Nga bắt đầu phát triển công nghệ chế tạo vaccine ngừa HIV
(Chinhphu.vn) - Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Bộ Y tế Nga bắt đầu phát triển công nghệ để tạo ra kháng thể chống lại sự lây nhiễm HIV.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga cho biết, nhóm nghiên cứu "bắt đầu phát triển công nghệ để tạo ra các kháng thể có tính đặc hiệu rộng rãi, trước hết là đối với các loại virus biến đổi nhanh chóng có chứa RNA – trong số đó có virus cúm, COVID và HIV".
"Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu phát triển công nghệ này và cho rằng đã đạt được những bước tiến rất quan trọng mang tính nền tảng theo hướng này", ông Gintsburg chia sẻ.
Ông Gintsburg giải thích, trên thực tế trung tâm đã nghiên cứu được cách tạo ra các kháng nguyên. Việc đưa kháng nguyên vào cơ thể sẽ buộc cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại các tác nhân lây nhiễm, giúp hệ thống miễn dịch đối phó được với virus.
Trung tâm Gamaleya trước đây đã nổi tiếng với thành công trong việc phát triển vaccine Sputnik V ngừa COVID-19.
Suốt 40 năm qua, các chuyên gia trong lĩnh vực HIV vẫn miệt mài với hành trình tìm kiếm vaccine HIV. Tuy nhiên, việc bào chế vaccine HIV gặp không ít khó khăn, do chưa đủ dữ liệu y tế và vì loại virus này biến đổi phức tạp.
Mục tiêu chính trong việc phát triển vaccine HIV là thúc đẩy sản xuất các kháng thể trung hòa rộng rãi, bám vào các phần hoặc lớp vỏ bên ngoài của virus, rất giống nhau giữa các chủng HIV khác nhau. Điều này làm cho các kháng thể bảo vệ chống lại nhiều loại chủng khác nhau, bất kể chúng biến đổi thế nào.
Tương tự vaccine khác, mũi ngừa HIV trải qua các công đoạn gồm bào chế trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật và người.
HIV hiện là vấn đề sức khỏe lớn trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 7/2023 thống kê virus gây ra khoảng hơn 40 triệu ca tử vong, lây truyền liên tục ở mọi quốc gia. Bệnh do HIV gây ra không có thuốc điều trị, các phương pháp kéo dài sự sống không giúp ngăn lây nhiễm, vì vậy vaccine là phương pháp duy nhất để loại trừ mầm bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu vaccine HIV liên tục gặp khó khăn do mầm bệnh phức tạp. Đại diện tổ chức IAVI, đang tài trợ các nghiên cứu vaccine HIV, cho biết thử nghiệm đầu tiên kiểm tra hiệu quả vaccine có thể phải diễn ra năm 2030 hoặc muộn hơn.
Thúy Vân
Theo RIA Novosti