Đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Gỡ vướng ra sao?
(Chinhphu.vn) - Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn và những luật mới được ban hành như Luật Phòng chống ma túy, Luật xXử lý vi phạm hành chính… cần phải sửa đổi một số quy định liên quan đến công tác đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xém xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Tại Hà Hội, từ năm 2018 đến hết năm 2021, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 458 học viên có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân các quận/huyện.
Tuy nhiên, việc thực hiện Pháp lệnh số 09 tại Cơ sở gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện phải qua nhiều cơ quan như Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng LĐTB&XH, Tòa án nhân dân cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian.
"Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng gây khó khăn trong công tác quản lý người lưu trú tại cơ sở", ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cho hay.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh thì người tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính gồm có đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.
Thực tế, trong thời gian lưu trú chờ Tòa án ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì người bị đề nghị đều đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ chữa bệnh, sức khỏe không đảm bảo để tham gia phiên họp nên bắt buộc sự có mặt của người bị đề nghị là gây khó khăn cho Cơ sở và Tòa án trong quá trình trong quá trình triệu tập người đó đến phiên họp.
Theo ông Phạm Đình Giang, một số phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được mở tại Cơ sở nên Tòa án không thể cấp ngay quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cho đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định về việc gửi quyết định của Tòa án: "Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính cho người được quy định tại Điều 107 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp".
Tuy nhiên, thường sau một khoảng thời gian dài cơ sở mới nhận được Quyết định của Tòa án nên điều này cũng gây ra khó khăn cho Cơ sở trong công tác quản lý học viên vì không biết học viên thuộc loại đối tượng nào.
Báo cáo của Sở LĐTB&XH Hà Nội cho thấy, tính chung trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2021, các địa phương đã tích cực triển khai lập hồ sơ, xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 4.130 người (trong đó số người có nơi cư trú ổn định 1.297 người, số người không có nơi cư trú ổn định 2.833 người).
Trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1/1/2022-30/6/2022), thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, các địa phương đã triển khai lập hồ sơ, xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 530 người (trong đó số người có nơi cư trú ổn định 140 người, số người không có nơi cư trú ổn định 390 người).
Cần sửa một số quy định cho phù hợp với thực tiễn
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc thi hành các quy định pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp không ít vướng mắc.
Trong đó, việc xác minh nơi cư trú ổn định gặp nhiều khó khăn do người nghiện không có nơi cư trú ổn định thường ở tỉnh khác, là người dân tộc thiểu số, đối tượng thường khai không chính xác về quê quán, chỗ ở.... Nhiều trường hợp người nghiện cố tình khai không đúng sự thật, khai ở nhiều nơi dẫn đến việc xác minh mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ gửi Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Việc xác định tình trạng nghiện cũng gặp khó do lực lượng y tế cơ sở không bảo đảm theo quy định của pháp luật, thiếu bác sỹ chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa nội, y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề tại y tế cơ sở; các cơ sở cai nghiện ma túy công lập không đủ điều kiện để xin cấp phép khám chữa bệnh theo quy định của Luật khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng nhiều người không có nơi cư trú ổn định đưa vào cơ sở lưu trú tạm thời nhưng không xác định được tình trạng nghiện ma túy, quá thời hạn lưu trú phải trả về địa phương, không hoàn thành việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc.
Ngoài ra, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ 12 tháng đến 24 tháng, do đó thời gian cai nghiện của các đối tượng khác nhau nhưng lại chưa có tiêu chí cụ thể để xác định thời gian cai nghiện.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và ban hành Quy định các tiêu chí cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy từ 12 tháng đến 24 tháng.
Cơ quan Quốc hội cho phép cơ quan Tòa án mở phiên xem xét Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc bằng hình thức trực tuyến đối với các đối tượng lưu trú tạm thời tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc để giảm bớt thời gian đi lại của cán bộ do đi xem xét tại cơ sở hoặc đưa đối tượng từ cơ sở lưu trú về cơ quan tòa án.
Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 109/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng giữ nguyên các nội dung đã được quy định tại Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi tại Khoản 3, Điều 1, Nghị định số 136/2016/NĐ-CP) để tháo gỡ cho các địa phương trong quá trình lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Theo ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong những năm vừa qua, Pháp lệnh 09 đã đi vào cuộc sống, tạo tiền đề để thực hiện nhiệm vụ đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện ma túy được thuận lợi.
Mặc dù Pháp lệnh 09 đã được thực thi tốt trong hơn 8 năm qua, nhưng hiện nay nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã có những thay đổi như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Phòng chống ma túy năm 2021…
Vì vậy, để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của thực tiễn, cần phải sửa đổi một số điều, một số quy định liên quan đến công tác đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc Pháp lệnh 09.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá kết quả việc thực hiện Pháp lệnh số 09, về những tồn tại, khó khăn, hạn chế cũng như giải pháp thực hiện Pháp lệnh số 09 tại các địa phương trong những năm qua, qua đó tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung nhằm đưa Pháp lệnh số 09 đi vào cuộc sống thuận lợi.
Hoàng Giang