PrEP: Giải pháp phòng HIV chủ động ngăn chặn lây nhiễm HIV

23/05/2025 08:59

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian gần đây, mặc dù số ca nhiễm mới đã có xu hướng giảm, song tỉ lệ lây nhiễm HIV vẫn còn cao, đặc biệt trong nhóm nguy cơ cao. Trong bối cảnh đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV - hay còn gọi là PrEP - nổi lên như một giải pháp hiệu quả, chủ động, giúp cá nhân tự bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Bảo đảm tính bền vững của chương trình PrEP là yêu cầu cấp thiết

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á triển khai PrEP. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt dịch HIV vào năm 2030, việc mở rộng độ bao phủ, cải thiện khả năng tiếp cận và bảo đảm tính bền vững của chương trình PrEP là yêu cầu cấp thiết.

PrEP: Giải pháp phòng HIV chủ động ngăn chặn lây nhiễm HIV- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị PrEP cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) là biện pháp phòng HIV bằng cách uống thuốc kháng virus (chứa Tenofovir và Emtricitabine) hàng ngày trước khi có nguy cơ phơi nhiễm. Nếu sử dụng đúng cách, PrEP có thể giảm tới 99% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và khoảng 74% qua tiêm chích ma túy, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Tại Việt Nam, PrEP được chính thức triển khai thí điểm từ năm 2017. Từ năm 2020 đến nay, chương trình đã được mở rộng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Quỹ Toàn cầu, USAID, PEPFAR và các tổ chức phi chính phủ như PATH, Glink, Life Centre, VNP+.

Trên cơ sở các nghiên cứu y khoa quốc tế và kết quả tại Việt Nam, PrEP được xác định là công cụ hiệu quả trong ngăn ngừa HIV trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM và người chuyển giới nữ.

Tại Hà Nội, kết quả triển khai PrEP đã cho thấy nhiều điểm sáng. Đến cuối năm 2024, hơn 6.000 người đã sử dụng PrEP. Tỉ lệ duy trì sau 3 tháng là 80%, sau 6 tháng là 70%. Đáng chú ý, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai mô hình TelePrEP – cung cấp tư vấn và phát thuốc trực tuyến. Việc này giúp mở rộng tiếp cận đến người dùng ở xa trung tâm và e ngại kỳ thị khi đến cơ sở y tế công lập.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong điều trị PrEP đã giúp thu hút được các nhóm nguy cơ mới, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi có trình độ công nghệ tốt. Đây là hướng đi cần được nhân rộng.

Không nằm ngoài xu thế đó, TPHCM đã khẳng định vai trò đầu tàu khi đạt hơn 14.000 người sử dụng PrEP tính đến tháng 9/2024, chiếm khoảng 40% cả nước. Tỉ lệ duy trì sau 3 tháng đạt 85%, sau 6 tháng 75%. Mô hình "one-stop-shop" tích hợp tư vấn, xét nghiệm và cấp phát thuốc tại cùng một điểm mang lại hiệu quả cao. Các chiến dịch truyền thông tương tác, tọa đàm trực tuyến, chương trình PrEP học đường cũng được tổ chức thường xuyên.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá cao những kết quả mà TPHCM đã đạt được trong việc triển khai các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là hoạt động điều trị PrEP. Bà Hương nhấn mạnh: "TPHCM đã có những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động triển khai các mô hình về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nói chung và hoạt động điều trị PrEP nói riêng".

Bà cũng đề xuất TPHCM cần tiếp tục huy động sự tham gia của các sở, ban ngành và địa phương trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tăng cường độ bao phủ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP.

ThS.BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới liên kết các phòng khám cung cấp dịch vụ PrEP để tăng độ bao phủ và duy trì tính bền vững của chương trình.

Bà cho biết việc thiết lập mạng lưới liên kết các phòng khám cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV là sự cần thiết để giúp kết nối thông tin một cách nhanh chóng. Ngoài ra, TPHCM cũng định hướng mở rộng hoạt động điều trị PrEP ở cả hệ thống công lập và tư nhân, tăng cường truyền thông và mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế.

Xu hướng thúc đẩy hiệu quả và tiếp cận bình đẳng với PrEP

Khác với các đô thị lớn, Đồng Nai tập trung triển khai PrEP trong nhóm công nhân khu công nghiệp. Tính đến cuối năm 2024, tỉnh có 7.679 người sử dụng PrEP, trong đó riêng quý IV/2024 có 2.248 người mới. Tỉnh phát huy hiệu quả mô hình SAFE-ZONE tại các khu công nghiệp, kết hợp với Mobile PrEP và truyền thông lưu động.

BS.CKII Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nhấn mạnh hiệu quả của các mô hình can thiệp như xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm HIV thông qua hoạt động cung cấp thuốc PrEP.

Ông Bình cho biết, việc dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM, đã triển khai nhiều mô hình can thiệp hiệu quả như: xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm HIV thông qua hoạt động cung cấp thuốc PrEP đã nhân rộng từ Trung tâm y tế đến các Trạm Y tế xã phường, từ dịch vụ cố định đến dịch vụ lưu động và khám bệnh từ xa (TelePrEP)."

Tuy không phải là tỉnh lớn, Bắc Giang đã cho thấy quyết tâm cao trong phòng, chống HIV. Quý I/2025, tỉnh ghi nhận 238 người sử dụng PrEP. Duy trì sau 3 tháng là 80%, sau 6 tháng 70%. Mô hình TelePrEP kết hợp tư vấn tại chỗ cho công nhân trong khu công nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Giang, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm HIV nào trong nhóm đang sử dụng PrEP. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng khi sử dụng PrEP là xét nghiệm HIV định kỳ 3 tháng/lần, giúp đảm bảo hiệu quả phòng ngừa và tránh việc sử dụng PrEP ở người đã nhiễm HIV – điều có thể dẫn đến kháng thuốc.

Một tồn tại khác được chỉ ra là mô hình triển khai PrEP hiện nay còn tập trung chủ yếu vào nhóm MSM, trong khi các nhóm nguy cơ khác tiếp cận rất ít. Ví dụ, nhóm người chuyển giới nữ không có khách hàng nào, phụ nữ bán dâm mỗi nhóm chỉ có 04 khách hàng.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa mô hình cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế với nhu cầu thực tế tại cộng đồng. Trong bối cảnh xã hội hoá y tế ngày càng mạnh mẽ, việc mở rộng PrEP thông qua hệ thống y tế tư nhân, các tổ chức cộng đồng, nhóm tự lực, sẽ là xu hướng cần được quan tâm để thúc đẩy hiệu quả và tiếp cận bình đẳng.

Để nâng cao hiệu quả triển khai PrEP tại Bắc Giang, cần ưu tiên: Tăng cường tư vấn cá nhân hoá cho người sử dụng PrEP; Phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở điều trị HIV, phòng khám và cộng đồng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi lịch uống thuốc, nhắc lịch xét nghiệm; Mở rộng phạm vi tiếp cận đến các nhóm nguy cơ còn bỏ sót; Đồng thời, tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ y tế và cộng tác viên.

Từ thực tiễn triển khai tại các địa phương, có thể thấy PrEP đã dần trở thành công cụ hiệu quả và bền vững trong phòng ngừa HIV tại Việt Nam. Các mô hình như TelePrEP, Mobile PrEP, hay hợp tác với tổ chức cộng đồng đã giúp mở rộng tiếp cận và gia tăng tỉ lệ duy trì điều trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn tồn tại nhiều thách thức đáng lưu tâm, bao gồm: Việc cắt giảm tài trợ quốc tế gây thiếu hụt thuốc, nhân lực và truyền thông; Kỳ thị xã hội vẫn phổ biến, khiến nhiều người e ngại sử dụng PrEP; Tỉ lệ bỏ điều trị sau 6 tháng còn cao (30–35%); Chưa có hệ thống quản lý dữ liệu thống nhất trên toàn quốc.

Chủ động sống khỏe mạnh, an toàn, không còn lo sợ HIV

Đề xuất giải pháp đột phá để chương trình điều trị PrEP hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng, cần hỗ trợ tài chính bền vững. Để bảo đảm tính bền vững, việc đưa PrEP vào danh mục chi trả BHYT là việc làm cần thiết. Mặt khác cần huy động xã hội hóa. Khuyến khích ngân sách địa phương hỗ trợ cơ sở triển khai PrEP.

Bên cạnh đó, mở rộng mô hình thân thiện, hỗ trợ đào tạo và cấp phép cho cộng tác viên y tế, tổ chức xã hội trong việc tư vấn, cấp phát thuốc, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phát triển ứng dụng di động quản lý PrEP, giúp đặt lịch, tư vấn, nhắc uống thuốc, đánh giá tuân thủ.

Song song với các giải pháp chuyên môn, cần triển khai chiến dịch truyền thông toàn quốc về quyền được phòng ngừa HIV của mọi người. Cụ thể hơn, cần đưa chủ đề về PrEP vào chương trình giáo dục giới tính tại trường học, trung tâm dạy nghề...

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cần thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia về PrEP, tích hợp cùng hệ thống HIV/AIDS hiện tại. Tổ chức khảo sát định kỳ mức độ tiếp cận, hiệu quả lâm sàng và lý do bỏ điều trị để cải tiến chính sách.

Nhìn lại những kết quả triển khai PrEP tại bốn địa phương tiêu biểu – Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai và Bắc Giang – có thể khẳng định rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS bằng giải pháp dự phòng chủ động. Từ việc ứng dụng mô hình TelePrEP, triển khai lưu động tại khu công nghiệp đến sự tham gia mạnh mẽ của các phòng khám tư nhân và cộng đồng, PrEP đã từng bước khẳng định vai trò không thể thiếu trong chiến lược "chấm dứt dịch HIV vào năm 2030".

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá, TPHCM đi đầu trong thử nghiệm mô hình lồng ghép PrEP vào hệ thống y tế công - tư. Đồng Nai nổi lên như một điển hình trong hợp tác công – tư và phát triển các mô hình dịch vụ thân thiện với người sử dụng. Hà Nội cho thấy hiệu quả tiếp cận nhóm MSM trẻ qua nền tảng công nghệ, trong khi Bắc Giang chứng minh rằng các tỉnh trung du nếu có quyết tâm và chiến lược phù hợp hoàn toàn có thể kiểm soát dịch HIV hiệu quả.

PrEP là công cụ mang tính cách mạng, nhưng thành công không đến từ thuốc – mà đến từ cách chúng ta tổ chức hệ thống chăm sóc, cách chúng ta lắng nghe người sử dụng và cách chúng ta tạo ra một môi trường không kỳ thị, không rào cản. Chỉ khi đó, PrEP mới thật sự phát huy hết tiềm năng của nó: giúp mọi người – không phân biệt hoàn cảnh, giới tính hay xu hướng tính dục – có thể chủ động sống khỏe mạnh, an toàn, và không còn lo sợ HIV.

Chỉ khi PrEP trở thành một phần trong quyền được chăm sóc sức khỏe, mọi người mới có thể chủ động phòng ngừa, bảo vệ bản thân, và cùng nhau tiến đến mục tiêu Việt Nam không còn dịch HIV vào năm 2030.

Thùy Chi

}
Top