Tăng cường phòng chống HIV cho hơn 71.000 công nhân tại các khu công nghiệp
(Chinhphu.vn) - Ngày 19/5, tại TPHCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội thảo "Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc".
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2022, ước tính cả nước có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS (220.580 người được biết rõ tình trạng) và 112.572 người tử vong. Số người nhiễm HIV mới trong năm 2022 theo báo cáo là 11.037 và 1.582 người tử vong. Trong tổng số mắc mới của năm 2022, chiếm nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TPHCM.
Từ năm 2020 trở lại đây, số người nhiễm HIV/AIDS gia tăng, trong đó nam giới chiếm 84,4%. Lât truyền HIV qua đường máu đang giảm, nhưng lây truyền qua đường tình dục tăng, đặc biệt trong nhóm quan hệ đồng giới tăng liên tục từ năm 2011 đến nay (năm 2020 chiếm 47%). Tỉ lệ quan hệ đồng giới nhiễm HIV rất cao, trung bình 13/100 người nhiễm, khu vực miền Nam cao hơn với 17/100 người nhiễm.
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảnh báo tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn, rất đáng lo ngại. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết. Đây là điều đáng tiếc, khi hiện nay có thuốc điều trị giúp người bệnh khỏe mạnh bình thường.
Bác sĩ Hải Sơn cho biết thêm, cộng đồng nhiễm HIV nhiều nhất hiện nay là người quan hệ tình dục đồng giới. Hiện nay không có con số cụ thể của quốc gia nào để ước tính được tỉ lệ người quan hệ tình dục đồng giới trong cộng đồng. Nhưng các báo cáo nghiên cứu tại nhiều quốc gia, nhiều tỉnh ở Việt Nam cho thấy khoảng 3,5% dân số thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới, lưỡng tính)".
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, cần tuyên truyền phổ biến nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS tại các khu công nghiệp, đặc biệt trong các tổ chức liên đoàn lao động.
Ông Võ Hải Sơn cảnh báo, nếu có quan niệm sai lầm, kỳ thị phân biệt đối xử với LGBT, sẽ tiếp tục đẩy tình trạng nhiễm HIV lên cao trong cộng đồng này, từ đó lây tiếp cho các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, cần đối xử công bằng, bình đẳng và đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cộng đồng này, giúp cho họ sống và cống hiến.
Tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết theo thống kê, trong số người mắc HIV/AIDS mới, có 21% là công nhân lao động. Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định 12 địa phương có nguy cơ cao, trong đó có TPHCM. Ông Vũ Mạnh Tiêm kêu gọi các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động, đặc biệt ở khu vực kinh tế trọng điểm như TPHCM.
Bà Jacquelyn Lickness, Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại TPHCM cam kết mạnh mẽ, sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc nói riêng.
CDC Hoa Kỳ đã đồng hành cùng Việt Nam trong 25 năm qua và triển khai các chương trình về Y tế như HIV/AIDS, Lao, tiêm chủng và các dịch mới nổi như đậu mùa Khỉ và COVID-19. Các chương trình này đã được triển khai và giúp cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam nói chung, cũng như là công nhân tại các khu công nghiệp. Trong năm vừa qua, CDC đã hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam hoạt động xét nghiệm, điều trị PrEP và ARV cho hàng chục nghìn người.
Đại diện dự án Tăng cường hỗ trợ kĩ thuật phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) cho biết, sau buổi thảo luận, đơn vị sẽ tiến hành hợp tác với LĐLĐ tỉnh để triển khai các hoạt động phòng chống HIV/ADIS cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Cụ thể, đơn vị sẽ tổ chức truyền thông quảng bá về phòng chống HIV/AIDS cho công nhân, cũng như đẩy mạnh hoạt động tập huấn cho lãnh đạo quản lí, cán bộ công đoàn của các doanh nghiệp... trong thời gian tới để góp phần bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động trên địa bàn.
Trước đó, ngày 18/5, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức diễn đàn tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc tại Bà Rịa -Vũng Tàu.
Bà Cao Thị Thanh Dung, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, với hơn 71.000 công nhân lao động, đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho công nhân lao động nắm bắt về công tác phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, giám sát chặt việc khám sức khỏe định kì cho người lao động theo qui định để sớm phát hiện các bất thường về sức khỏe.
Trong thời gian tới, Công đoàn các Khu công nghiệp cũng mong muốn có nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, chương trình nâng cao kiến thức về HIV/AIDS cho người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp; hoặc đa dạng hơn về sản phẩm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đến công nhân, người lao động.
Thùy Chi