Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
(Chinhphu.vn) - TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, việc nâng cao kiến thức, tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh tình hình lây truyền HIV/AIDS đang gia tăng rất nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính đến cuối năm 2022, toàn quốc có khoảng 242.000 người nhiễm HIV, trong đó có 220.580 trường hợp còn sống. Tỉ lệ mới phát hiện HIV trong nhóm nam cao hơn nhiều so với nữ. Tỉ lệ nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Việt Nam đã có các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, gồm: Xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEF, điều trị, ARV...
Theo TS. Phạm Đức Mạnh, việc lây truyền HIV/AIDS gia tăng rất nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn là điều rất đáng lo ngại, đòi hỏi chúng ta cần có sự ứng phó toàn diện và kịp thời. Vì vậy, để cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và cung cấp thông tin về HIV/AIDS cũng như các dịch vụ hiện có về xét nghiệm HIV, điều trị Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV… đến lực lượng nam công nhân, theo ông Phạm Đức Mạnh, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở phía Trung ương và Liên đoàn Lao động tại địa phương.
Thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động ở một số tỉnh thành phố có nhiều khu công nghiệp, người lao động.
Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở nhóm thanh niên trẻ, gồm công nhân lao động và học sinh sinh viên. Qua đánh giá nhanh năm 2022 cho thấy, hiểu biết về HIV/AIDS ở công nhân lao động còn nhiều hạn chế. Khảo sát trên 3.500 công nhân chỉ có 1/3 công nhân trả lời đúng và đầy đủ các cách dự phòng HIV; 44,7% biết HIV/AIDS có thể điều trị được; 79% sẵn sàng đi xét nghiệm với bạn đời/bạn tình để phát hiện HIV/AIDS nếu nghi ngờ có hành vi nguy cơ; ít hơn 30% công nhân chưa có gia đình có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Phân tích trong số ca có phản ứng với HIV trong gần 3 năm trở lại đây, nhóm lao động trong nhà máy, xí nghiệp chiếm 21%. Độ tuổi nhiễm HIV nhiều nhất rơi vào từ nhóm 20 - 29 tuổi và ngày càng trẻ hóa.
Điển hình, tại Thái Nguyên, đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho những người làm việc tại các khu công nghiệp, người lao động, các học viên, sinh viên, Thái Nguyên đã liên tục tăng cường tư vấn xét nghiệm phát hiện ca HIV, kết nối điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính và kết nối với dự phòng cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, tính đến 30/4/2023, toàn tỉnh đã phát hiện 9.177 ca nhiễm HIV, 4.679 người đã tử vong, số người nhiễm HIV còn sống 4.498. Số ca nhiễm HIV mới được báo cáo hàng năm có xu hướng duy trì tương đối ổn định trong những năm gần đây, với khoảng trên dưới 200 ca nhiễm HIV mới mỗi năm. Địa bàn báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS bao phủ cả 9/9 huyện/thành và 177/178 xã, phường.
Phân bổ đối tượng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có xu hướng trẻ hóa, với hơn 80% tổng số người nhiễm của tỉnh nằm trong độ tuổi 25-49 và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm HIV, trong đó nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế, đặc biệt ở nhóm thanh niên trẻ bao gồm công nhân lao động và học sinh sinh viên, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Những số liệu nêu trên cho thấy dịch HIV/AIDS tại tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ.
Tại khu vực phía Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) triển khai nhiều hoạt động tại Bình Dương và TPHCM. Đây là hai địa phương có nhiều khu công nghiệp, người lao động sinh sống tại đây. Trong đó, TPHCM là một trong 5 trung tâm về công nghiệp, đồng thời là trung tâm lao động trên cả nước. Toàn thành phố hiện có hơn 1 triệu công nhân, viên chức lao động. Tuy nhiên, con số phát hiện HIV/AIDS trên cả nước có 21% là của công nhân lao động.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng chống HIV/AIDS trong công nhân viên chức lao động, thời gian tới Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Việc phòng, chống HIV/AIDS dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, các nhóm quan hệ đồng tính; kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị toàn diện HIV/AIDS. Bên cạnh đó, bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với các chương trình đào tạo, các hoạt động truyền thông…
Thùy Chi