Nguy hiểm tiến triển bệnh trầm cảm ở người nhiễm HIV

04/08/2022 11:16

(Chinhphu.vn) - Trầm cảm có thể khiến cho người bệnh nhiễm HIV không tuân theo việc điều trị, bỏ lỡ các buổi tái khám hay quên uống thuốc, tăng nguy cơ có ý nghĩ thực hiện các hành vi gây lây nhiễm bệnh cho người khác.

Nguy hiểm tiến triển bệnh trầm cảm ở người nhiễm HIV - Ảnh 1.

Nguy hiểm tiến triển bệnh trầm cảm ở người nhiễm HIV. Ảnh minh họa

Trầm cảm là một trong những căn bệnh tâm lý mà người nhiễm HIV thường gặp phải. Đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần rất phổ biến, được đặc trưng bởi tâm trạng buồn bã, suy nghĩ bi quan, kém tập trung và các triệu chứng sinh học (do kém ăn và khó ngủ). Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, trầm cảm có thể dẫn đến việc người bệnh tự làm hại bản thân và có ý nghĩ tự tử.

Trầm cảm chiếm tỷ lệ khoảng 10% - 15% người lớn trong dân số chung. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, ở nữ gấp đôi nam và có nguy cơ tái diễn cao đòi hỏi phải điều trị lâu dài gây khó khăn cho bệnh nhân và gia đình. Trầm cảm có thể nguyên phát hoặc thứ phát sau một bệnh lý khác, đặc biệt là HIV/AIDS.

Trầm cảm được đặc trưng bởi sự hiện diện của một số hoặc tất cả các triệu chứng trong một khoảng thời gian vài tuần hoặc thậm chí vài tháng (thay vì vài giờ hoặc vài ngày) như: Tâm trạng buồn bã, khóc lóc, thờ ơ; khó ngủ (khó ngủ hoặc ngủ liên tục) và thay đổi thói quen ăn uống (chán ăn hoặc không kiểm soát được việc ăn quá nhiều); cảm giác giá trị bản thân thấp, cảm giác tội lỗi; suy nghĩ về cái chết, có hành vi tự hại hoặc tự tử; mệt mỏi hoặc cảm thấy chậm chạp; kém tập trung, dễ cáu gắt; một số ảnh hưởng thể chất như tăng cân hoặc giảm cân đột ngột; cô lập bản thân với xã hội…

Trầm cảm có nghiêm trọng không?

Trầm cảm có thể khiến cho người bệnh không tuân theo việc điều trị, bỏ lỡ các buổi tái khám hay quên uống thuốc. Nó làm tăng nguy cơ có ý nghĩ thực hiện các hành vi gây lây nhiễm HIV cho người khác. Nhìn chung, trầm cảm có thể làm cho bệnh HIV tiến triển nhanh hơn và làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân bị trầm cảm, đặc biệt là phụ nữ, có nhiều khả năng dừng điều trị và không đạt được hiệu quả điều trị.

Trầm cảm thường hay bị bỏ qua. Ngoài ra, nhiều chuyên gia HIV chưa được đào tạo đầy đủ để nhận ra triệu chứng trầm cảm hoặc có chuyên môn điều trị bệnh này. Trầm cảm cũng dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của HIV giai đoạn tiến triển.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm

Trước khi phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe thực thể, người có kết quả dương tính với HIV phải trải qua nhiều vấn đề về tâm lý. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra trầm cảm. Khi bệnh nhân biết mình nhiễm HIV có thể làm cho các triệu chứng trầm cảm nặng hơn. Một số loại thuốc dùng để điều trị HIV có thể hình thành hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm. Các bệnh như thiếu máu, tiểu đường, dùng ma túy, nồng độ testosterone thấp cũng có các triệu chứng giống như trầm cảm. Trầm cảm cũng dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của HIV giai đoạn tiến triển.

Điều trị trầm cảm

Điều trị trầm cảm là rất quan trọng ở những bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV. Nếu không được điều trị, trầm cảm sẽ khiến những người nhiễm HIV tự ý ngừng điều trị, ngừng đến các cuộc hẹn tư vấn của bác sĩ và chủ động không tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngoài ra, nếu không điều trị trầm cảm có thể dẫn đến nhiều hành vi nguy hiểm hơn, bao gồm lạm dụng rượu, sử dụng ma túy và bất cẩn trong các hành vi có thể lây nhiễm HIV cho người khác.

Ở những người nhiễm HIV, trầm cảm có thể làm xấu đi tình trạng bệnh hiện có và dẫn đến kết quả sức khỏe kém hơn. Một số nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy trầm cảm không chỉ liên quan đến tải lượng virus HIV cao hơn và số lượng tế bào CD4 thấp hơn mà còn thúc đẩy tiến triển thành AIDS và làm tăng nguy cơ tử vong.

Trầm cảm có thể được chữa khỏi bằng cách thay đổi lối sống, lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp hoặc dùng thuốc… Để phòng tránh trầm cảm, người bệnh cần thay đổi lối sống; thường xuyên duy trì hoạt động thể dục thể thao lành mạnh, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, kiểm soát căng thẳng và cải thiện thói quen giấc ngủ. Massage, châm cứu là liệu pháp tốt làm giảm trầm cảm; khám sức khỏe định kỳ; tuyệt đối không tự ý ngừng dùng thuốc HIV hoặc thuốc trầm cảm (trừ khi được bác sĩ cho phép); thường xuyên tham gia các buổi tư vấn chuyên đề về HIV và bệnh trầm cảm; nói chuyện với người mà mình tin tưởng để có thể nhận được nhiều hỗ trợ hơn…

Sống chung với trầm cảm gây khó khăn thêm cho việc điều trị HIV, do đó người nhiễm HIV hãy cởi bỏ vỏ bọc của bản thân và nắm tay mọi người vì bạn không hề đơn độc trong cuộc chiến với căn bệnh HIV.

Thùy Chi

Top