Sẽ đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm

13/02/2023 14:18

(Chinhphu.vn) - Bộ LĐTB&XH cho biết, năm 2023 sẽ tổng kết, đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, đồng thời tiếp tục chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Sẽ đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm - Ảnh 1.

Tuyên truyền phòng, chống mại dâm đến tận cơ sở. Ảnh: VGP/Vĩnh Hoàng

 Nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống mại dâm

Cụ thể, trong nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, Bộ sẽ tập trung vấn đề hỗ trợ hoà nhập cộng đồng theo hướng cung cấp các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi để họ chủ động tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định cuộc sống. Mặt khác, xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói", bao gồm các dịch vụ như hỗ trợ y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn mại dâm gây bức xúc xã hội; duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội; hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn, phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng.

Đối với các hoạt động can thiệp giảm hại cho những người đã từng bán dâm, Bộ sẽ đánh giá, tài liệu hóa các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ can thiệp giảm hại, hỗ trợ xã hội; có các nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách thực hiện các can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; đồng thời hỗ trợ một số địa phương trong thực hiện các mô hình thí điểm về hình thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp liên hành, thực hiện lồng ghép các hoạt động phòng, chống mại dâm trong các hoạt động truyền thông, tuyên truyền…

Để phòng ngừa các hoạt động mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm, Bộ chỉ đạo các địa phương và các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, phòng tránh việc bị tái mua bán. Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột lao động...

Hỗ trợ "trọn gói" cho người bán dâm

Theo số liệu thống kê của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước hiện có 9.866 người bán dâm có nhu cầu được hỗ trợ. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do hoạt động mại dâm diễn ra tinh vi, trá hình, kín đáo và chủ yếu sử dụng điện thoại di động, các trang mạng xã hội như zalo, faceboook, viber... để trao đổi, liên lạc.

Tệ nạn mại dâm có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự xã hội, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm khác như mua bán người vì mục đích mại dâm, sử dụng trái phép chất ma tuý, xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm... Mặt khác, người bán dâm cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi mua bán dâm đến sức khỏe sinh sản, tình dục của họ và nguy cơ bị bạo lực, bị chiếm đoạt tài sản, tiền bạc hoặc "gán nợ", bị ép buộc kéo dài thời gian phục vụ nhưng không được trả tiền.

Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã xây dựng và tổ chức triển khai được 113 điểm mô hình tại 21 tỉnh thành phố trên toàn quốc với 4.463 người bán dâm được hỗ trợ. Trong đó có 556 lượt người được vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 457 triệu đồng; 779 lượt người được học nghề, tạo việc làm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.

Tính đến nay, có 15 địa phương tiếp tục duy trì theo 3 khung mô hình thí điểm của Chương trình phòng, chống mại dâm, trong đó có 7 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 15 địa bàn thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 9 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố duy trì triển khai một số mô hình từ giai đoạn trước như tỉnh Quảng Ninh có 8 địa bàn triển khai duy trì mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; tỉnh Hải Dương có 8 địa bàn; tỉnh Kiên Giang có 3 địa bàn; tỉnh Bình Thuận có 1 địa bàn duy trì triển khai mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm tại các xã phường thị trấn được thành lập từ giai đoạn 2011 - 2015.

Kết quả đạt được: 8.522 người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Trong đó, số được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 734 người; số được học nghề, tạo việc làm là 55 người; số được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe là 8.625 người; số được cung cấp dịch vụ phòng, chống lây nhiễm HIV là 6.378 người.

Giang Oanh

Top