Kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS

09/05/2023 14:49

(Chinhphu.vn) - 20 năm PEPFAR đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc Phòng, chống HIV/AIDS đầy thách thức, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS, giữ vững tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%.

Ngày 9/5, tại Hà Nội, Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống về phòng, chống AIDS (PEPFAR) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ hợp tác và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Việt Nam giữ vững tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân dưới 0,3%

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á nhận được hỗ trợ và là một nước trọng điểm, trong giai đoạn đầu của PEPFAR. Năm 2003, Chính phủ Hoa Kỳ khởi động PEPFAR. Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR.

Chính phủ Hoa Kỳ đã trở thành nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với ngân sách hằng năm khoảng năm 40 triệu USD.

Kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ hợp tác và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi

Phát biểu chúc mừng 20 năm Chương trình PEPFAR tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam đã giữ vững tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%.

Để đạt được những thành tựu này, không thể không nói đến sự hỗ trợ to lớn về nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong suốt nhiều năm qua. Cùng với Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Trong 20 năm qua PEPFAR đã hỗ trợ mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người sống chung với HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, các quần thể đích (KP) thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật rất toàn diện và chất lượng bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến về tài chính bền vững, các mô hình cung cấp dịch vụ tiên tiến, hiệu quả.

PEPFAR cũng đã hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phát triển các hướng dẫn quốc gia dựa trên việc triển khai thí điểm các mô hình sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ đó có thể triển khai trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, PEPFAR đã chủ trì các sáng kiến tài chính bền vững trong đó có mở rộng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS, hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng và phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính nhằm tăng chủ động từ các nguồn tài chính trong nước cho HIV/AIDS.

PEPFAR cũng hợp tác và hỗ trợ quá trình Chính phủ Việt Nam dần tự chủ thực hiện ứng phó với HIV, đồng thời có sự tham gia chiến lược của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự để đưa các dịch vụ HIV đến gần hơn với cộng đồng và thúc đẩy năng lực của họ.

Tính đến cuối năm tài chính 2022, PEPFAR tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để đưa hơn 144.000 bệnh nhân điều trị ARV theo hình thức bảo hiểm y tế xã hội, trong đó có 80.000 bệnh nhân dùng thuốc TLD.

Trong năm 2022, chương trình PEPFAR Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật giúp phát hiện trên 9.400 người nhiễm HIV, kết nối thành công 94% vào điều trị, thu dung trên 8.800 bệnh nhân vào điều trị ARV mới, đưa tổng số bệnh nhân đang điều trị bằng ARV lên treeon 90.000 bệnh nhân và giúp đạt ngưỡng ức chế virus 98,8% tại 11 tỉnh, thành phố thuộc khu kinh tế phía bắc và vùng đô thị TPHCM.

Với sự hỗ trợ của PEPFAR, chiến dịch K=K được triển khai ở Việt Nam rất thành công như điểm sáng trên thế giới. Sự thành công của chiến dịch này không chỉ giúp người nhiễm HIV tuân thủ điều trị mà còn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Khi bắt đầu năm tài chính 2023, chương trình PEPFAR còn tiếp tục hỗ trợ mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ liên quan đến HIV cho các quần thể đích và sẽ đưa 18.000 người âm tính với HIV mới có nguy cơ lây nhiễm cao vào điều trị PrEP.

Hướng tới mục tiêu toàn cầu trong phòng, chống HIV/AIDS

Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper's cho hay, các nguồn lực của PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã cùng nhau hỗ trợ trực tiếp 90% chi phí mua sắm thuốc ARV của Việt Nam để điều trị cho khách hàng, mang lại cho những người nhiễm HIV cơ hội mới để không chỉ sống sót mà còn phát triển.

Với sự hỗ trợ của PEPFAR, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể từ năm 2014 trong việc làm chủ và dẫn dắt các nỗ lực ứng phó với HIV của mình. Hiện nay, hơn 70% trong số ước tính khoảng 240.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam nhận được thuốc kháng virus thông qua bảo hiểm y tế, được tài trợ bởi các nguồn lực trong nước.

"Chúng tôi tự hào về những kết quả này, thể hiện nỗ lực chung của PEPFAR và Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một chương trình ứng phó với HIV quốc gia bền vững, có tác động lớn ở Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu toàn cầu của UNAIDS, nhằm kiểm soát dịch HIV vào năm 2030", Đại sứ Marc E. Knapper's cho hay.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, trong đó đặc biệt là thiếu hụt nhân lực và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hàng hóa cho y tế và rất cần thời gian để phục hồi.

Hướng tới mục tiêu toàn cầu trong phòng, chống HIV/AIDS, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên đặc biệt là hỗ trợ cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm và cung ứng thuốc, hàng hóa và vật tư y tế.

Một số ưu tiên khác bao gồm mở rộng các mô hình tư vấn và xét nghiệm, mở rộng các tỉnh thụ hưởng trong chiến lược đáp ứng y tế công cộng để có đầy đủ các bằng chứng nhằm đưa ra các can thiệp phù hợp.

Ngoài ra đứng trước tình hình dịch đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV đang tăng nhanh trong nhóm này.

"Chính phủ Việt Nam cam kết cùng với hỗ trợ của PEPFAR để tiếp tục xây dựng các cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Chương trình PEPFAR tại Việt Nam được thực hiện bởi các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ: Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Quốc phòng (DOD), và Bộ Ngoại giao.

CDC Hoa Kỳ là đơn vị làm việc trực tiếp với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam như Cục Phòng, Chống HIV/AIDS và các đơn vị trong ngành y tế và một số các đối tác như như Tổ chức PATH, Đại học San Francisco … USAID hỗ trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng trong và ngoài nước như FHI360, PATH, Trung tâm Life, Dự án LHSS (bễn vững tài chính y tế), … DOD hỗ trợ một số can thiệp trong quân đội thông qua hợp tác đối tác với Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng.

Chương trình PEPFAR hiện tại tập trung vào một kế hoạch nhằm hỗ trợ cho Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chính: Đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu 95-95-95 tại 11 tỉnh, thành phố có sự hỗ trợ của PEPFAR tại vùng kinh tế phía bắc và vùng đô thị TPHCM; bảo đảm chuyển đổi bền vững trách nhiệm chính về tài chính, hành chính và kỹ thuật của các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV cho Chính phủ Việt Nam; ứng phó với các khu vực/nhóm hành vi nguy cơ mới nổi về lây nhiễm HIV trên toàn quốc thông qua sáng kiến đáp ứng y tế công cộng (PHCR).

Thùy Chi

}
Top