Phấn đấu giảm 82,5% ca nhiễm mới HIV trên toàn cầu vào năm 2025
(Chinhphu.vn) - Mục tiêu đến năm 2025 là giảm số ca nhiễm HIV mới xuống dưới 370.000 ca. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia cần đạt được mức giảm 82,5% ca nhiễm mới so với năm 2010.
Trong số 28 quốc gia ưu tiên được Liên minh Phòng chống HIV Toàn cầu hỗ trợ, phân tích dữ liệu từ Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) cho thấy 5 quốc gia gồm: Côte d'Ivoire, Zimbabwe, Malawi, Lesotho và Cộng hòa Hồi giáo Iran đã giảm hơn 61% ca nhiễm HIV mới từ 2010 đến 2021.
Mười hai quốc gia khác ghi nhận mức giảm hơn 40%. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy các ca nhiễm HIV mới đang gia tăng ở 38 quốc gia khác, trong đó một số quốc gia có dịch HIV gia tăng mạnh. Xu hướng đáng lo ngại này kêu gọi đẩy mạnh công tác phòng chống HIV và mở rộng Liên minh sang các quốc gia này.
Cũng theo số liệu từ UNAIDS, các chương trình phòng chống HIV dành riêng cho trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ chỉ chiếm 41% tại các nơi có tỉ lệ nhiễm HIV từ trung bình đến cao ở châu Phi cận Sahara.
Ở các quốc gia trọng điểm của Liên minh Phòng chống HIV Toàn cầu, 63% người hành nghề mại dâm, 49% người đồng tính nam và những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới và 36% người tiêm chích ma túy đã tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV vào năm 2021. Tuy nhiên, sự kỳ thị trong việc cung cấp dịch vụ y tế, các rào cản về giới…vẫn là những trở ngại lớn đối với việc tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV ở các nhóm dân số chính.
Khả năng tiếp cận bao cao su, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và nam giới tự nguyện cắt bao quy đầu vẫn chưa đồng đều. Chỉ có Uganda và Zimbabwe đáp ứng hơn 80% nhu cầu phân phát bao cao su.
Dữ liệu cũng chỉ ra, một số quốc gia giảm sử dụng bao cao su từ sau năm 2015. Điều này, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải thay đổi tình trạng này. Mặc dù mức độ cung cấp và sử dụng PrEP tăng nhanh ở 28 quốc gia trọng điểm, nhưng con số tuyệt đối vẫn rất thấp, chỉ có 1,5 triệu người dùng vào cuối năm 2021 so với mục tiêu toàn cầu là hơn 10 triệu người.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nam giới có thể ngăn ngừa lây nhiễm HIV lên đến 60% nếu cắt bao quy đầu. Từ năm 2017-2019, số nam giới tự nguyện cắt bao quy đầu để phòng ngừa HIV liên tục ở mức hơn 4 triệu mỗi năm. Nhưng đến năm 2020, giảm 40% và năm 2021 duy trì ở mức 2,8 triệu (chỉ với Ethiopia, Tanzania và Zambia đạt mục tiêu hàng năm). Chính vì vậy, các chương trình này đòi hỏi các quốc gia phải tập trung đổi mới để đạt được 90% mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phòng chống AIDS toàn cầu 2021-2026.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của UNAIDS cho biết, để ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng, cần đổi mới hướng đầu tư và cung cấp các lựa chọn phòng ngừa hiệu quả cho tất cả những đối tượng nguy cơ.
Ông Mitchell Warren, đồng Chủ tịch Liên minh Phòng chống HIV Toàn cầu khẳng định, đây là thời điểm và cũng là cơ hội tốt nhất để chúng ta cùng nhìn nhận lại những thành tựu trong công tác phòng chống HIV và tiếp tục triển khai thực hiện một cách công bằng và có hiệu quả.
Bà Judy Chang, Giám đốc điều hành Mạng lưới Người sử dụng Ma túy Quốc tế đề nghị các quốc gia đầu tư đầy đủ vào các hệ thống cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS.
Thùy Chi