Trao đổi kinh nghiệm áp dụng nghiên cứu về HIV/AIDS trong chăm sóc, điều trị
(Chinhphu.vn) - ANRS-MIE đã hỗ trợ Việt Nam cả về kỹ thuật và tài chính để thực hiện hơn 40 đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu sinh học - lâm sàng và nghiên cứu khoa học xã hội, tập trung vào mảng phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Chiều 9/5, tại Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương đã có buổi tiếp TS. Eric D'Otenzio, Giám đốc hợp tác và đối tác chiến lược của Cơ quan quốc gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi (ANRS).
ANRS là một trong những đơn vị nghiên cứu và tài trợ nghiên cứu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực y tế công cộng. Hàng năm, ANRS-MIE tài trợ hàng triệu USD cho các nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên khắp thế giới và các bài báo khoa học từ các nghiên cứu được ANRS-MIE tài trợ có hệ số tác động (Impact Factor) cao hàng đầu thế giới.
Chương trình hợp tác khoa học trong các lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Y tế Việt Nam với ANRS-MIE đã được ký kết ngày 06/01/2000. Tiêu biểu và lâu dài nhất là chương trình "Thiết lập một điểm nghiên cứu về HIV/AIDS ở khu vực Đông Nam Á" đã được triển khai từ năm 2001 đến nay.
Chương trình nhằm hỗ trợ củng cố và hoàn thiện hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu, các cơ sở y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm liên quan, hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu, đào tạo cán bộ để nâng cao năng lực các đơn vị tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu với ANRS, bao gồm: Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đống Đa, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Hải Phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng và các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), Viện Xã hội học TPHCM.
PGS. TS. Phan Thị Thu Hương đã đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình và mạnh mẽ từ phía ANRS (sau này là ANRS-MIE) từ khi triển khai hợp tác năm 2000 cho đến nay.
ANRS-MIE đã hỗ trợ Việt Nam cả về kỹ thuật và tài chính để thực hiện hơn 40 đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu sinh học – lâm sàng và nghiên cứu khoa học xã hội, tập trung vào mảng phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Ngoài ra, các dự án ANRS còn góp phần thúc đẩy và thực hiện chuyển giao cũng như áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác. Qua đó ngày càng cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị tham gia nghiên cứu, đồng thời đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương đề nghị, ANRS tiếp tục hỗ trợ triển khai các nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu tại các bệnh viện, đơn vị nghiên cứu, các trường đại học; tạo diễn đàn để các nhà khoa học hai nước trao đổi học thuật, kinh nghiệm áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng như xây dựng và triển khai chính sách y tế; ANRS tiếp tục làm cầu nối để các nhà khoa học hai nước sang trao đổi và làm việc tại hai nước, sinh viên y khoa hai nước được sang học tập lẫn nhau...
Thùy Chi