Khắc phục những 'điểm khó' khi áp dụng các quy định mới về cai nghiện
(Chinhphu.vn) - Việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định mới còn khó khăn, vướng mắc do hệ thống cơ sở y tế ở địa phương không đủ điều kiện; chưa bố trí phân khu riêng cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi…Đây là những khó khăn chung trong công tác cai nghiện ma túy tại các địa phương để đáp ứng những tiêu chí mới theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Tập trung tuyên tuyền, phố biến các văn bản mới
Là tỉnh giáp biên giới với Campuchia nên tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh An Giang để tiêu thụ trong nước và sang nước thứ 3 khá phức tạp; số đối tượng nghiện ma túy chuyển sang mua bán trái phép chất ma túy, hình thành các ổ nhóm mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và tỷ lệ người nghiện mới gia tăng ở mức cao và ngày càng trẻ hóa.
Nhằm kịp thời phổ biến, triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan, trong 7 tháng đầu năm 2022, Sở LĐTB&XH An Giang đã tổ chức 13 lớp tập huấn với 614 cán bộ tham dự.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh tổ chức 11 buổi tuyên truyền các văn bản mới về phòng, chống ma túy và mua bán người với 825 lượt người tham dự. In ấn, cấp phát tờ rơi, phát hành 544 cuốn tài liệu phòng, chống ma túy theo Luật phòng chống ma túy năm 2021; tổ chức 2 buổi tuyên truyền tác hại ma túy và cách phòng ngừa tái nghiện cho hơn 200 học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022...
Các địa phương cũng duy trì hoạt động Điểm tư vấn hỗ trợ người nghiện và người sau cai nghiện. Từ năm 2021 đến nay, đã tiếp cận, thăm hỏi và tư vấn cá nhân cho 220 lượt người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện, thân nhân người nghiện ma túy; tư vấn nhóm tại văn phòng Điểm tư vấn cho 38 lượt người nghiện. Tư vấn tại gia đình người nghiện với 162 lượt người, 8 cuộc tư vấn tại cộng đồng cho 298 lượt người.
Ngoài ra, phối hợp với ngành Y tế, Công an, đoàn thể cấp xã tổ chức gặp gỡ, cảm hóa, tư vấn giới thiệu việc làm cho 41 lượt người nghiện và người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, theo Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang, công tác tổ chức cai nghiện, nhất là thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy tại cấp huyện theo quy định mới còn khó khăn, vướng mắc do hệ thống cơ sở y tế ở địa phương không đủ điều kiện. Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa triển khai thực hiện do các địa phương chưa chỉ định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện.
Theo quy định Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, hiện nay, địa phương chưa ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân và hỗ trợ người tham gia Tổ công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng do còn đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mặt khác, nguồn kinh phí địa phương triển khai thực hiện công tác này chưa được quan tâm, bố trí hằng năm.
Từng bước đáp ứng tiêu chí cai nghiện bắt buộc
Tỉnh An Giang hiện có một cơ sở cai nghiện ma túy (bố trí tại 2 địa điểm: Cơ sở chính tại ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn và Cơ sở 2 tại TP. Châu Đốc) với diện tích 104.4 ha, diện tích xây dựng trên 7 ha, quy mô tiếp nhận 1.000 học viên cai nghiện.
Tại Cơ sở chính, ngoài khối văn phòng, hội trường, nhà ăn, nhà chờ, khu thăm gặp thân nhân..., Cơ sở bố trí 9 khu nhà ở học viên, trong đó có một khu dành riêng cho nữ, tất cả được phân khu riêng biệt, có hàng rào chắc chắn, cổng ra vào có cán bộ trực, quản lý 24/24h.
Ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, Cơ sở tiếp nhận 422 người nghiện, gồm 337 lượt đối tượng xã hội (13 nữ), 48 cai nghiện bắt buộc và 37 học viên cai nghiện tự nguyện (2 nữ)... Hiện, Cơ sở đang quản lý 408 học viên (13 nữ), trong đó 378 cai nghiện bắt buộc (12 nữ) và 30 học viên cai nghiện tự nguyện (2 nữ).
Thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, lãnh đạo Cơ sở đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên quy trình tiếp nhận, phân loại, cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho học viên khi vào cai nghiện tập trung, đồng thời, cử cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và tổ chức lao động trị liệu.
Bên cạnh đó, học viên được tổ chức học nghề, lao động sản xuất trong xưởng và ngoài trời phù hợp với sức khỏe, nhu cầu của từng người. Khi học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, Cơ sở thông báo về địa phương và gia đình, đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức đưa đón học viên, bàn giao theo quy định.
Về cơ sở vật chất, Cơ sở được đầu tư cải tạo, nâng cấp năm 2019 bảo đảm yêu cầu cai nghiện theo quy định mới. Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu chí theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Cơ sở đang trình Đề án xây dựng Khu cai nghiện dành cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để sớm hoàn thành trước năm 2024 theo quy định.
Theo ông Lê Văn Thịnh, những vướng mắc hiện nay của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang gặp phải, đó là chưa được ngành Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh do thiếu điều kiện về nhân sự y, bác sỹ; iệc hoàn thiện hồ sơ thủ tục tiếp nhận học viên cai nghiện bắt buộc còn gặp khó khăn do không có y, bác sỹ được cấp chứng nhận đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Hơn nữa, đại đa số học viên nghiện ma túy tổng hợp, có biểu hiện loạn thần, chưa có phác đồ điều trị nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục hành vi, lao động - dạy nghề...
Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng cai nghiện, Cơ sở tập trung xây dựng bảo đảm các tiêu chí theo quy định mới, trong đó chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tối thiểu của Cơ sở, đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, nhất là bố trí phân khu riêng cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Như Ngọc