Người lao động cần nâng cao phòng, chống HIV/AIDS

08/04/2022 13:18

(Chinhphu.vn) - Một trong những yêu cầu đặt ra là tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống HIV/AIDS thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng người lao động, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, ngành.

Người lao động cần nâng cao phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Trao đổi kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động

Ngày 8/4, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã ký văn bản số 190/KH-TLĐ về Kế hoạch Triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  trong công nhân, viên chức, lao động.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, viên chức, lao động năm 2022 và những năm tiếp theo với các nội dung: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, về phòng, chống HIV/AIDS, kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức về HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng và điều trị HIV/AIDS, các biện pháp chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong cán bộ đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

Tổ chức các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ công đoàn các cấp và công nhân lao động, đặc biệt là cán bộ công đoàn các khu công nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS.

Phối hợp với ngành y tế và các tổ chức cộng đồng tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp; tổ chức các sự kiện phối hợp khám sức khỏe, tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV miễn phí và triển khai các hoạt động dự phòng cho công nhân lao động và những người có nguy cơ nhiễm HIV làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp (phát bao cao su, bơm kim tiêm; xét nghiệm HIV; chuyển gửi dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); chuyển gửi dịch vụ điều trị người nhiễm HIV).

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống HIV/AIDS ở nơi làm việc đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện công tác thống kê, báo cáo tình hình nhiễm HIV theo quy định hiện hành.

Đa dạng hóa các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân, viên chức, người lao động. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông của tổ chức công đoàn; các phương tiện truyền thông tại cơ sở, tại khu công nghiệp (pano, áp phích, tờ rơi, thẻ tiếp thị), các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook..); lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, ngừa HIV/AIDS với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... của tổ chức công đoàn.

Vĩnh Hoàng

}
Top