Quản lý chặt chẽ tiền chất để phòng tránh tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy

07/07/2023 10:04

(Chinhphu.vn) - Thực tế cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đầy đủ về các quy định về an toàn hóa chất, về công tác kiểm soát của các đơn vị chức năng cũng như quy định của Chính phủ về công tác này.

Quản lý chặt chẽ tiền chất để phòng tránh tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy - Ảnh 1.

Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp quản lý chặt tiền chất, đấu tranh với tội phạm ma túy

Công tác kiểm soát tiền chất công nghiệp còn hạn chế

Trên thực tế, những năm gần đây, nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế gia tăng. Lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý và kiểm soát của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, không ít đối tượng phạm tội đã tổ chức thu gom tiền chất nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát tiền chất công nghiệp còn một số hạn chế, việc kiểm soát các hoạt động mua bán tiền chất công nghiệp trong nội địa đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng mới chỉ kiểm soát ở khâu xuất, nhập khẩu, chưa chú ý kiểm soát hoạt động sản xuất, bảo quản, tồn trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng.

Còn tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu xin cấp phép nhiều nhưng số lượng thực nhập lại ít, gây ra số liệu ảo và khó khăn cho đơn vị quản lý. Nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin về tiền chất khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa có báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ... gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý.

Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng, mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn. Nhận thức của các doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chưa đầy đủ về các quy định về an toàn hóa chất, về công tác kiểm soát của các đơn vị chức năng cũng như quy định của Chính phủ về công tác này.

Cùng với việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu ma túy, ngành Hải quan phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các loại tiền chất. Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu, hoạt động xuất nhập khẩu các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình 10%/năm.

Đơn cử, năm 2020, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc - Đội 5 (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã phát hiện 2 vụ buôn lậu tiền chất. Trước đó, năm 2019, lực lượng chức năng đã triệt phá một điểm sản xuất tiền chất ma túy lớn tại Kon Tum của một số đối tượng người Trung Quốc, thu giữ khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.

Được biết, hiện các DN hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng, qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Epherine...

Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, Acetone, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ...

Để phù hợp với Luật Phòng chống ma túy năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Trong đó, đã bổ sung quy định quản lý, kiểm soát sử dụng tiền chất công nghiệp.

Theo Bộ Công an, tại phiên họp thường niên lần thứ 62 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND), các nước đã thống nhất đưa 3 tiền chất vào Bảng I của Công ước năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần gồm: 3,4-MDP-2P-methylglycidate  (PMK glycidate) và các đồng phân lập thể; 3,4-MDP-2P-methylglycidic acid (PMK glycidic acid) và các đồng phân lập thể; Alpha-phenylacetoacetamide (APAA) và các đồng phân quang học. Việt Nam với vai trò là thành viên tham gia các công ước quốc tế về kiểm soát ma túy có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát 3 chất này.

PMK glycidate và PMK glycidic acid là tiền chất trung gian của Piperonyl methyl ketone (PMK) - tiền chất này nằm trong danh mục kiểm soát của  Nghị định số 73/2018/NĐ-CP.  Hai chất này có thể được sử dụng để sản xuất trái phép các chất ma túy MDMA.

Cụ thể, APAA là hóa chất trung gian có thể dễ dàng chuyển thành 1 - phenyl - 2 - propanone (P2P) - tiền chất này nằm trong danh mục kiểm soát của Nghị định số 73/2018/NĐ-CP. APAA thay thế cho APAAN (đã bị kiểm soát quốc tế) để sản xuất trái phép ma túy tổng hợp Methamphetamine.

Trong năm 2019, Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) đã lấy ý kiến của các quốc gia thành viên về việc bổ sung tiền chất Alpha-phenylacetoacetate (MAPA) vào danh mục kiểm soát theo Công ước năm 1988 kèm theo bản đánh giá chi tiết toàn diện của WHO về chất này. Qua các báo cáo thường niên về ma túy của Liên Hợp Quốc cũng như  theo dõi qua hệ thống trao đổi thông tin về tiền chất trực tuyến (PICS online) trong những năm gần đây, số vụ bắt giữ MAPA trên thế giới đang tăng nhanh. Từ năm 2017 đến 4/2019 các nước đã bắt giữ 29 vụ buôn bán và sản xuất ma túy trái phép từ MAPA với tổng số lượng lên tới 10.5 tấn. MAPA tương tự như APAAN, APAA, là một tiền chất của P-2-P (tiền chất thuộc danh mục kiểm soát quốc tế), được dùng để sản xuất trái phép ma túy Amphetamine và Methamphetamine. Từ MAPA chỉ qua 1 bước thủy phân đơn giản là đã chuyển thành tiền chất P-2-P với hiệu suất 70% mà không đòi hỏi thiết bị phản ứng phức tạp.

Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu các cơ sở kinh doanh, tổ chức, cá nhân mua, bán tiền chất

Chiều 6/7, Tổ công tác liên ngành UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị "Triển khai chương trình công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng 2023". Tại đây, các đại biểu đề nghị các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ tiền chất để phòng tránh tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất hiện ngày càng gia tăng, đa dạng, phong phú (vừa sản xuất trong nước, vừa nhập khẩu từ nước ngoài). Điều này tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, Tổ công tác liên ngành thành phố đã chủ động tham mưu, đề xuất với Thành ủy, UBND TP xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, Tổ công tác đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều nội dung, chương trình, kế hoạch quản lý, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đồng thời nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán phân phối, sản xuất, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy…

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát các hoạt động hợp quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành đề nghị các cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành thực hiện khẩn trương phối hợp xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu các cơ sở kinh doanh, tổ chức, cá nhân được cấp phép tham gia các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố.

Trong đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CATP làm chủ trì, phối hợp các cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành. Các cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách, quản lý Nhà nước, tổ chức rà soát, lên danh sách, thống kê các tổ chức, cá nhân được cấp phép tham gia các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí để phục vụ công tác xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu các tổ chức, cá nhân được cấp phép tham gia các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố của Tổ công tác liên ngành.

Đối với các cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành cần thường xuyên trao đổi thông tin tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân nghi vấn hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật; tăng cường gắn kết mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong Tổ liên ngành trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; đảm bảo tạo ra cơ chế phối hợp thống nhất, nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan thành viên Tổ công tác liên ngành.

"Từng thành viên Tổ công tác liên ngành, xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố năm 2023 của Tổ công tác liên ngành, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh doanh, sản xuất tiền chất và các hoạt động hợp pháp khác liên quan đến ma túy; chủ động tố giác, cung cấp thông tin liên quan đến các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lợi dụng hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để hoạt động sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy" - Đại tá Nguyễn Văn Tăng nhấn mạnh.

Vĩnh Hoàng (t/h)

Top