Từng bước đáp ứng yêu cầu cai nghiện theo quy định mới
(Chinhphu.vn) - Để đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, nhiều địa phương đang rà soát thực trạng, thực hiện các dự án, phương án tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực, tích cực triển khai.
Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện
Hiện nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Tháp đang quản lý 136 học viên (116 bắt buộc; 19 tự nguyện; 01 đối tượng bảo trợ). Với lợi thế nằm cạnh vùng sông nước và rừng cây, không gian của Cơ sở thoáng mát, sạch sẽ và trong lành. Toàn bộ khuôn viên trong và ngoài Cơ sở đều được trồng các loại cây xanh, cây cảnh và một số cây ăn trái, tạo không khí trong lành cho môi trường sinh hoạt, làm việc của cán bộ và học viên.
Trên diện tích đất sử dụng 381.012,1m2, trong đó, diện tích xây dựng hơn 4.000 m2, Cơ sở bố trí các khu làm việc tương đối hợp lý, gồm: Khu khám chữa bệnh, cắt cơn giải độc, Khu dành riêng cho học viên gia công, học nghề, Khu hội trường cho học viên sinh hoạt văn hóa văn nghệ hàng tuần, sinh hoạt chuyên đề, Khu nấu ăn, Khu sinh hoạt tập thể; Khu thăm gặp thân nhân học viên... Tất cả đều được phân khu riêng biệt, có hàng rào bảo vệ chắc chắn.
Tại Cơ sở, sau khi được tiếp nhận, các học viên được phân loại thành các nhóm để thuận tiện trong công tác quản lý, cụ thể: Phân loại theo độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, loại ma túy sử dụng, hình thức sử dụng, đối tượng cai nghiện tự nguyện, bắt buộc và đối tượng xã hội.
Sau đó, cán bộ, nhân viên sẽ tư vấn hướng dẫn học viên xây dựng kế hoạch cai nghiện qua từng giai đoạn như: Giai đoạn cắt cơn giải độc, giai đoạn điều trị các bệnh lý (nếu có), giai đoạn phục hồi hành vi, nhân cách, giai đoạn học nghề, lao động trị liệu và giai đoạn xây dựng kế hoạch chuẩn bị tái hòa nhập cồng.
Phòng Điều trị, cai nghiện phục hồi có 01 bác sĩ và 03 y sĩ đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác đúng quy định của Bộ Y tế, kết hợp thực hiện các biện pháp tâm lý, vật lý trị liệu, giúp cho người nghiện ma túy bớt lo âu, làm giảm hội chứng cai như tập thể dục buổi sáng, tắm nắng.
Cơ sở lập hồ sơ quản lý bệnh án từng đối tượng và phác đồ điều trị cụ thể, trang bị đầy đủ thuốc chống sốc và an thần phục vụ cấp cứu cho học viên khi cần thiết để cắt cơn, giải độc điều trị rối loạn tâm thần... theo danh mục được sử dụng và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thời gian qua công tác điều trị cắt cơn, giải độc tại Cơ sở luôn được thực hiện tốt, song thực tế đa số học viên sử dụng ma túy tổng hợp, đến nay chưa có phác đồ điều trị nên Cơ sở chỉ áp dụng điều trị theo triệu chứng.
Các hoạt động trị liệu tâm lý cũng được quan tâm. Ở giai đoạn này, Cơ sở thực hiện 30% thời gian cai nghiện của học viên. Sau khi tiếp nhận học viên, trong khoảng 20 ngày, qua giai đoạn cắt cơn, nhân viên tư vấn sẽ tư vấn ổn định tâm lý, phổ biến nội quy, quy chế của Cơ sở cho tất cả học viên mới. Đồng thời, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn đang gặp phải, tìm hiểu nguyên nhân sử dụng và tái sử dụng ma túy. Đây là bước tiền đề để thực hiện các bước hỗ trợ tiếp theo.
Cùng với đó, Cơ sở tích cực thực hiện các liệu pháp tâm lý nhóm. Tổ chức thành từng nhóm có cùng hoàn cảnh, thông qua đó người nghiện có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những lo âu, vướng mắc của bản thân khi đang cai nghiện tại Cơ sở để mọi người cùng nhau thảo luận và tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Trước khi tái hòa nhập cộng đồng, học viên được cán bộ tư vấn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch tái hòa nhập. Cơ sở gửi văn bản gửi đến UBND xã nơi học viên cư trú để có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, phân công giúp đỡ.
Năm 2021, Cơ sở đã phối hợp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Cao Lãnh tổ chức lớp học nghề Công nhân xây dựng. Năm 2022, mở một số lớp dạy các nghề lao động nông thôn, gồm: kiểng Bon sai, tạo móng tóc... cho 135 học viên. Ngoài ra, Cơ sở thường xuyên duy trì các hoạt động lao động trị liệu như: Trồng cây tạo cảnh quan, trồng rau xanh các loại, nuôi cá... bảo đảm cung ứng một phần phục vụ cho bếp ăn của học viên.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cơ sở phối hợp với ban ngành chức năng của tỉnh tổ chức 10 chuyên đề như: "Người con hiếu thảo", "Tư vấn hướng nghiệp, đào tạo, giới thiệu việc làm", "Pháp luật về Lý lịch tư pháp", "Con người - Sự lầm lỗi và sự nghiệp", "Tâm lý xã hội và đạo đức lối sống cho người đang cai nghiện ma túy"…cho các học viên.
Tuy nhiên, hiện nay, Cơ sở còn gặp khó khăn do chưa xây dựng khu quản lý riêng biệt tiếp nhận đối với người nghiện ma túy là trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định mới; chưa được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện; tỉ lệ học viên tái nghiện và nghiện các chất ma túy tổng hợp dạng Methamphetamine ngày càng tăng cao. Cùng với đó, học viên sử dụng đồng thời nhiều loại ma tuý khó khăn trong công tác quản lý và điều trị.
Ngoài ra, tỉ lệ người tái nghiện còn cao, công tác hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng còn gặp khó khăn, hạn chế do đa số người nghiện ở độ tuổi thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, buông thả, thích tụ tập ăn chơi, lười lao động, nhiều gia đình ít quan tâm đến việc quản lý con, em họ nên dễ dẫn đến tái nghiện. Các giải pháp tạo việc làm cho người sau cai chưa đồng bộ, hiệu quả, nhất là việc huy động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Từng bước xây dựng cơ sở vật chất
Ông Lê Văn Rạng, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, triển khai Luật Phòng, chống ma túy (năm 2021), Nghị định 116/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, lãnh đạo Cơ sở tập trung phối hợp với các ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, người lao động và học viên những điểm mới trong công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy. Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch, tham mưu với cấp thẩm quyền khắc phục khó khăn, hạn chế để sớm đáp ứng theo các quy định mới.
Ông Lê Văn Rạng chia sẻ, theo quy mô thiết kế, Cơ sở tiếp nhận khoảng 300 học viên. Năm 2018 và 2019, Cơ sở được sửa chữa, nâng cấp các phòng ở của học viên nên có khả năng tiếp nhận tối đa 400 học viên.
Dự báo với quy mô như hiện nay, Cơ sở sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới do số lượng học viên cai nghiện bắt buộc tăng cao theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021...
Theo ông Huỳnh Duy Khương, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đồng Tháp, hiện nay, Sở đã trình UBND tỉnh Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh giai đoạn 2 với mức đầu tư 107 tỷ đồng từng bước hoàn thành theo tiêu chí quy định của Luật Phòng, chống ma túy, nhất là mở rộng xây dựng thêm khu mới liền kề có phân khu vực giành riêng cho người cai nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, khu vực nam – nữ, khu vực cai nghiện tự nguyện...
Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Cơ sở điều trị nghiện thực hiện tiếp nhận người cai nghiện đúng quy định; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, dạy nghề phù hợp với đặc điểm của từng học viên; thường xuyên phòng, chống thẩm lậu ma túy, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý khi có vụ việc vi phạm.
Sở cũng có kế hoạch bổ sung số lượng viên chức làm việc còn thiếu so với quy định (Thông tư số 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ LĐTB&XH), nhất là bố trí đủ lực lượng y, bác sỹ nhằm đảm bảo công tác quản lý, cai nghiện đạt hiệu quả.
Như Ngọc