Thái Nguyên: Phấn đấu mục tiêu 90-90-95 trong phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Là một trong 6 tỉnh ưu tiên được lựa chọn triển khai Tiểu dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật Phòng, chống HIV/AIDS, Thái Nguyên đang nỗ lực triển khai các hoạt động để tiến tới đạt được mục tiêu 90-90-95 trong phòng, chống HIV/AIDS.
Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
Mục tiêu của dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật Phòng, chống HIV/AIDS nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để đạt được mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, dự án áp dụng và triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới (về dự phòng HIV, xét nghiệm HIV…) nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-95.
Trong thời gian qua, Thái Nguyên đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động trong công tác phòng chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện, đặc biệt là những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy có xu hướng giảm thì lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh và nhiều khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi.
Bên cạnh đó, các nhóm có nguy cơ khác như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
Theo số liệu thống kê, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95, đối với mục tiêu 1 về số người nhiễm biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, địa phương đạt 86,05% (4.733/5.500). Đối với mục tiêu 2: Số người được chẩn đoán và đang được điều trị ARV đạt 85,42% (4.043/4.733). Mục tiêu 3 là số người điều trị ARV có tải lượng ức chế đạt 99,19% (3.309/3.336).
Khách hàng dương tính kết nối điều trị đạt 95%
Để đạt được 3 mục tiêu 90-90-95, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, hoạt động tìm ca kết nối điều trị tại cộng đồng, từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 đã tiếp cận 2.265 người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; xét nghiệm tại cộng đồng cho 1.215 khách hàng; khách hàng dương tính mới là 60; khách hàng dương tính kết nối điều trị đạt 95% (57/60); Cấp phát 539 sinh phẩm mang về cho khách hàng tự xét nghiệm và kết nối thành công 113 người có hành vi nguy cơ cao, xét nghiệm HIV âm tính vào điều trị PrEP.
Đối với hoạt động tiếp cận tìm ca tại cơ sở y tế và trại giam/tạm giam. Tìm ca tại phòng Tư vấn xét nghiệm HIV với tổng số mẫu xét nghiệm là 1.377, số ca dương tính là 19; chuyển tiếp điều trị 18, đạt 94,7%. Tìm ca tại các khoa phòng bệnh viện: Số ca dương tính là 33; trong đó chuyển tiếp điều trị 17. Tìm ca tại các Phòng khám ngoại trú (PNS) với tổng số mẫu xét nghiệm: 181, trong đó số ca dương tính là 14; chuyển tiếp điều trị 14, đạt 100%. Tìm ca tại trại giam Phú Sơn 4/trại tạm giam công an tỉnh với tổng số mẫu xét nghiệm là 885; số ca dương tính: 8 và 100% trong số này đã chuyển tiếp điều trị.
Đối với hoạt động chăm sóc và điều trị, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 4.043/4.173 (96,88%). Số bệnh nhân điều trị mới trong 9 tháng là 124. Số bệnh nhân điều trị lại trong 9 tháng là 55.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng các hoạt động điều trị ARV nhanh, điều trị trong ngày; cấp phát thuốc ARV nhiều tháng; thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS qua BHYT bao gồm xét nghiệm tải lượng virus HIV và thuốc ARV; duy trì bệnh nhân điều trị ARV, giảm bỏ trị và tử vong; hoạt động phối hợp Lao/HIV: hoạt động Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); hoạt động theo dõi, đánh giá và giám sát; hoạt động nâng cao năng lực hệ thống…
Tăng cường các hoạt động tại các phòng khám ngoại trú
Mặc dù đã rất nỗ lực trong công tác triển khai, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong thời gian tới, để giải quyết những khó khăn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên sẽ tập trung tăng cường hoạt động PNS/SNS tại các phòng khám ngoại trú; triển khai xét nghiệm tại trại tạm giam, lưu động tại những địa điểm nguy cơ cao, vùng sâu; tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cầm tay chỉ việc; triển khai các mô hình mới để quảng bá và tăng cường tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV.
Để giải quyết khó khăn trong hoạt động phòng xét nghiệm, ngành y tế địa phương sẽ nâng cao năng lực phòng xét nghiệm khẳng định, sàng lọc tuyến huyện (tập huấn, tăng cường giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm); tăng cường điều tra phát hiện ca nhiễm mới HIV chuyển gửi điều trị của các cơ sở xét nghiệm khẳng định, tăng cường PNS cho các ca nhiễm mới; tăng cường tư vấn xét nghiệm phát hiện nhiễm mới RECENCY tại các cơ sở theo Quyết định 2834/QĐ-BYT ngày 09/6/2021 của Bộ Y tế…
Tiếp tục duy trì hỗ trợ kỹ thuật bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV cho các phòng VCT, cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV, phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện, các CBO theo kế hoạch; tư vấn nhiễm mới RECENCY/PNS bạn tình/bạn chích người nhiễm; phối hợp tập huấn xét nghiệm và an toàn sinh học cho CBO lớp 2 và các cán bộ y tế cơ sở… Cập nhật dữ liệu phần mềm quản lý thông tin ca nhiễm mới DHIS2 phục vụ tìm ca, theo dấu ca nhiễm mới, can thiệp kịp thời các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.
Đối với hoạt động chăm sóc điều trị, Thái Nguyên đề xuất giải pháp: Tiếp tục duy trì điều trị ARV nhanh và trong ngày; duy trì bệnh nhân điều trị ARV, giảm bệnh nhân bỏ trị và tử vong; tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình/bạn chích; tăng cường rà soát hàng tuần theo danh sách bệnh nhân điều trị tại phòng khám ngoại trú, lên lịch tư vấn cho bệnh nhân, phát hiện tìm ca từ BT/BC và nhóm có nguy cơ cao; đẩy mạnh thực hiện điều trị Lao tiềm ẩn theo phác đồ mới 3HP.
Đặc biệt, kế hoạch tiếp theo của Thái Nguyên là thực hiện khám sàng lọc, điều trị các bệnh đồng nhiễm cho bệnh nhân điều trị ARV; tăng cường tư vấn nhóm, truyền thông cho bệnh nhân ARV về đồng chi trả thuốc và xét nghiệm tải lượng HIV khi điều trị trong thời gian tới; thực hiện một số cuộc giao ban, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV giữa các phòng khám ngoại trú và với BHXH…
Tính đến 30/6/2022, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 9.292, tử vong là 4.559, số người nhiễm HIV còn sống 4.733. Tỷ lệ hiện nhiễm 0,36%. Số xã phường phát hiện người nhiễm HIV là 178/178. Tỷ lệ người nhiễm chủ yếu nam giới chiếm 78.96%; nữ 21.04%. Tỷ lệ người nhiễm chủ yếu trong độ tuổi 25-49 là 80,7%.
Thùy Chi