PrEP mới giúp 'bẻ cong' biểu đồ xu hướng dịch HIV xuống mức thấp nhất
(Chinhphu.vn) - Liệu pháp dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp "bẻ cong" biểu đồ xu hướng dịch HIV xuống mức thấp nhất, đồng thời là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030.
PrEP dạng tiêm sẽ sớm được triển khai thí điểm tại Việt Nam
ThS.BS. Hoàng Nam Thái, Phó trưởng Ban Dự phòng và Điều trị HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, thuốc PrEP thực sự sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chiến chống lại HIV, giúp "bẻ cong" biểu đồ xu hướng dịch HIV xuống mức thấp nhất.
PrEP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh, Pre-exposure Prophylaxis, nghĩa là liệu pháp dự phòng trước phơi nhiễm. Đó là phương pháp dùng thuốc kháng retrovirus để ngăn chặn mắc HIV. PrEP có thể phù hợp với bất kỳ người nào có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV và tin rằng họ sẽ có thể có phơi nhiễm với HIV. Đây là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
PrEP là cách dự phòng HIV hiệu quả nhất hiện nay. Trên thế giới, hiện có khá nhiều loại thuốc PrEP, bao gồm PrEP dạng uống, PrEP vòng âm đạo và PrEP dạng tiêm có tác dụng kéo dài.
Có một số lựa chọn khác nhau bao gồm thuốc PrEP chỉ để dự phòng HIV hoặc viên kết hợp PrEP với thuốc tránh thai đường uống. Viên kết hợp còn được gọi là viên thuốc 2 trong 1 giúp phụ nữ vừa dự phòng HIV và vừa tránh thai nếu họ uống thuốc hằng ngày.
PrEP dạng uống là viên thuốc có chứa thuốc kháng virus, đã có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm qua, có hiệu quả dự phòng cao và an toàn. PrEP dạng uống có hiệu quả đến 99% khi thuốc có trong cơ thể tại thời điểm tiếp xúc với HIV. Ngoài PrEP dạng uống, trên thế giới còn có PrEP dạng tiêm và PrEP vòng âm đạo có tác dụng kéo dài hơn.
PrEP vòng âm đạo là loại thuốc tác dụng kéo dài dành cho phụ nữ, bao gồm phụ nữ mại dâm và bạn tình nữ của người có HIV, và những phụ nữ có nguy cơ cao khác. Vòng này được đặt vào âm đạo mỗi tháng một lần. Phụ nữ có thể tự đưa nó vào âm đạo mà không cần sự trợ giúp của nhân viên y tế. Họ cũng không cần phải đến gặp bác sĩ mỗi tháng để thay vòng mới.
Chuyên gia Hoàng Nam Thái cho biết, ngoài những loại trên, PrEP dạng tiêm là một lựa chọn đối với những người sử dụng PrEP. Tuy nhiên, hiện thuốc PrEP tiêm tác dụng kéo dài chưa có tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống về phòng chống AIDS, được gọi là PEPFAR, sẽ hỗ trợ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thuốc CAB LA để triển khai một đề án thí điểm tại Việt Nam. Đề án này dự kiến sẽ được triển khai tại TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội và Hải Phòng.
Các thuốc PrEP tiêm có tác dụng kéo dài này đã được chứng minh là hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV so với PrEP uống trong các nghiên cứu do tỷ lệ tuân thủ cao hơn, đảm bảo rằng thuốc có trong cơ thể tại thời điểm tiếp xúc với HIV. Không giống như PrEP uống, mọi người không phải nhớ uống thuốc hàng ngày hoặc vào thời điểm quan hệ tình dục. Mức độ tác dụng phụ ở những người dùng CAB LA hoặc Lenacapavir trong các nghiên cứu rất thấp.
"Nhưng CAB LA đắt hơn PrEP uống. Vì Lenacapavir là thuốc mới nên chúng tôi không biết giá của nó sẽ là bao nhiêu nhưng chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ cao hơn thuốc PrEP đường uống. Việt Nam nằm trong danh sách hưởng quy chế giá đặc biệt nên chúng tôi lạc quan rằng Lenacapavir có thể được cung cấp với giá cả phải chăng tại Việt Nam", ThS.BS. Hoàng Nam Thái cho hay.
Bên cạnh PrEP dạng uống và dạng tiêm có tác dụng kéo dài, các lựa chọn PrEP mới dành cho phụ nữ đang được nghiên cứu được gọi là viên dự phòng kép. Đây là sự kết hợp giữa PrEP dạng uống và thuốc tránh thai dạng uống giúp ngăn ngừa cả nhiễm HIV và mang thai ngoài ý muốn.
Việt Nam có số người sử dụng PrEP cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Việt Nam có chương trình PrEP rất thành công, với số người sử dụng PrEP cao nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng PrEP thực tế còn cao hơn nhiều so với hiện tại. Đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, số người sử dụng PrEP chỉ đạt 4% so với số người cần sử dụng để có thể góp phần làm thay đổi đường cong của đại dịch và chấm dứt HIV như một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm các ca nhiễm HIV mới, ThS.BS. Hoàng Nam Thái cho rằng, cần tăng cường tiếp nhận và sử dụng PrEP trong các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam có thể tăng hiệu quả của chương trình PrEP theo nhiều cách.
Cụ thể, tiếp tục phát huy thành công của mình với thuốc PrEP đường uống bằng cách tăng tính sẵn có của dịch vụ và đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ. Đồng thời, cần huy động thêm đóng góp tài chính từ các trong nước để các dịch vụ PrEP có thể bền vững.
Một điều hết sức quan trọng nữa, cần lắng nghe cộng đồng để hiểu được sở thích của họ và cố gắng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Đồng thời, cần điều chỉnh cách cung cấp dịch vụ PrEP theo hướng mà mọi người có thể tiếp cận và sử dụng được.
"Chúng tôi khuyến khích Việt Nam bổ sung thêm các lựa chọn PrEP bằng cách đẩy nhanh việc giới thiệu và cung cấp PrEP dạng tiêm tác dụng kéo dài và dạng vòng âm đạo. Các loại thuốc mới này có hiệu quả, tiện lợi và có thể giúp phòng ngừa HIV dễ dàng hơn. Chúng ta có thể chuẩn bị bằng cách cập nhật thông tin về các loại thuốc PrEP mới đến lãnh đạo ngành y tế, cán bộ y tế và khách hàng. Và khi các loại thuốc mới này được phép sử dụng tại Việt Nam họ có thể nhanh chóng sử dụng", ThS.BS. Hoàng Nam Thái nói.
Bên cạnh đó, chủ động cập nhật các hướng dẫn quốc gia để đưa các thuốc mới vào kế hoạch quốc gia và xây dựng sẵn các quy trình kỹ thuật để hướng dẫn triển khai ngay khi có thuốc.
PrEP là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030
ThS.BS Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, chương trình PrEP được thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017 và đã trở thành chương trình quốc gia vào năm 2019. Đến nay đã có 221 cơ sở triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước. Các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP được đa dạng, gồm mô hình cố định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động tại các địa bàn, khu vực phù hợp với nhu cầu của quần thể đích. Trong giai đoạn bị tác động bởi dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến để hỗ trợ khách hàng không bị gián đoạn dịch vụ điều trị PrEP.
Với sự hỗ trợ từ Quỹ cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, vào năm 2023 Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP (PrEP uptake), đồng thời PrEP được xác định là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030.
Bài học thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt về triển khai PrEP của Việt Nam đã được báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn Quốc tế. Tính từ khi bắt đầu triển khai chương trình (năm 2017) đến hết tháng 10/2024, số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần là 123.793, trong đó nhóm MSM chiếm khoảng 80%.
ThS.BS Nguyễn Thị Mai cho biết, trong giai đoạn tới, việc triển khai thí điểm và mở rộng PrEP từ xa sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 87 Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai, để PrEP phát huy hiệu quả hơn, thời gian tới cần mở rộng và duy trì bền vững can thiệp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Cụ thể, mở rộng độ bao phủ, duy trì và đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp với mô hình dịch HIV tại các tỉnh, thành phố: mô hình y tế công, tư, mô hình PrEP lưu động, thí điểm mô hình PrEP từ xa theo quy định tại Điều 87 Nghị định 96/2023/NĐ-CP.
Tiếp tục đa dạng các hoạt động truyền thông tạo cầu phù hợp với quần thể đích. Phối hợp cung cấp dịch vụ PrEP với truyền thông tạo cầu.
Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của cộng đồng và y tế tư nhân trong cung cấp PrEP; PrEP xã hội hóa: Huy động khả năng tự chi trả của khách hàng cho các dịch vụ sẵn có (thuốc, xét nghiệm, điều trị STIs…); Thiết lập chuỗi cung ứng thuốc và sinh phẩm ổn định, dễ tiếp cận và được khách hàng chấp nhận. Đặc biệt, Việt Nam nên triển khai các thuốc PrEP dạng tiêm và cần thiết lập hệ thống giám sát bảo đảm chất lượng bền vững.
Thùy Chi