Tháo gỡ khó khăn bảo đảm nguồn lực tài chính, tiến tới chấm dứt bệnh AIDS

31/12/2022 12:01

(Chinhphu.vn) - Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với một số kết quả hết sức ấn tượng. Trong đó, Quỹ BHYT là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về bảo đảm nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình.

Để hiểu rõ hơn về những nguy cơ thách thức, cũng như bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với công tác bảo đảm tài chính trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có cuộc phỏng vấn TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Tháo gỡ khó khăn bảo đảm nguồn lực tài chính, tiến tới chấm dứt bệnh AIDS - Ảnh 1.

TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Xin bà cho biết những nguy cơ và thách thức đối với việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh hiện nay?

TS. Dương Thúy Anh: Sau khi nhận được thông báo của các tổ chức quốc tế về việc giảm dần và cắt giảm các nguồn tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1899 phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 nhằm đưa ra các nhóm giải pháp về huy động các nguồn lực tài chính và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực huy động được.

Quyết định 1899 đã tạo hành lang pháp lý cho việc tăng nhanh tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước, trong đó ngân sách địa phương đã tăng lên tới 17% tổng chi cho HIV/AIDS với 63 tỉnh, thành phố đều có kế hoạch bảo đảm tài chính được phê duyệt với trung bình ngân sách địa phương phân bổ hằng năm khoảng 450 tỷ đồng.

Việt Nam đã rất thành công khi chuyển giao chương trình điều trị HIV/AIDS dựa vào nguồn lực dự án quốc tế sang nguồn quỹ BHYT. Tỉ lệ người bệnh điều trị HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 50% năm 2016 lên tới 95% năm 2022.

Từ năm 2019 viên thuốc ARV nguồn quỹ BHYT đầu tiên đã được kê đơn tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và mỗi năm Quỹ BHYT chi trả trung bình 400 tỷ đồng bao gồm cả thuốc ARV và các dịch vụ liên quan đến điều trị HIVAIDS đưa tỷ trọng nguồn chi của Quỹ BHYT lên tới 9% trong cả giai đoạn 2012-2022. Với sự đóng góp của ngân sách trung ương, huy động từ các quỹ, người nhiễm HIV tổng chi trong nước cho HIV/AIDS đã tăng lên 51% năm 2018 lần đầu tiên tỷ trọng chi tiêu từ các dự án quốc tế.

Tuy nhiên bước sang giai đoạn 2023-2030, việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đứng trước các nguy cơ thách thức mới như nguồn tài chính cho chương trình dự phòng đang lệ thuộc chủ yếu vào các dự án quốc tế chiếm tới hơn 60%.

Đối với chương trình điều trị dự phòng HIV (PrEP) là chương trình rất quan trọng, đang can thiệp cho nhóm dịch mới nổi từ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM đang phụ thuộc 100% vào các dự án quốc tế, mới chỉ bao phủ được khoảng 20% nhu cầu can thiệp. Trong khi đó, nguồn kinh phí mua sắm bơm kim tiêm, bao cao su, thuốc methadone và các vận dụng giảm tác hại khác vẫn đang lệ thuộc vào dự án Quỹ Toàn cầu can thiệp tại 33 tỉnh trọng điểm.

Khó khăn nữa là hiện nay, kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mới được phê duyệt 53 tỉnh, thành phố, vẫn còn 10 tỉnh chưa được phê duyệt gây khó khăn cho việc phân bổ ngân sách địa phương tại các tỉnh này, trong đó có những tình trọng điểm như Quảng Ninh, Bình Dương...

Ngân sách nhà nước trung ương chuyển đổi cơ chế quản lý từ chương trình mục tiêu sang nguồn chi y tế dự phòng chỉ bảo đảm các hoạt động thiết yếu tại trung ương và theo hướng phân cấp triệt để nhiệm vụ cho ngân sách địa phương do đó khả năng tăng ngân sách trung ương là rất hạn chế.

Đặc biệt, nguồn quỹ BHYT là nguồn tài chính quan trọng tới đây tuy nhiên hành lang pháp lý cho mua sắm, cung ứng thuốc cần hoàn thiện để bảo đảm cung ứng thuốc liên tục và ổn định. Việc huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp xã hội các tổ chức cộng đồng còn cần thời gian để xây dựng cơ chế triển khai và mở rộng. Hầu hết những người nhiễm HIV là nhóm dân cư dễ tổn thương, nhiều người không có thu nhập ổn định, do đó khả năng tự chi trả dịch vụ HIV/AIDS rất hạn chế.

Để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo bà chúng ta cần có những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn, thách thức trên?

TS. Dương Thúy Anh: Trong thời gian tới, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã xác định các giải pháp nhằm giải quyết được những thách thức trên. Giải pháp đầu tiên là tiếp tục huy động nguồn ngân sách địa phương thông qua kế hoạch bảo đảm tài chính. Bảo đảm 63 tỉnh, thành phố phải được phê duyệt kế hoạch và phân bổ đủ theo kế hoạch được phê duyệt.

Tiếp đến, ngân sách trung ương vẫn phải duy trì để bảo đảm các hoạt động thiết yếu tại trung ương, bảo đảm duy trì hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, giám sát cho các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, Quỹ BHYT là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. BHYT luôn là một trong các giải pháp tài chính bền vững, bảo đảm cho người dân được khám bệnh, chữa bệnh, được bảo vệ khỏi các rủi ro về tài chính do các chi phí y tế. Ðối với những người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho người nhiễm được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm bớt chi phí điều trị bệnh.

Do đó, Quỹ BHYT cần tiếp tục hoàn thiện căn cứ pháp lý để bảo đảm cung ứng thuốc ARV liên tục và ổn định cho người bệnh. Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này.

Để hiện thực hóa các giải pháp trên. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS làm căn cứ để huy động và chi trả từ nguồn ngân sách địa phương. Nếu như chương trình điều trị HIV/AIDS đã được bảo đảm từ nguồn quỹ BHYT, tuy nhiên chương trình dự phòng lại chưa có nguồn lực bảo đảm.

Mặt khác, Quỹ BHYT không thể chi trả cho dịch vụ dự phòng do đó chương trình dự phòng cần huy động từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương khu vực tư nhân và người nhiễm HIV.

Việc xây dựng dựng cơ chế tài chính cho các dịch vụ dự phòng là rất quan trọng để bảo đảm các dịch vụ này được duy trì sau khi các dự án quốc tế chấm dứt. Vì vậy, giai đoạn 2023-2030 cần tập trung vào huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân bao gồm  các doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng, các tập đoàn quốc gia tập trung đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đến nay khu vực tư nhân đã chứng tỏ năng lực rất ưu việt của họ trong cung cấp dịch vụ. Họ có thể giúp tiếp cận các nhóm đích với những ưu điểm về tính tiếp cận, tính bảo mật tính tiện lợi và linh hoạt do đó rất nhiều các dịch vụ khu vực tư nhân đã có thế mạnh cung cấp hơn các cơ sở y tế công lập.

Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS quốc gia đã trình Bộ Y tế ban hành kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị để triển khai các nhiệm vụ đánh giá, xây dựng căn cứ pháp lý, các công cụ giám sát việc đầu tư và cung cấp dịch vụ khu vực tư nhân trên toàn quốc với mục tiêu, tăng tỷ trọng chi tiêu của khu vực tư nhân lên tới 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Một trong những giải pháp trọng tâm để bảo đảm tài chính bền vững là tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về giải pháp này và tầm quan trọng của giải pháp?

TS. Dương Thúy Anh: Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách nhà nước là một điểm mới và đột phá trong thời gian tới đây. Đây là hình thức nhà nước ký hợp đồng với các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua cơ chế đấu thầu và đặt hàng dịch vụ.

Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức xã hội nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội tới các khu vực mà y tế công khó cung cấp. Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là một giải pháp tận dụng hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu can thiệp, tiếp cận đến các nhóm đích.

Hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang thực hiện thí điểm tại 9 tỉnh thành phố, trong đó các tổ chức xã hội được lựa chọn thông qua đấu thầu hoặc đặt hàng sẽ cung cấp dịch vụ HIV/AIDS theo cơ chế thực hiện của ngân sách nhà nước, định mức chi các dịch vụ theo ngân sách nhà nước.

Mục đích của việc thí điểm nhằm kiểm tra quy trình thực hiện của các tổ chức xã hội trong đấu thầu hoặc đặt hàng trong mua sắm dịch vụ, để đưa ra các bài học về kinh nghiệm thực hiện trong cung cấp dịch vụ, theo dõi giám sát việc thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, kiểm tra định mức chi tiêu trong mua sắm dịch vụ để hoàn thiện hơn khi xây dựng cơ chế pháp lý cho hoạt động này.

Tuy nhiên, để triển khai hoạt động này cần phải xây dựng một hành lang pháp lý từ Chính phủ, cho phép đưa HIV/AIDS là một dịch vụ được nhà nước đặt hàng/mua sắm. Do đó, cần phải có các văn bản hướng dẫn về những dịch vụ cụ thể được mua sắm. Định mức kỹ thuật thực hiện dịch vụ để từ đó xây dựng định mức chi tiêu cho việc thực hiện và mua sắm dịch vụ đó.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội phải được tập huấn, tăng cường năng lực để có đủ khả năng cung cấp dịch vụ. Năng lực về vận hành và quản lý tài chính tổ chức bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước được giao theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thùy Chi

Top