có can thiệp trực tiếp của các dự án; tỉ lệ bệnh nhân lao nhiễm HIV phát hiện thấp; tỉ lệ người nhiễm mới phát hiện qua xét nghiệm Recency còn thấp;…
Tại hội nghị, các báo cáo cho thấy xu hướng dịch HIV/AIDS đã thay đổi khá rõ so với 5 năm trước, cụ thể là ca nhiễm HIV mới tập trung chủ yếu trong nhóm người trẻ tuổi và hình thái lây nhiễm chính là quan hệ tình dục đồng giới nam trong nhóm MSM. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta đẩy mạnh các can thiệp trong năm 2023 góp phần đạt mục tiêu cam kết với Ban quản lý dự án EPIC TW, đồng thời hướng tới đạt mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 Chính phủ đã phê duyệt.
Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục duy trì các can thiệp truyền thống và triển khai mô hình mới nhằm tăng nhanh tốc độ tìm ca HIV mới chuyển gửi điều trị ARV, PrEP; triển khai điều trị Lao/HIV, viêm gan C và triển khai mới điều trị bệnh không lây nhiễm; cải thiện các kết quả còn hạn chế; triển khai hoạt động đáp ứng y tế công cộng và ước tính quần thể nguy cơ MSM;…
Bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc Chương trình Lao/HIV CDC Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, CDC Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Long An để thực hiện định hướng chiến lược của PEPFAR nhằm chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
Bà Amy Frances Bailey đề nghị, trong thời gian tới tỉnh tập trung nhiều hơn vào đối tượng MSM trẻ và lực lượng lao động lưu động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp; tiếp tục nâng cao năng lực cốt lõi của hệ thống phòng, chống HIV từ tỉnh đến cơ sở; tận dụng các hệ thống HIV do PEPFAR hỗ trợ để sử dụng cho đa bệnh và lồng ghép các bệnh không lây, viêm gan, bệnh lây truyền qua đường tình dục vào các dịch vụ HIV,…
Thùy Chi