Sàng lọc viêm gan virus lồng ghép với dịch vụ HIV tại cơ sở điều trị methadone, HIV/AIDS

22/07/2022 13:46

(Chinhphu.vn) - Sàng lọc và điều trị viêm gan virus, lồng ghép với dịch vụ HIV tại các cơ sở điều trị methadone, HIV/AIDS và các tổ chức cộng đồng (CBO), phòng khám cộng đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là sáng kiến can thiệp dự phòng rất hiệu quả.

Giải pháp sáng tạo giúp người bệnh được phát hiện sớm

Sáng kiến can thiệp phòng chống viêm gan virus ở nhóm quần thể nguy cơ cao bao gồm những người là lao động tình dục, nghiện chích ma túy, nhiễm HIV, bạn tình của người nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới… thuộc dự án HepLINK của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và Tổ chức PATH.

Việt Nam là nước có gánh nặng về bệnh gan đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B (viêm gan B) mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C (viêm gan C) mạn tính. Trong số này, tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao.

Sàng lọc viêm gan virus lồng ghép với dịch vụ HIV tại cơ sở điều trị methadone, HIV/AIDS - Ảnh 1.

Khám sàng lọc cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26%-44%). Toàn quốc hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống, trong số này có trên 156.000 người đang điều trị thuốc ARV. Một số người nhiễm HIV đang điều trị đồng thời thuốc ARV và methadone.

Tình trạng nhiễm virus viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh tỷ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C.

Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể nhờ việc mở rộng điều trị thuốc ARV, tỷ lệ tử vong ở nhóm người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C không có xu hướng giảm do người bệnh gặp nhiều rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV.

Thông qua dự án HepLINK, Tổ chức PATH đã huy động 9 tổ chức cộng đồng (CBO) và 18 cơ sở y tế tham gia cung cấp dịch vụ viêm gan virus và đã ứng phó linh hoạt trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022, các cơ sở cung cấp dịch vụ đã xét nghiệm sàng lọc viêm gan C cho 19.601 người và sàng lọc viêm gan B cho 19.518 người, phát hiện 2.285 người nhiễm viêm gan C và 1.552 người nhiễm viêm gan B, chẩn đoán xác định 847 người mắc viêm gan C mạn tính, 604 người mắc viêm gan B mạn tính, trong đó 668 người được kết nối điều trị viêm gan C và 464 người được điều trị viêm gan B.

Trong số những khách hàng có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính, 48,1% và 43,8% được xét nghiệm khẳng định viêm gan C và B, 76,4% và 76,8% đã được điều trị viêm gan C và B tương ứng. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nên các tỷ lệ này khác xa so với số liệu ước tính quốc gia năm 2020 là 7% người sống chung với viêm gan C và 17% người sống chung với viêm gan B được chẩn đoán và chỉ có 1% người cần điều trị được điều trị hằng năm.

Để có được những kết quả trên, HepLINK đã chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông tạo cầu, tập huấn tăng cường kỹ năng cho những người cung cấp dịch vụ tư vấn trước và sau xét nghiệm, chuyển gửi và kết nối dịch vụ, đồng thời với tiếp cận bảo hiểm y tế và huy động nguồn lực trong nước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh nhận định: HepLINK là giải pháp sáng tạo giúp người bệnh được phát hiện sớm, đồng thời nâng cao nhận thức và ủng hộ của cộng đồng với chương trình phòng chống viêm gan.

Nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ lồng ghép

Từ những kết quả bước đầu của HepLINK, PATH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ lồng ghép này ở quy mô lớn hơn, đặc biệt trong vận động chính sách và nguồn lực cần thiết để có thể hỗ trợ những người có nguy cơ nhiễm viêm gan virus tiếp cận với dịch vụ toàn diện.

Mặc dù hành trình tiến tới loại trừ viêm gan B và C còn xa, nhưng việc tối ưu hóa nguồn lực có thể giúp chúng ta tiết kiệm được chi phí và giúp bệnh nhân tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn.

ThS.BS. Vũ Ngọc Bảo, Giám đốc kỹ thuật cao cấp, Chương trình Lao, HIV và Viêm gan vius, Tổ chức PATH, Giám đốc dự án HepLINK cho biết, nguồn lực cho chương trình phòng, chống viêm gan virus còn hạn chế, do đó việc lồng ghép dịch vụ viêm gan virus với dịch vụ HIV tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vài thập kỷ qua là sự khởi đầu tuyệt vời. Với cách tiếp cận này chúng ta có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngay tại nơi họ sinh sống và đáp ứng nhu cầu của họ để ngăn ngừa bệnh AIDS tiến triển, bệnh gan mạn tính và ung thư gan, cũng như nguy cơ tử vong vì các căn bệnh này".

Viêm gan virus là một trong những căn bệnh nguy hiểm chết người, nhưng bị lãng quên và đang ảnh hưởng đến 350 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người trên toàn cầu mỗi năm.

Ở Việt Nam, viêm gan virus là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba, với gần 9 triệu người mắc viêm gan B và viêm gan C mạn tính. Những người sống chung với HIV và các quần thể đích - bao gồm người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ và phụ nữ mại dâm - là những người có nguy cơ nhiễm cả viêm gan virus và HIV cao nhất ở Việt Nam.

Việt Nam đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Từ cuối năm 2018, chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỷ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%.

Từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir cho 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.

Sau hơn 2 tháng triển khai đã có trên 1.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị viêm gan C từ nguồn thuốc viện trợ miễn phí này. Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.

Thùy Chi

}
Top