Thái Bình Dương đang trở thành nơi trung chuyển ma túy phức tạp

16/10/2024 11:18

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo mới của Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành một trung tâm trung chuyển, là điểm hoạt động và điểm đến của các tổ chức tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Thái Bình Dương đang trở thành nơi trung chuyển ma túy phức tạp- Ảnh 1.

Methamphetamine bị Lực lượng Cảnh sát Fiji thu giữ mới đấy. Ảnh: UNODC

Với tiêu đề Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Thái Bình Dương: Mở rộng, Thách thức và Tác động, báo cáo đã phân tích chi tiết về bối cảnh tội phạm có tổ chức đang phát triển nhanh chóng và các động lực liên quan. Báo cáo nêu bật cách các nhóm tội phạm nước ngoài đang tận dụng sự cô lập về mặt địa lý của khu vực, xâm nhập vào các doanh nghiệp hợp pháp và sử dụng các công nghệ mới để thúc đẩy các hoạt động bất hợp pháp của họ trong khi trốn tránh thực thi pháp luật.

"Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã trở thành mối đe dọa an ninh đáng kể ở Thái Bình Dương, gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho khu vực và người dân nơi đây", ông Baron Waqa, Tổng thư ký Ban thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIFS) cho biết,.

Ông Waqa nói thêm: "PIFS hoan nghênh báo cáo quan trọng này vì nó làm sáng tỏ bản chất của những thách thức mà chúng ta phải đối mặt và giúp định hình phản ứng chung của khu vực".

Theo báo cáo, các quốc đảo Thái Bình Dương như Fiji và Tonga nằm dọc theo các tuyến đường biển phần lớn không được tuần tra, dẫn đến tình trạng vận chuyển các loại chất cấm như cocaine, methamphetamine hay thuốc phiện từ Mỹ Latinh và Châu Á.

"Làn sóng" ma túy đang bắt đầu ảnh hưởng đến các cộng đồng địa phương, khiến tỷ lệ nghiện ma túy gia tăng ở những khu vực trước đây có tỷ lệ tội phạm thấp.

Ủy viên cảnh sát Tonga Shane McLennan cho biết ma túy được dỡ xuống tại các cảng biển trên đảo Thái Bình Dương và được đóng gói lại để phân phối đến các thị trường khác.

Hiện tại, methamphetamine là chất chủ yếu xâm nhập vào Tonga, với mức độ sử dụng ví như một "đại dịch."

Hoạt động buôn bán ma túy trong khu vực này diễn ra theo hai tuyến chính: một tuyến liên quan đến những kẻ buôn lậu ở Mỹ Latinh đi qua Polynesia đến Tonga và Fiji, trong khi tuyến còn lại vận chuyển ma túy đá từ Đông Nam Á qua các quốc gia trong khu vực Melanesia.

Trước đây, loại ma túy được giao dịch phổ biến nhất là cocaine, song người dân địa phương đang ngày càng tiêu thụ methamphetamine, một chất rẻ hơn và gây nghiện hơn, dẫn đến tình trạng phạm tội gia tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Mặc dù dữ liệu về việc sử dụng ma túy ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương còn hạn chế, song hồ sơ tòa án cho thấy hệ thống pháp luật Tonga đang trở nên quá tải với các vụ án liên quan đến ma túy.

Các vụ bắt giữ gần đây cho thấy quy mô buôn bán chất cấm trong khu vực "đường cao tốc ma túy Thái Bình Dương."

Tại Fiji, từ đầu năm cho đến nay, lực lượng chức năng đã thu giữ 4 tấn methamphetamine, tương đương với các vụ bắt giữ tại các trung tâm buôn bán ma túy lớn như Thái Lan và Hong Kong (Trung Quốc).

Tội phạm có tổ chức đang trở thành một vấn nạn nhức nhối ở khu vực Thái Bình Dương, với hoạt động buôn bán ma túy có liên quan đến buôn lậu, rửa tiền, mại dâm và cờ bạc bất hợp pháp ngày càng gia tăng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng điều này gây ra mối đe dọa đáng kể cho khu vực, biến nơi đây từ một khu vực tương đối nguyên sơ thành một nút giao mới cho hoạt động buôn bán ma túy trên toàn cầu.

Vĩnh Hoàng (theo UNODC)

}
Top