Hơn 51 nghìn bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 343 cơ sở điều trị

31/05/2023 15:47

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc có hơn 51.000 bệnh nhân đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 343 cơ sở của 63 tỉnh/thành phố.

Hơn 51.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 343 cơ sở điều trị - Ảnh 1.

Không chỉ cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân cai nghiện Methadone, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như các tác động tích cực về an ninh, kinh tế với gia đình, cộng đồng và xã hội. Ảnh: Thùy Chi

Gần 3.300 bệnh nhân được cấp phát Methadone nhiều ngày

Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong gần 15 năm qua đã đem lại hiệu quả và lợi ích rất lớn. Không chỉ cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân cai nghiện Methadone, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như các tác động tích cực về an ninh, kinh tế với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong năm 2022, thực hiện Kế hoạch công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 556/QĐ-BYT ngày 04/3/2022 về việc phê duyệt Đề án mở rộng thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 06 tỉnh, thành phố bao gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số bệnh nhân được cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày là 3.290 bệnh nhân tại 6 tỉnh/thành phố. Sau 2 năm triển khai đề án thí điểm, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức đánh giá và kết quả cho thấy những kết quả hết sức tích cực.

Cụ thể, tăng tỉ lệ duy trì điều trị của bệnh nhân có nơi lên tới 95%; tăng tỉ lệ tuân thủ điểu trị, tỉ lệ bỏ liều thuốc trong tháng giảm rõ rệt; người bệnh có ý thức tốt trong việc bảo quản và sử dụng thuốc, sử dụng thuốc đúng mục đích, không có trường hợp nào chia sẻ hay buôn bán thuốc; hầu hết người bệnh hài lòng với chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Chưa kể người bệnh khi tham gia chương trình cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã hạn chế được việc đi lại, có thời gian đi làm từ đó đã hỗ trợ một phần nào đó kinh tế cho gia đình nên làm tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện môi trường sống, tạo được sự tin tưởng của gia đình và xã hội.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 10 sản phẩm có chứa Methadone (bao gồm cả thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài) và các thuốc có chứa Buprenorphine, được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Do vậy có thể cung ứng đủ thuốc theo kết quả trúng thầu và đơn đặt hàng của các cơ sở có nhu cầu sử dụng thuốc.

Bảo đảm triển khai thuận lợi các biện pháp can thiệp giảm tác hại và điều trị

Để công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố hỗ trợ và phối hợp với ngành Y tế tại địa phương triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho người sử dụng ma túy và xác định tình trạng nghiện ma túy.

Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại và xác định tình trạng nghiện ma túy trong các cơ sở trại giam, trại tạm giam, trường giáo dưỡng của Bộ Công an quản lý.

Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với ngành Y tế triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại và xác định tình trạng nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Y tế kiến nghị hiện Bộ đã giao cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá dịch vụ. Đề nghị Bộ tài chính phối hợp với ngành Y tế để ban hành văn bản hướng dẫn khung giá dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy.

Đối với địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quan tâm, chỉ đạo cũng như đầu tư thỏa đáng về kinh phí nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy.

Quan tâm đầu tư ngân sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nguồn lực để thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma túy theo đúng thẩm quyền được giao được quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP.

Bố trí ngân sách địa phương để triển khai mua thuốc Methadone bảo đảm việc triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện liên tục không bị gián đoạn do thiếu thuốc.

Bố trí ngân sách địa phương để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động xác định tình trạng nghiện ma túy thuộc địa bàn quản lý.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân và phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy.

Tiếp tục triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại 06 tỉnh, thành phố (Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An).

Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tiếp tục triển khai thuận lợi các biện pháp can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Tiếp tục triển khai tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ sở y tế thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Kịp thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho các địa phương có nhu cầu nâng cao năng lực xác định tình trạng nghiện ma túy.

Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế có năng lực đáp ứng với tình hình mới về nhu cầu xã hội liên quan đến ma túy nhất là ma túy tổng hợp. Đặc biệt đội ngũ nhân lực có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe hành vi.

Thùy Chi

Top