Hy vọng cho những phụ nữ không may nhiễm HIV

25/08/2022 14:41

(Chinhphu.vn) - Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đóng góp rất lớn trong việc giảm thiểu tỷ lệ nhiễm HIV cho trẻ em.

Hy vọng cho những phụ nữ không may nhiễm HIV - Ảnh 1.

Làm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Thùy Chi

Cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong 2 tỉnh, thành được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) triển khai sớm nhất Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Triển khai dự án, ngành y tế tỉnh đã lựa chọn Bệnh viện đa khoa chọn là nơi đầu tiên triển khai Dự án trên địa bàn tỉnh. Để triển khai chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa đã bố trí các bác sĩ, nữ hộ sinh tham gia dự án. Đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh tham gia chương trình đều được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản trung ương tập huấn về công tác tư vấn, điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; cách phối hợp cùng các cơ sở điều trị ngoại trú và tuyến dưới...

Trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Khoa luôn học hỏi những kinh nghiệm hay ở các bệnh viện T.Ư và các tỉnh, thành bạn để hoàn thiện công tác này. Bởi vậy, dù không phải Bệnh viện chuyên khoa, song Khoa Sản đã thực hiện cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trọn gói, đồng bộ. Hầu hết phụ nữ đến đây khám, điều trị thai nghén đều được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV kịp thời.

Với những trường hợp phát hiện HIV dương tính, các bác sĩ, nữ hộ sinh tham gia chương trình tổ chức gặp gỡ, tư vấn tâm lý và các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách hiệu quả, vừa tránh sốc tâm lý, vừa giúp chị em dễ dàng chấp nhận tham gia dự án. Đây còn là nơi tiếp nhận sản phụ nhiễm HIV chuyển đến từ các cơ sở y tế trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2004 đến nay, Khoa đã tư vấn cho khoảng 40.000 phụ nữ mang thai; trong đó, hơn 32.000 người đồng ý làm xét nghiệm HIV. Qua xét nghiệm, từ năm 2004 đến nay, Khoa đã phát hiện được 221 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Số phụ nữ mang thai xét nghiệm phát hiện HIV dương tính đã được điều trị dự phòng và sau khi sinh được chuyển tiếp đến cơ sở chăm sóc, điều trị người lớn một cách kịp thời. Khoa cũng đã điều trị phơi nhiễm cho hơn 200 trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV. Sau khi điều trị tại Khoa một thời gian, số trẻ này tiếp tục được chuyển tiếp về điều trị phơi nhiễm tại các cơ sở chăm sóc và điều trị nhi trong toàn tỉnh.

Việc tư vấn, điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho các bà mẹ có HIV một cách kịp thời đóng góp rất lớn trong việc giảm thiểu tỷ lệ nhiễm HIV cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong số 63 tỉnh, thành thực hiện chương trình điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là đơn vị có kết quả tốt so với nhiều tỉnh, thành khác và được Cục Phòng, chống HIV/AIDS chọn làm nơi để nhiều đơn vị đến học hỏi kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn triển khai dịch vụ.

Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh, trong Khoa, Dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người phụ nữ không may bị nhiễm HIV trên địa bàn.

Tại Quảng Ninh, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm với HIV, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi và cấp sữa ăn thay thế cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi. Đồng thời, các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, để phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ động tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS Quảng Ninh cho biết, nếu không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con, tỷ lệ này có thể dưới 2%. Chính vì vậy, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai. Đối với những phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết được tình trạng nhiễm HIV và kịp thời điều trị ARV nếu dương tính với HIV. 

Đối với phụ nữ đã nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV, xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình dưới 200 bản sao, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con. Những phụ nữ mang thai nhiễm HIV nên sinh con ở những cơ sở có triển khai chương trình dự phòng lây truyền mẹ con để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe.

Thùy Chi

Top