Sự khác biệt trong xét nghiệm PCR HIV định tính và đo tải lượng

08/09/2022 12:24

(Chinhphu.vn) - Xin cho hỏi tôi nên đi xét nghiệm PCR đo tải lượng HIV hay PCR HIV định tính?

Sự khác biệt trong xét nghiệm PCR HIV định tính và đo tải lượng - Ảnh 1.

Xét nghiệm máu chuẩn đoán nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Trả lời:

HIV là căn bệnh thế kỷ và gia tăng ngày càng chóng mặt ở các nước đang phát triển. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì tốc độ lây lan trong cộng đồng càng khó kiểm soát. HIV PCR là xét nghiệm sinh học phân tử có thể chuẩn đoán sớm nhất virus HIV bằng phương pháp Realtime PCR. Đây được coi là xét nghiệm có giá trị nhất trong chẩn đoán nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.

- Đo tải lượng HIV cũng là xét nghiệm PCR RNA nhưng sẽ đếm số lượng bản sao của virus trong huyết thanh (huyết thanh là phần trong trong được trích ra từ máu toàn phần). Đây là xét nghiệm định lượng.

- Xét nghiệm PCR HIV DNA. Xét nghiệm này tìm vật liệu di truyền của HIV trong tế bào và sử dụng mẫu máu toàn phần (không trích huyết thanh như trong xét nghiệm PCR RNA đo tải lượng virus. Đây là xét nghiệm định tính.

Như vậy, đo tải lượng PCR HIV RNA và xét nghiệm PCR HIV DNA có những điểm giống nhau và khác nhau như sau:

- Giống nhau: cùng là phương pháp sinh học phân tử.

- Khác nhau:

+ Đo tải lượng HIV: PCR HIV RNA - sử dụng huyết thanh để đếm số lượng bản sao của HIV. Có giá trị trong theo dõi đáp ứng điều trị ARV và có ý nghĩa trong chẩn đoán thất bại điều trị, kháng thuốc ARV. Không áp dụng trong chẩn đoán có nhiễm HIV hay không nhiễm HIV.

+ Xét nghiệm PCR HIV DNA: sử dụng máu toàn phần (không trích huyết thanh như đo tải lượng HIV) tìm vật liệu di truyền của HIV trong tế bào. Nếu tìm thấy vật liệu di truyền của HIV trong tế bào (DƯƠNG TÍNH) cũng có nghĩa là người đó nhiễm HIV. Phương pháp này được áp dụng để chẩn đoán nhiễm HIV trong trường hợp xét nghiệm 3 phương pháp có kết quả KHÔNG XÁC ĐỊNH.

Do vậy, việc xét nghiệm phương pháp nào cần có bác sĩ chuyên khoa chỉ định là để làm đúng, có ý nghĩa, tránh tốn kém chi phí không cần thiết. Nếu người bệnh còn lăn tăn với những phương pháp khác kết quả xét nghiệm không biết có chính xác chưa muốn xét nghiệm PCR thì làm xét nghiệm PCR HIV DNA máu toàn phần, chứ không phải xét nghiệm đo tải lượng HIV (PCR HIV RNA). Xét nghiệm tải lượng HIV (PCR HIV RNA) dành cho bệnh nhân đang điều trị ARV theo dõi có đáp ứng điều trị hay thất bại điều trị ARV.

Thời điểm nào cần xét nghiệm HIV PCR?

HIV PCR là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán nhưng chi phí cao nên được khuyến cáo sử dụng chủ yếu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giúp cho trẻ sớm tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị kịp thời.

- Trẻ có mẹ nhiễm HIV:

+ Trẻ sau sinh từ 0 - 2 ngày tuổi nếu có điều kiện hoặc khi được điều trị dự phòng bằng phác đồ 3 thuốc AZT/ 3TC/ NVP. Mẫu máu xét nghiệm được lấy trước khi cho trẻ uống thuốc.

+ Trẻ từ 4 - 6 tuần tuổi hoặc ngay sau đó càng sớm càng tốt bao gồm nhóm trẻ xét nghiệm HIV PCR âm tính lúc sinh.

+ Trẻ đang bú mẹ khi đủ 9 tháng tuổi hoặc nghi nhiễm HIV.

+ Trẻ không bú mẹ trên 9 tháng tuổi có xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính.

- Trẻ có mẹ không rõ tình trạng nhiễm HIV nhưng có triệu chứng nghi ngờ bệnh HIV/ AIDS và/ hoặc có kháng thể HIV dương tính.

- Trường hợp xét nghiệm huyết thanh học nhiều lần không thể khẳng định nhiễm HIV hay không.

Giá trị của xét nghiệm HIV PCR

- Chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi.

+ Sớm khẳng định hoặc loại trừ nhiễm HIV cho trẻ, đảm bảo trẻ được phát hiện nhiễm HIV để được chăm sóc và điều trị ARV.

+ Định hướng các quyết định liên quan đến tiêm chủng vắc xin, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

+ Định hướng tư vấn các vấn đề nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt cho con bú sữa mẹ hoặc sữa thay thế và tiếp tục dự phòng lây nhiễm HIV cho con trong thời kỳ bú mẹ.

+ Giảm căng thẳng cho gia đình và người chăm sóc trẻ.

+ Theo dõi hiệu quả của các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Khẳng định được nhiễm HIV hay không ở những trường hợp khó xác định bằng phương pháp huyết thanh học.

Làm gì khi xét nghiệm HIV PCR âm tính và dương tính?

Đối với trẻ xét nghiệm sau sinh từ 0-2 ngày tuổi

HIV PCR dương tính:

Trẻ nhiễm HIV được điều trị ARV đồng thời lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Điều trị ngay bằng ARV không đợi kết quả xét nghiệm lần 2.

HIV PCR âm tính:

Trẻ tiếp tục điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV. Xét nghiệm lại lúc 4 - 6 tuần tuổi hoặc ngay sau đó càng sớm càng tốt.

Đối với trẻ được xét nghiệm từ 4-6 tuần tuổi

HIV PCR dương tính:

Trẻ nhiễm HIV được điều trị ARV đồng thời lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Điều trị bằng ARV không đợi kết quả HIV PCR lần 2.

HIV PCR âm tính:

Trẻ chưa bao giờ bú mẹ hoặc đã ngừng bú mẹ từ 3 tháng trở lên:

Trẻ có thể không nhiễm HIV nhưng cần thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.

Nếu xét nghiệm kháng thể kháng HIV âm tính: trẻ không nhiễm HIV.

Nếu xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính: Làm xét nghiệm PCR.

Trường hợp trẻ có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HIV thì xét nghiệm lại PCR.

Trẻ đang bú mẹ hoặc ngừng bú mẹ dưới 3 tháng.

Xét nghiệm HIV PCR khi trẻ đủ 9 tháng tuổi hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm HIV.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, tư vấn và điều trị ARV ngay cho trẻ.

Nếu kết quả HIV PCR âm tính : tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ và làm lại xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ được 18 tháng tuổi để xác định tình trạng nhiễm HIV cho trẻ.

Theo dõi dấu hiệu nghi nhiễm HIV ở trẻ định kỳ 1 - 3 tháng/ lần.

Kết quả xét nghiệm HIV PCR lần 2

Xét nghiệm 2 lần dương tính: Trẻ đã nhiễm HIV. Tư vấn cho người chăm sóc trẻ (người nhà) về tầm quan trọng của việc điều trị bằng ARV và tuân thủ điều trị.

Xét nghiệm lần 1 dương tính và lần 2 âm tính: Chưa thể khẳng định được tình trạng nhiễm HIV cho trẻ. Xét nghiệm lại PCR lần 3 và giải thích cho người nhà, nếu kết quả âm tính ngừng điều trị ARV.

Hiện nay, để phát hiện người bệnh có bị nhiễm HIV hay không, một cách chính xác và duy nhất đó là tiến hành xét nghiệm HIV tại những cơ sở uy tín trong ngành y tế. Bên cạnh đó, nếu như nghi ngờ hoặc muốn bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh thì thực hiện xét nghiệm là điều nên làm. Việc điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe ổn định sẽ giúp người bệnh HIV duy trì cuộc sống sinh hoạt và làm việc. Từ đó có thể giúp trang trải những chi phí cho bản thân họ và gia đình.

Thùy Chi

}
Top