Ngăn chặn hành vi tái trồng cây chứa chất ma túy

25/02/2023 08:42

(Chinhphu.vn) - Mặc dù cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp xử lý nghiêm những trường hợp trồng cây có chứa chất ma túy nhưng tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện, cần sa vẫn diễn biến phức tạp, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn hiệu quả.

Triệt nguồn tái trồng cây chứa chất ma túy - Ảnh 1.

Công an tỉnh Lai Châu phát hiện đối tượng trồng hơn 1.300 cây thuốc phiện để ngâm rượu - Ảnh: Công an Lai Châu

Nguy cơ lan rộng nếu không phát hiện, xử lý kịp thời

Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Minh Quyết, sinh năm 1991, trú tại thôn Tiền, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình về hành vi trồng cây thuốc phiện.

Trước đó, khoảng 12h45' ngày 22/2, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an thành phố Lai Châu phát hiện tại ngôi nhà cấp 4, tại bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, TP. Lai Châu có trồng 3 luống cây màu xanh (nghi là cây thuốc phiện).

Tổ công tác đã mời đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến để lập biên bản ghi nhận sự việc và thu giữ toàn bộ vật chứng là 1.347 cây phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã triệu tập Trần Minh Quyết là người thuê ngôi nhà trên đến làm việc. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận đã mua hạt giống cây thuốc phiện trên mạng xã hội về gieo nhằm mục đích để lấy cây và quả ngâm rượu.

Tại Lạng Sơn, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, lực lượng Công an huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn liên tiếp phát hiện, phá nhổ nhiều điểm trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn. Trong đó, ngày 17/2, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vườn nhà ông Hoàng Đăng Hiển (SN 1986), trú tại khối phố Ngọc Trí, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) trồng 160 cây thuốc phiện (chiều cao trung bình khoảng 50 cm, nhiều cây đã ra hoa và có quả).

Ngày 19/2, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 77 cây thuốc phiện được trồng trái phép tại khu vườn nhà bà Vi Thị Bạo (SN 1960) và 30 cây thuốc phiện tại khu vườn của bà Trần Thị Oanh (SN 1972), đều trú tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Tương tự, tại Bắc Giang, ngay khi có phản ánh của nhân dân về một người dân ở thôn Mai Tô có dấu hiệu trồng cây anh túc, Công an xã Phì Điền (Lục Ngạn) lập tức rà soát. Sáng 14/2, lực lượng công an phát hiện tại vườn nhà ông N.V.N (SN 1966) có trồng nhiều cây anh túc. Khi đó cây đã cao khoảng 30-40 cm, qua kiểm đếm có 106 cây. Ông N khai trồng lẫn anh túc với các loại rau khác trong vườn, mục đích để sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh theo cách dân gian. 

Trước đó, ngày 4/2, Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy - môi trường (Công an huyện Sơn Động) và Công an xã Tuấn Đạo phát hiện, thu giữ 2.154 cây anh túc tại vườn của gia đình ông N.Q.T (SN 1962) ở thôn Linh Phú. Nhằm đối phó và che giấu hành vi, ông T trồng cây anh túc trong mảnh vườn được che kín bằng tường rào và lưới thép, khuất lẫn với các loại cây khác.  Ngày 8/2, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông N.Q.T.

Qua các vụ việc trên cho thấy tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy có diễn biến phức tạp. Nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lan rộng. Các đối tượng thường "mượn" lý do chữa bệnh để trồng, sử dụng trái phép, gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở. Thậm chí có thể biến tướng thành sản xuất, mua bán ma túy.

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý các vụ trồng cây cần sa, cây thuốc phiện gặp khó khăn. Đầu tiên, nhận thức của người dân về các loại cây có chứa chất ma túy. Tại nhiều địa phương, người dân có khi trồng cây ma túy theo phong tục tập quán, hoặc để sử dụng trong dân sinh như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự Việt Nam có 13 điều quy định các tội liên quan đến ma túy. Trong đó, hình phạt cho tội phạm ma túy là rất nghiêm khắc, có đến 2/3 các điều có khung hình phạt tù chung thân và tử hình. Tuy nhiên, Điều 247 quy định về tội Trồng cây có chứa chất ma túy, lại có hình phạt rất nhẹ, chỉ mang tính chất cảnh báo là chính.

Cụ thể, với Khoản 1 Điều 247, khung hình phạt đối với người trồng các cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nhưng, phải thỏa mãn một trong các yếu tố: Phải trồng từ 500 cây trở lên; đã được giáo dục 2 lần và có điều kiện sống ổn định hoặc đã bị xử phạt hành chính. Khung hình phạt cao nhất với tội trồng cây chứa chất ma túy là 7 năm tù nhưng phải trồng từ 3.000 cây hoặc tái phạm nguy hiểm.

Hơn nữa, các nước láng giềng như Thái Lan, Lào... đang hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa cho mục đích y tế. Đó là điều kiện cho tội phạm lợi dụng.

Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện, cây có chứa chất ma túy trái phép trên địa bàn.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc rà soát, phát hiện và xử lý việc trồng cây có chứa chất ma tuý trên địa bàn. Thành lập Tổ công tác rà soát do lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan như: Nông nghiệp, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… tổ chức triển khai, rà soát, phát hiện việc trồng cây có chứa chất ma túy. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tự động phá bỏ cây trồng chứa chất ma túy và ký cam kết không tái trồng. Khi phát hiện các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy trái phép phải tập trung lực lượng, phương tiện xử lý đúng pháp luật, tiến hành truy nguyên nguồn gốc, đối tượng cung cấp giống, làm rõ động cơ, mục đích trồng cây...

Triệt nguồn tái trồng cây chứa chất ma túy - Ảnh 2.

Nghiên cứu đưa mặt hàng hạt cây thuốc phiện vào Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu

Quản lý chặt chẽ hạt cây thuốc phiện

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền, phát triển kinh tế - xã hội, một trong những "kẻ hở" mà cơ quan chức năng cũng đang tính đến đó là hạt giống cây cần sa, cây thuốc phiện. Bởi những hạt giống này không chứa đủ hàm lượng chất ma túy tối thiểu nên không có chế tài xử lý. Trong khi đó, chính những hạt giống lại là mầm mống cho việc gieo trồng, nhân giống.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phát sinh vướng mắc liên quan đến chính sách quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng nhập khẩu là hạt thuốc phiện Papaver somniferrum, mã số HS 1207.91.00.

Cụ thể, Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định: "Cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định".

Tại Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: "1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy…"

Căn cứ Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi buôn bán quả thuốc phiện thuộc tội mua bán trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2021 của Bộ NN&PTNT thì mặt hàng hạt thuốc phiện, mã số HS 1207.91.00 thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Trong khi, hạt thuốc phiện có thể sử dụng trồng thành cây thuốc phiện hoặc sử dụng cho các mục đích khác, ảnh hưởng luật đến sức khỏe cộng đồng, vi phạm quy định của pháp luật.

Nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ, đúng quy định, mới đây, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Bộ NN&PTNT làm rõ việc nhập khẩu mặt hàng "hạt thuốc phiện" (được thu hoạch từ quả thuốc phiện) có thuộc đối tượng bị xử lý theo quy định tại Điều 251 Bộ Luật hình sự hay không.

Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu đưa mặt hàng này cũng như các loại hạt của cây có chứa chất ma túy vào Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.

Hoàng Giang

Top