Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do tổ chức xã hội cung cấp
(Chinhphu.vn) - Ngày 15/4, tại TP. Đà Nẵng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội (TCXH) cung cấp giai đoạn 2022-2024.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Công tác phòng/chống HIV/AIDS hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh phí. Nguyên nhân là do nhiều tổ chức quốc tế đã cắt giảm dần các nguồn tài trợ, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Trong 5 năm gần đây, xu hướng lây nhiễm HIV đã có nhiều biến đổi nên rất cần sự vào cuộc của ngành y tế các tỉnh, thành.
"Trước đây, tại nước ta, có thời kỳ phát hiện 30.000-32.000 ca nhiễm HIV/AIDS/năm thì hiện nay đã giảm xuống 10.000-12.000 ca/năm. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải chấm dứt được dịch AIDS. Như vậy chúng ta phải đạt được con số chỉ còn 1.000 ca/năm. Để đạt được con số này rất cần sự tham gia của các mô hình, các tổ chức xã hội", bà Phan Thị Thu Hương nói.
Bà Phan Thị Thu Hương cho rằng: "Các tổ chức xã hội có lợi thế trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp, có thể linh hoạt mở ngoài giờ làm việc để những người có nguy cơ cao có thể tiếp cận được. Trước đây, các cơ sở này đa số được các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí. Sắp tới đây, khi các nguồn tài trợ này dần cắt giảm, phải làm sao để từ nguồn ngân sách địa phương, Trung ương, chúng ta có các tổ chức xã hội có đầy đủ căn cứ pháp lý để ký hợp đồng hoặc tham gia đặt hàng, đấu thầu mua sắm các dịch vụ này. Từ thực tế trên, một sáng kiến đã được Bộ Y tế thông qua và bắt đầu triển khai thí điểm hoạt động này tại 7 tỉnh có tiềm năng thực hiện".
Chia sẻ về mục tiêu Đề án thí điểm cách thức mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, Ths.BS. Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết đó là thí điểm cách thức thực hiện mua sắm thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội theo cơ chế quản lý ngân sách nhà nước; đồng thời cần đề xuất các khuyến nghị về chính sách và lộ trình cụ thể thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đối với các tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước tại Việt Nam.
Thời gian thực hiện thí điểm trong 2 năm 2022-2024 tại 7 tỉnh Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Điện Biên. Nguồn kinh phí tài trợ thực hiện đề án thí điểm do các dự án quốc tế hỗ trợ trực tiếp các địa phương triển khai thí điểm.
Nội dung các gói dịch vụ thí điểm bao gồm các hoạt động cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người có hành vi nguy cơ và chuyển gửi người có nhu cầu vào điều trị methadone; xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP; Sở Y tế/đơn vị đầu mối phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố triển khai Đề án thí điểm căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương phối hợp với các nhà tài trợ/dự án lựa chọn một hoặc nhiều gói dịch vụ để triển khai.
Là địa phương tiên phong triển khai thí điểm mô hình từ năm 2018-2019, ông Thái Văn Nhàn thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khẳng định mô hình tại Nghệ An đang đi đúng hướng. Các tổ chức xã hội phát huy thế mạnh của mình trong việc tiếp cận, tìm ca và CDC Nghệ An đã bắt đầu thu thập kinh nghiệm quản lý, theo dõi, giám sát hợp đồng...
"Từ năm 2018-2019, các tổ chức xã hội đã đóng góp tới hơn 70% số ca dương tính mới phát hiện và điều trị tại tỉnh. Nghệ An cũng mong muốn có sự hướng dẫn tài chính từ Bộ Y tế để có kế hoạch huy động ngân sách tỉnh về lâu dài, có sự hỗ trợ đăng ký tư cách pháp nhân cho các tổ chức xã hội", ông Nhàn cho hay.
Tại Hội nghị, các tỉnh thành tham gia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, kế hoạch triển khai thí điểm và Cục Phòng, chống HIV/ hướng dẫn cách tính định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ trong Đề án thí điểm và đóng góp ý kiến cho bản kế hoạch của các địa phương.
Minh Trang