Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ - CAB trong phòng chống HIV

09/09/2022 16:08

(Chinhphu.vn) - Để tăng cường ‘tiếng nói’ và sự tham gia của cộng đồng, nhóm Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (CAB) là cầu nối chính thức giữa cộng đồng đích và hệ thống y tế trong phòng chống HIV.

Trong hai ngày (8-9/9/2022), tại Bà Rịa-Vũng Tàu, HAIVN phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội nghị thường niên mạng lưới CAB Việt Nam, nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai CAB trong phòng, chống HIV giữa 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội.

Sáng kiến để cải thiện các dịch vụ ngày một tốt hơn

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mô hình CAB là một sáng kiến tạo ra cơ chế để cộng đồng và khách hàng đóng góp ý kiến cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS như điều trị ARV, các chính sách của chương trình… để cải thiện các dịch vụ ngày một tốt hơn, đúng với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm.

Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ - CAB trong phòng chống HIV - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Minh Tâm, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thùy Chi

BS. Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ đều mong muốn có một dịch vụ chất lượng cao. Với ngành y tế thì chất lượng dịch vụ là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, nhân viên y tế và khách hàng cần có sự trao đổi với nhau về chất lượng dịch vụ và giải quyết các vấn đề quan trọng nhằm đạt được các tiêu chuẩn cao trong chăm sóc sức khoẻ.  

Theo BS. Thái, từ các đóng góp ý kiến và thông tin phản hồi của cộng đồng đích và khách hàng, cán bộ y tế có thể xây dựng các hoạt động cải tiến chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng.

Đánh giá về CAB, BS. Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: CAB là tác nhân chính cho các nỗ lực ứng phó với HIV. Đây là một phần quan trọng để thu hẹp khoảng cách về bình đẳng y tế và cung cấp các dịch vụ HIV lấy con người làm trung tâm. Cả hai yếu tố trên đều là ưu tiên của PEPFAR cho giai đoạn tiếp theo trong công tác ứng phó với HIV toàn cầu. Đây là một mô hình độc đáo về thành lập và giám sát của chính phủ kết hợp với sự dẫn dắt của những người sử dụng dịch vụ và cộng đồng, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác dựa trên kết quả.

BS. Eric Dziuban khẳng định, đối với CDC và PEPFAR của Hoa Kỳ, CAB là một đổi mới bền vững và mang tính đáp ứng, góp phần đáng kể vào việc đạt được các mục tiêu kiểm soát dịch HIV và xóa bỏ kỳ thị với HIV. Thông qua khuôn khổ giám sát cộng đồng, CAB đóng một vai trò quan trọng trong việc lồng ghép tiếng nói của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng trong việc thiết kế các dịch vụ HIV thân thiện.

CAB - vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích và hỗ trợ khách hàng

Ngày 13/10/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS Hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế. Theo đó, nhóm Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (HTNCCLDV) - gọi tắt là nhóm CAB, là một nhóm bao gồm các thành viên của những người sống chung, có nguy cơ cao hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, hoặc thành viên của cộng đồng nhóm đích, tình nguyện tham gia.

Nhóm CAB đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích (khách hàng nhận dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS) với hệ thống y tế để thu thập "tiếng nói" của cộng đồng thông qua nhiều hình thức và cung cấp những thông tin phản hồi, tham gia thảo luận, cùng các cơ sở cung cấp dịch vụ đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng những dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, CAB cũng đóng vai trò là người hỗ trợ khách hàng.

Mục tiêu chung của nhóm CAB là tạo điều kiện và thúc đẩy sự kết hợp có ý nghĩa giữa quan điểm của khách hàng và cộng đồng vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ và loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Với tư cách là người sử dụng dịch vụ, khách hàng đích và người nhiễm HIV có thể đánh giá chất lượng và sự phù hợp của các dịch vụ chăm sóc...

CAB đáp ứng nhiều mục tiêu

Sau hai năm triển khai mô hình CAB đã đáp ứng nhiều mục tiêu cùng một lúc. Cụ thể, mô hình đã thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài giữa khu vực nhà nước và cộng đồng để bảo đảm ứng phó với HIV bền vững; bảo đảm chất lượng cao của các địch vụ HIV thông qua lắng nghe ý kiến của người sử dụng dịch vụ để xác định các khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc…; góp phần giảm kỳ thị liên quan đến HIV – một cấu phần trọng tâm của mô hình CAB và giám sát cộng đồng sẽ giúp chúng ta đạt được chặng đường cuối cùng trong việc kiểm soát dịch.

Việc kết hợp tiếng nói của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng giám sát trong cung cấp dịch vụ HIV tạo ra một cơ chế cùng có trách nhiệm cho tất cả cơ quan liên quan đến HIV và những người hỗ trợ.

Mặt khác việc thành lập CAB tạo cơ hội cho người nhiễm HIV và các nhóm đích trao đổi về các nhu cầu cũng như các sáng kiến của họ về chất lượng chăm sóc ở tỉnh để hỗ trợ đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2030.

Thùy Chi

Top