Tăng cường sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn

18/07/2022 14:31

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Y tế, để chấm dứt bệnh lao, vấn đề quan trọng và cốt lõi hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh. Chính vì vậy, các địa phương đang tăng cường sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn.

Tăng cường sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn - Ảnh 1.

Chăm sóc cho bệnh nhân điều trị lao. Ảnh minh họa

Nếu được phát hiện sớm bệnh, được điều trị kịp thời thì sẽ có trên 90% người mắc bệnh lao thường sẽ khỏi bệnh, trên 75% người mắc lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh. Việc phòng chống bệnh lao cần phải được phát hiện sớm, điều trị sớm, thậm chí cách ly tương tự như COVID-19, để chấm dứt hoàn toàn bệnh lao ở nước ta.

Các địa phương tăng cường sàng lọc lao chủ động

Thực hiện kế hoạch của Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình phòng chống lao Quốc gia về việc sàng lọc lao tiềm ẩn (LTA) trong nhóm người già, bệnh nhân đái tháo đường, người nghèo, hút thuốc lá, người sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Methadone.

Trong tháng 7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn.

Tại Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xã Võ Ninh huyện Quảng Ninh, trong 2 ngày có hơn 450 người dân được khám sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn, trong đó phát hiện 06 trường hợp mắc lao trong cộng đồng.

Trong quá trình sàng lọc người dân được khám,  chụp X-Quang phổi phát hiện lao, bệnh phổi và các biến chứng hậu COVID-19; Lấy mẫu xét nghiệm Xpert; Thử phản ứng Mantoux (là test da dùng để phát hiện một người đã từng bị nhiễm trực khuẩn lao); Thu thập và phân tích số liệu và hội chẩn để đưa ra kết luận có phương án điều trị phù hợp cho người dân…Sau khi có kết quả, nếu phát hiện lao sẽ thông báo cho Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế tổ chức thu dung, quản lý và điều trị bệnh nhân, nếu có tổn thương phổi sẽ hướng dẫn bệnh nhân lên các cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị. Bên cạnh việc khám sàng lọc các y, bác sĩ tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng.

Theo kế hoạch, từ 18/7 đến 4/8 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn tổ khám sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người dân trên địa bàn.

Tại Hậu Giang, Bệnh viện Phổi tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy triển khai khám, phát hiện lao chủ động cho trên 100 người thuộc đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh lao, gồm: Người sống chung nhà với bệnh nhân lao đang điều trị, người ở cạnh nhà người bệnh lao, người đã từng mắc lao, người ở khu vực có người mắc lao sinh sống,… tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Người dân được khám tầm soát bệnh, tư vấn về bệnh lao. Kết quả khám tầm soát ghi nhận 15 trường hợp có tổn thương phổi qua chụp X-quang, những trường hợp này sẽ tiếp tục được làm xét nghiệm Xpret để tầm soát phát hiện sớm bệnh lao. Nếu có mắc bệnh lao sẽ được điều trị sớm nhất. Đây là xã đầu tiên được triển khai khám, phát hiện bệnh lao chủ động theo kế hoạch của Bệnh viện Phổi tỉnh.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Phổi tỉnh phối hợp khám phát hiện bệnh lao tại 9 xã, thị trấn còn lại của huyện Vị Thủy từ ngày 13 đến 22/7 với tổng số người cần khám phát hiện bệnh lao cả huyện đợt này là 1.000 người, trong đó, sẽ chụp X-quang cho 100% các trường hợp khám và làm xét nghiệm Xpret cho 10% các trường hợp được chụp X-quang. Sau đó, từ ngày 23 đến 31/7 phối hợp khám, phát hiện bệnh lao cho người dân ở 9 xã, phường của thị xã Long Mỹ, với chỉ tiêu khám 1.000 người. Theo mục tiêu đề ra kế hoạch khám, phát hiện chủ động bệnh lao tại huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ sẽ khám cho tổng số 2.000 người.

Việc phát hiện bệnh chủ động nhằm tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao, phát hiện sớm và đưa vào điều trị để khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng. Qua đó, đồng thời tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao cho người dân.

Năm 2022 là năm thứ 2 Đắk Nông triển khai sàng lọc chủ động lao tại cộng đồng. Trong năm 2021, trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kịp thời triển khai 01 đợt sàng lọc chủ động tại 13 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Gia Nghĩa và huyện Đăk Mil. Tổng số lượt người được sàng lọc là 1.871 lượt. Trong đó, 1.726 người được chụp X-quang, số film có tổn thương là 100 (39 tổn thương nghi lao, 33 tổn thương cũ và 28 tổn thương khác). Xét nghiệm Gene Xpert (bằng kỹ thuật sinh học phân tử) phát hiện 09 trường hợp dương tính với lao. Kết quả thử phản ứng mantoux đối với các trường hợp có nguy cơ lao tiềm ẩn phát hiện 16 trường hợp dương tính.

Năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch và triển khai khám sàng lọc tại cộng đồng. Đầu tháng 5, Trung tâm đã tổ chức sàng lọc đợt 1 tại 20 xã thuộc 2 huyện Đăk Song và Đăk R'Lấp. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, tại mỗi điểm khám đều nhận được sự quan tâm, đồng thuận của đông đảo người dân. Những người ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người bệnh lao cũ (bệnh nhân mắc lao trong năm 2020 - 2021) và những người có triệu chứng nghi lao, người có nguy cơ mắc lao cao (người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân tiểu đường, người có dấu hiệu ho khạc đàm kéo dài,..) đều được ưu tiên khám sàng lọc.

Sàng lọc lao: Chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 - 2035 giảm được 17% số bệnh nhân lao mỗi năm, Việt Nam cần phải có công cụ mới, có vaccine, có cách tiếp cận lao tiềm ẩn. "Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ để biết nhà nào đã được tầm soát lao. Đây sẽ là chiến dịch tầm soát như phòng, chống Covid-19", PGS, TS Nguyễn Viết Nhung -  Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia chia sẻ về mục tiêu của Chương trình chống lao trong giai đoạn mới.

Chiến lược 2X là chiến lược mới nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao. Quy trình triển khai 2X quốc gia được xây dựng dựa trên quy trình, kinh nghiệm triển khai và hỗ trợ kỹ thuật của dự án USAID SHIFT.

Để tối ưu hóa nguồn lực, chương trình đã triển khai xét nghiệm cho nhóm đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở. Tại cơ sở y tế, chương trình đã tập trung vào nhóm đối tượng là bệnh nhân tiểu đường, hô hấp, viêm phổi.

Chiến lược 2X đã phát huy được tính chủ động trong công tác phát hiện bệnh lao sớm, tiến tới điều trị sớm, hiệu quả, giảm thời gian lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nhanh số người mắc lao.

Hiện nay, Chiến lược 2X đang triển khai tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Đối với các tỉnh đã có Bệnh viện Phổi thì sẽ được cấp xe X-quang lưu động. Đối với 15 tỉnh còn lại thì Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe (CEHS) sẽ hỗ trợ trang thiết bị trong quá trình thực hiện.

Thùy Chi

Top