PEPFAR tiếp tục hỗ trợ các quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2023-2025

02/03/2023 08:44

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 27/2-03/3/2023, đoàn cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tham dự hội nghị lập kế hoạch cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2023-2025 do Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) tài trợ tại thành phố Johannesburg, Nam Phi.

PEPFAR tiếp tục hỗ trợ các quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2023-2025 - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Tham gia đoàn có PGS.TS. Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cùng các cán bộ đại diện một số các Phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS và ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế; đại diện Lãnh đạo của Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) cũng như đại diện các đối tác khác bao gồm: Cơ quan phòng ngừa kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (USCDC); Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); đại diện một số nhóm cộng đồng đang tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Tiến sĩ, Bác sĩ John Nkengasong -  Đại sứ của PEPFAR đánh giá cao sự nỗ lực của các quốc gia trong việc triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS do PEPFAR tài trợ.

Ông John Nkengasong nhấn mạnh sự hỗ trợ của PEPFAR trong 20 năm qua đã tác động rất lớn đến việc kiểm soát dịch HIV của các quốc gia nhận viện trợ trong đó có Việt Nam. Các quốc gia đã từng bước kiểm soát đại dịch HIV/AIDS, giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện hằng năm; giảm số người tử vong liên quan đến AIDS; bảo đảm cho người nhiễm HIV tiếp tục sống cuộc sống khỏe mạnh.

Có thể nói sự hỗ trợ này đã tác động rất lớn làm thay đổi đại dịch, nâng tuổi thọ bình quân đầu người ở các quốc gia châu Phi đã bị dịch HIV kéo giảm sâu sau khi bùng phát dịch.

Tại hội nghị, ông John Nkengasong đề nghị các quốc gia cần có tầm nhìn xa hơn, chẳng hạn tầm nhìn 20 năm nữa chương trình phòng, chống HIV/AIDS của các quốc gia sẽ như thế nào và PEPFAR khi đó sẽ hỗ trợ gì cho các nước đang nhận viện trợ hiện nay.

Tại cuộc tọa đàm cùng lãnh đạo Bộ Y tế của các quốc gia nhận viện trợ từ chương trình PEPFAR, Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cho biết, những đóng góp của PEPFAR đã giúp chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào từ việc giúp Việt Nam xây dựng hệ thống chính sách phòng, chống HIV/AIDS như Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Việt Nam cũng đã triển khai thành công các chương trình dự phòng bao gồm cả điều trị thay thế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Đối với điều trị HIV/AIDS (ARV), hơn 85% bệnh nhân HIV được cấp thuốc bảo hiểm y tế trong khi trước đây 90% thuốc ARV phụ thuộc vào hỗ trợ quốc tế. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) đã được triển khai và mở rộng nhanh, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Australia về độ bao phủ.

Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi tự chủ tài chính từ hỗ trợ của các nhà tài trợ sang tài chính trong nước. Việt Nam đã và đang hỗ trợ các tỉnh xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính sử dụng ngân sách địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đẩy mạnh sự tham gia của khu vực y tế tư nhân và các nhóm cộng đồng đã được tăng cường trong phòng, chống HIV/AIDS.

"Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới các chính sách như hợp đồng xã hội, huy động sự tăng cường tham gia của y tế tư nhân để đa dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ, phù hợp với các đối tượng khác nhau trong xã hội. Nhiều mô hình và sáng kiến mới của PEPFAR cũng được Việt Nam áp dụng rất thành công như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; triển khai ứng phó y tế công cộng để đảm bảo cảnh báo dịch sớm và ứng phó kịp thời; các mô hình điều trị PrEP từ xa", PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết.

Đề cập về tầm nhìn 20 năm sau của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết: Việt Nam đã đặt mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, tuy nhiên những người nhiễm HIV vẫn tiếp tục cần được chăm sóc và điều trị toàn diện. Nhiều vấn đề sức khỏe của người nhiễm HIV cần được quan tâm như các vấn đề về sức khỏe người cao tuổi nhiễm HIV, vấn đề sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm cho người nhiễm HIV.

Tương lai Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện gắn liền với hợp tác công tư và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV. Phòng, chống HIV/AIDS sẽ cần được tiếp tục lồng ghép vào trong hệ thống y tế công lập từ trung ương đến địa phương.

Trong thời gian tới, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nói chung và PEPFAR nói riêng với Việt Nam vẫn rất quan trọng nhất là triển khai các sáng kiến, mô hình mới, đẩy mạnh đáp ứng y tế công cộng để bảo đảm cảnh báo sớm dịch cũng như các vấn đề y tế công cộng khác.

Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR). PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua.

Thùy Chi

}
Top