Phát huy vai trò tuyên truyền viên đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS

22/05/2023 17:29

(Chinhphu.vn) - Với vai trò hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vì cộng đồng, suốt 16 năm qua, nhóm “Vòng tay bạn bè” trên địa bàn TP. Hải Phòng đã phát huy vai trò tuyên truyền viên đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm tình trạng người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy.

Hỗ trợ người cùng cảnh vượt qua số phận

Với mục tiêu tiếp cận người nhiễm HIV, đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gái mại dâm… để tuyên truyền, vận động đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế, điều trị ARV bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, nhóm "Vòng tay bạn bè" được thành lập từ năm 2007 tại quận Hồng Bàng, ban đầu đây là ngôi nhà chung của những người muốn từ bỏ ma túy ở Hải Phòng.

Phát huy vai trò tuyên truyền viên đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Chị Cao Thị Kim Giang, Trưởng nhóm “Vòng tay bạn bè" Ảnh: Thùy Chi

Khi mới thành lập, nhóm hoạt động tự phát trong điều kiện khó khăn do phải chịu tác động lớn từ dư luận, xã hội. Thuốc chống tái nghiện, hay thuốc hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chưa được phổ biến. Những người nghiện, để cắt được cơn, chỉ có thể bằng chính ý chí, nghị lực của bản thân.

Thời gian đầu hoạt động, nhóm "Vòng tay bạn bè" đã gặp không ít khó khăn, bị nhiều người rèm pha với ánh mắt kỳ thị. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và sự quyết tâm, nhóm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chung tay, góp sức để cùng ngành y tế hướng tới các mục tiêu trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Sau 3 năm hoạt động, nhóm "Vòng tay bạn bè" đã giúp không ít người nghiệm ma túy ở Hải Phòng từ bỏ hẳn ma túy, hoặc chuyển sang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Nhận thấy việc làm hiệu quả của nhóm, năm 2010, nhóm "Vòng tay bạn bè" đã nhận được sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (SCDI), tham gia dự án can thiệp tại cộng đồng.

Chị Cao Thị  Kim Giang, Trưởng nhóm "Vòng tay bạn bè" cho biết, chị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy, hơn 20 năm qua, chị Cao Thị Kim Giang đã sống, vượt qua mặc cảm của bản thân và làm những việc có ích cho cộng đồng.

Là người nhiễm HIV, chị Giang rất hiểu những người cùng cảnh ngộ phải trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Thậm chí có những người còn không đủ dũng cảm để đối mặt với bệnh tật và có những hành động dại dột. Cũng nhờ có những người mạnh mẽ như chị Giang, nhiều người đã được hồi sinh, trở về với cuộc sống đời thường, và sau đó họ đều cảm thấy cuộc sống thật sự đáng quý.

Công việc của nhóm "Vòng tay bạn bè" là tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS, người có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gái mại dâm, gia đình có người nhiễm HIV/AIDS… để tuyên truyền, hướng dẫn phòng lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và qua đường máu, hỗ trợ cắt cơn cai nghiện tại nhóm và tại gia đình, cứu sốc ma túy và hỗ trợ tâm lý cho người nhà của những người sử dụng ma túy.

Chị Giang cho hay, hằng ngày chị và các thành viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên của nhóm phân nhau đến các nhà hàng, khách sạn, hay các tụ điểm "nhạy cảm" để tiếp cận với các chị em bán dâm. Khi tiếp cận được, chị Giang tư vấn cho họ về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thực hiện hành vi tình dục an toàn, phòng, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

Thời gian làm việc của chị Giang không theo giờ giấc, lúc buổi trưa, khi trời tối, thời gian làm việc của chị hoàn toàn phụ thuộc vào "thời gian biểu" của chị em bán dâm. Nhiều lúc chị còn tranh thủ cả lúc họ đang chờ "đi khách" để tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm bệnh và phát bao cao su miễn phí cho họ.

Thời gian đầu đi tuyên truyền, thấy chị Giang cầm bao cao su ra vào nhà hàng, khách sạn, người thân của chị còn tỏ ý nghi ngờ, tưởng chị làm việc gì phạm pháp, có một số người còn có ý né tránh. Có lần chị đến một nhà hàng, thuyết phục mãi, chủ nhà hàng mới cho vào tiếp cận. Ðang tư vấn thì công an vào kiểm tra. Thế là chị bị bắt đi luôn cùng tiếp viên nhà hàng. Công việc không phải là dễ dàng đối với chị Giang, nhưng rồi nghĩ đến việc sẽ cứu cho nhiều người tránh được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, chị lại không quản ngại khó khăn, vất vả, lăn lộn để đạt được các chỉ tiêu mà dự án phòng, chống HIV/AIDS đã đặt ra cho các nhóm hoạt động vì cộng đồng như nhóm của chị.

Bên cạnh công việc tuyên truyền cho nhóm lao động tình dục, nhóm "Vòng tay bạn bè" cũng tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV và phân phát bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, thu gom những bơm kim tiêm đã qua sử dụng và mang đến nơi tiêu hủy an toàn.

Bơm kim tiêm sạch không chỉ được phân phát cho nhóm đối tượng nghiện chích ma túy ngay tại những điểm nóng mà còn tại những điểm cố định. Tại một số điểm, các đối tượng tiêm chích ma túy còn tự giác mang những bơm kim tiêm đã qua sử dụng cho vào thùng đựng theo quy định, trước khi lấy bơm kim tiêm sạch.

Chị Giang cho hay, việc tiếp cận với những người nghiện ma túy phải thật mềm mỏng, khéo léo. Bởi hầu hết người nghiện chích ma túy khi "đói thuốc" đều bất chấp tất cả và sẵn sàng làm liều, dùng chung bơm kim tiêm nếu không có sẵn. Việc này sẽ nguy cơ cao lây nhiễm HIV cho những người này. Do đó, các thành viên của nhóm đã phải rất khéo léo để vận động những người nghiện chích ma túy không dùng chung bơm kiêm tiêm và tham gia sử dụng nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Chỉ riêng năm 2022, nhóm "Vòng tay bạn bè" đã thực hiện hàng trăm lượt tư vấn, hỗ trợ 10 người nhiễm HIV dùng thuốc ARV, thuyết phục 53 người sử dụng ma túy điều trị bằng Methadone, hỗ trợ 140 người mua bảo hiểm y tế…

Nhìn lại những chặng đường đã qua, cho đến thời điểm hiện tại, nhóm "Vòng tay bạn bè" đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều người cũng đã hiểu và chia sẻ với công việc mà nhóm đang làm vì cộng đồng. Thậm chí còn có nhiều tình nguyện viên còn tự nguyện tham gia, để giúp cho cộng đồng được nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, thay đổi hành vi để giảm bớt những hành vi nguy cơ cao và thực hiện các biện pháp an toàn nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

Được sự hỗ trợ của ngành y tế, sở ngành liên quan, sự bảo trợ của Trung tâm SCDI, từ nhóm tư vấn phòng, chống HIV/AIDS, cai nghiện mang tính tự phát, giờ nhóm "Vòng tay bạn bè" đã trở thành nhóm cai nghiện tại cộng đồng.

CBO góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, các tổ chức phòng chống HIV dựa vào cộng đồng (CBO), các đồng đẳng viên là nhóm hoạt động rất cần thiết của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Họ đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trung gian giữa người quản lý, điều hành chương trình với cộng đồng.

Những bài học đắt giá từ chính cuộc đời họ đã góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Nếu không có sự quyết tâm, lòng nhiệt tình, các đồng đẳng viên sẽ khó bám trụ lâu dài với công tác xã hội này.

Phát huy vai trò tuyên truyền viên đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 3.

Bàn truyền thông phòng, chống HIV của một tổ chức hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Hiện nay, dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), do đó ngành y tế đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm này như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP trực tiếp, PrEP lưu động, PrEP trực tiếp...), điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nhưng với nhiều lí do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện.

Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ HIV trong nhóm MSM còn hạn chế nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Chính vì vậy, sự tham gia của các tổ chức vì cộng đồng CBO là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ.

Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà, thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.

Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2022, ước tính cả nước có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS (220.580 người được biết rõ tình trạng) và 112.572 người tử vong. Số người nhiễm HIV mới trong năm 2022 theo báo cáo là 11.037 và 1.582 người tử vong. Trong tổng số mắc mới của năm 2022, chiếm nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TPHCM.

HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng: Là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV; Đẩy mạnh việc triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm có hành vi nguy cơ cao, gồm người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm, phạm nhân; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai;

Về  dự phòng lây nhiễm HIV, ngành y tế sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cả kênh truyền thông đại chúng; Hệ thống thông tin cơ sở và nhất là truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ. Tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.  Mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV.

Tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV.

Đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, kết hợp với mở rộng cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm qua kênh thương mại; Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; Thí điểm và nhân rộng mô hình cấp phát thuốc điều trị mang về nhà.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các mô hình can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp, người sử dụng ma túy dạng kích thích Amphetamine (ATS) và người sử dụng đa ma túy; Đồng thời mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân…

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng với sự đồng lòng và quyết tâm của cả cộng đồng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hiện thực mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

Top