Phòng chống tội phạm và mua bán người trên tuyến hàng không

12/04/2022 11:02

(Chinhphu.vn) - Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa... nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động vi phạm pháp luật.

Phòng chống tội phạm và mua bán người trên tuyến hàng không - Ảnh 1.

Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa...nhằm hòng chống tội phạm và mua bán người trên tuyến hàng không

Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2022.

Theo đó Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, phân công quản lý có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Cục yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam triển khai thực hiện và giám sát công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn người của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý. 

Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu vực cảng hàng không, sân bay cam kết thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam về phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay nhất là các chuyến bay quốc tế; trên tàu bay... nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động vi phạm pháp luật.

Cục cũng yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không tiếp tục tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật đối với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động tội phạm và mua bán người. 

Triển khai cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên làm việc trong khu vực hạn chế viết cam kết không tham gia và không tiếp tay cho hoạt động tội phạm và mua bán người. Rà soát chặt chẽ quy trình kiểm tra, soi chiếu an ninh, các hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay để kịp thời phát hiện những sơ hở để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tội phạm và mua bán người trong lĩnh vực phụ trách.

Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan tổ chức tập huấn cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiến thức, kỹ năng chống tội phạm và mua bán người. Kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến tội phạm và mua bán người trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP, Công ty CPHK Vietjet Air, PacificAirlines, VASCO..., Cục yêu cầu các đơn vị tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển và không tiếp tay cho vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không rõ xuất xứ đến các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người trong hoạt động hàng không...

Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, cung ứng suất ăn, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác tại các cảng hàng không, sân bay, Cục HKVN yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật đối với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động tội phạm và mua bán người;

Triển khai cho quản lý các cấp và nhân viên làm việc thường xuyên trong khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay; quản lý các cấp và nhân viên tiếp xúc trực tiếp với tàu bay không tham gia và không tiếp tay cho hoạt động phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người.

Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của đơn vị mình khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay nhằm ngăn chặn việc thực hiện và tiếp tay cho hành vi tội phạm và mua bán người…

Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.

Theo Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên Hợp Quốc (UNODC), trên thế giới có gần 250 triệu người di cư trái phép và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của hàng trăm đường dây mua bán người trên thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Kông được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.

Theo số liệu do Bộ Công an, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, Việt Nam phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...

Hoàng Giang

Top