Kết nối các điểm tư vấn, chăm sóc với hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng

28/10/2022 13:44

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ LĐTB&XH, hiện trên toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó có 113 cơ sở cai nghiện, gồm 97 cơ sở cai nghiện công lập và 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập đang hoạt động.

Kết nối các điểm tư vấn, chăm sóc với hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng - Ảnh 1.

Các học viên đang lao động tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương. Ảnh: VGP/Giang Oanh

Tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy công lập do nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động theo quy định.

Nhìn chung, những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau khi cai nghiện ma túy trên toàn quốc đạt được những kết quả tích cực. Bộ và nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chế độ, chính sách, tạo thuận lợi cho công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về hiểm họa ma túy, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân về phòng, chống ma túy được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngành chức năng ở các địa phương đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho gần hàng nghìn cộng tác viên; tuyên truyền tại cộng đồng, trường học; phát hành hàng chục nghìn sổ tay tuyên truyền về ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Các cơ sở cai nghiện ma túy trên toàn quốc đã tiếp nhận cai nghiện ma túy cho hàng chục nghìn người. Hầu hết học viên khi vào các cơ sở đều được kiểm tra sức khỏe, phân nhóm để có biện pháp điều trị, giáo dục, tư vấn phù hợp. Ngoài điều trị theo quy trình, các cơ sở còn phối hợp với các trường nghề mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho học viên đủ điều kiện. Sau khi hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng, họ được địa phương hỗ trợ tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện theo quy định mới, các địa phương còn thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân phòng ngừa, cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện để giảm tác hại của sử dụng ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Nhiều địa phương đã xây dựng các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Các điểm đã tổ chức tư vấn và phối hợp hỗ trợ điều trị cho người nghiện. Ngoài ra, việc thành lập các đội công tác xã hội tình nguyện đã phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cho công tác cai nghiện và quản lý người nghiện tại cộng đồng.

Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội; phù hợp, thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia liên quan.

Theo đó, Dự thảo có nhấn mạnh đến 1 mục tiêu cụ thể. Đó là có phương án phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 nhằm giúp hơn 90% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng từ các cơ sở cai nghiện.

Giang Oanh

}
Top