Ưu tiên các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm HIV trong giới trẻ

06/05/2023 08:25

(Chinhphu.vn) - Trong 3 năm trở lại đây, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng trở lại, với đường lây chủ yếu là đường tình dục, đặc biệt là ở những người có quan hệ tình dục đồng giới nam trẻ. Xác định được nhóm đối tượng đích chủ yếu tập trung ở môi trường học sinh, sinh viên và công nhân lao động trẻ, do đó ngành y tế ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV trong nhóm đối tượng đích này.

Thái độ và thực hành phòng, chống HIV của thanh thiếu niên còn hạn chế

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, số nhiễm HIV mới vẫn tăng, nhất là ở nhóm thanh thiếu niên trẻ. Đáng lưu ý, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV. Trong giai đoạn đầu, tình trạng lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu. Nhưng hiện, lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính.

Ưu tiên các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm HIV trong giới trẻ - Ảnh 1.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Chi

Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, nguyên nhân chính gia tăng lây nhiễm HIV trong giới trẻ là thanh niên là nhóm có nhu cầu tình dục rất cao. Bên cạnh nhu cầu giao tiếp xã hội, học tập, lao động thì nhu cầu vui chơi giải trí, kết bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình là những vấn đề quan tâm rất lớn của thanh niên.

Nhóm tuổi thanh thiếu niên, họ đang phát triển tâm sinh lý và không dễ kiểm soát hành vi như những người trưởng thành, dễ bị hấp dẫn của nhiều thứ mới lạ. Ngoài ra, kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV của thanh niên còn hạn chế: thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng BCS, PrEP; chưa dám bộc lộ/ chia sẻ tình trạng của bản thân; tự kì thị của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Mặt khác, thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV của cộng đồng, định kiến về giới còn nặng nề cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tới công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa của xã hội, tâm lý tò mò, thích khám phá, thể hiện bản thân của thanh niên, trong khi thiếu kiến thức, hiểu biết cũng là vấn đề làm gia tăng tình trạng lây nhiễm mới HIV trong nhóm này.

Để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên, ngành y tế đã tăng cường các hoạt động truyền thông trong nhóm này. Điển hình mới đây Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các đoàn công tác đến một số tỉnh thành trên toàn quốc, như: Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học ở Thái Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và một số trường trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho các học sinh, sinh viên.

Nhiều hoạt động được triển khai trong các nhà trường như chương trình thiện nguyện, giao lưu văn hóa, thể thao và thi tìm hiểu pháp luật, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giúp đỡ gia đình chính sách… Đồng thời, hưởng ứng các phong trào của các ban ngành trong tỉnh như: Tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; Ngày chủ nhật xanh, Giờ trái đất, Lễ hội Xuân hồng, Tiếp sức mùa thi, Tháng Thanh niên tình nguyện…

Bà Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên cho biết: Hiện tỉnh có 4.588 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 4.017 người đang được điều trị bằng  thuốc ARV, trong đó có 66 trẻ em.

Toàn tỉnh Thái Nguyên ước tính có 2.760 người thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Từ năm 2017, Thái Nguyên phát hiện 10 trường hợp nhiễm HIV là MSM, số ca nhiễm HIV trong nhóm này có chiều hướng gia tăng mỗi năm.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017 chỉ có 10 người MSM nhiễm HIV trong tổng 207 người nhiễm thì đến năm 2020 phát hiện 76 MSM trong 186 ca nhiễm mới; năm 2021 là 47 trong 121 ca; năm 2022 là 57 trong 124 ca.

Bà Lê Ái Kim Anh cho biết, để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các nhóm Tiếp cận cộng đồng tổ chức truyền thông tại các trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Y Dược, Đại học Nông lâm với tổng 150 sinh viên đăng ký làm xét nghiệm, trong đó có 2 ca nhiễm HIV.

Hướng tới đạt được mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS, bà Kim Anh cho rằng, các trường học cần tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng cho sinh viên, học sinh, nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống HIV, chung tay, góp phần giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trên địa bàn tỉnh.

Đặt nền móng đội tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS làm nóng cốt

Tại Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cũng đã phối hợp nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho các học sinh, sinh viên tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cho biết, để thực hiện tốt công tác này, ngành y tế Cần Thơ đã làm để đặt nền móng đội Tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn làm nòng cốt. Đồng thời, cung cấp dịch vụ lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại trường.

Ưu tiên các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm HIV trong giới trẻ - Ảnh 3.

Sự kiện truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho giới trẻ tại Cần Thơ. Ảnh: Thùy Chi

Tại các buổi truyền thông, các học sinh, sinh viên được cung cấp các kiến thức cơ bản liên quan đến HIV/AIDS, được tham gia các trò chơi với nhiều phần quà thú vị, đặc biệt là được tư vấn hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc HIV tại chỗ và kết nối điều trị PrEP ngay khi có nhu cầu.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ đã tiến hành một số nghiên cứu về kiến thức và hành vi lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy 16-18% sinh viên có xu hướng quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ đã đề xuất xin triển khai thí điểm dự án Tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường Đại học trên địa bàn thành phố, trong đó có Đại học Cần Thơ, từ nguồn ngân sách của Đề án bảo đảm tài chính do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và cấp ngân sách.

Từ năm 2020, Trường đại học Cần Thơ được Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ 16 sinh viên nòng cốt triển khai các hoạt động tiếp cận và cung cấp các dịch vụ dự phòng cho sinh viên như: chương trình bao cao su, PrEP, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chuyển gửi điều trị... Đối tượng tiếp cận chủ yếu là nhóm sinh viên, ngoài ra một bộ phận nhỏ là bạn bè hoặc người quen của sinh viên sống trong cộng đồng nếu có nhu cầu.

Hằng năm, Văn phòng Đoàn và Hội sinh viên, Phòng Công tác chính trị, Phòng Công tác sinh viên phối hợp tổ chức Hội thi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và ma túy gồm thi kiến thức và thi tiểu phẩm tuyên truyền với hai hình thức thi tập thể và thi cá nhân. Những tập thể, cá nhân tham gia thi sẽ được cộng điểm học tập và rèn luyện do đó huy động được sự tham gia của đông đảo sinh viên trong trường. Thông thường cuộc thi lớn sẽ được tổ chức vào tháng 11-12 hằng năm.

Ngoài ra, hoạt động truyền thông được thực hiện thường xuyên thông qua các sự kiện offline như: Liên hệ với từng khoa/trường để tổ chức truyền thông theo khoa/trường, mỗi năm tổ chức 12 cuộc;  truyền thông nhóm nhỏ thực hiện cho sinh viên theo các quận/huyện hoặc sinh viên thuộc từng khoa chuyên ngành của các Trường.

Nội dung của các buổi truyền thông bao gồm: Cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và các hành vi nguy cơ cao cũng như các biện pháp can thiệp; kết nối các bạn có nhu cầu hoặc có hành vi nguy cơ cao để xét nghiệm sàng lọc (tự xét nghiệm, xét nghiệm nước bọt tại chỗ), chuyển gửi xét nghiệm chẩn đoán, cung cấp thuốc điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm (PrEP và PEP).

Hình thức truyền thông bao gồm: 

1. Online: sử dụng fanpage để đăng thông tin, đăng tải các clip truyền thông, đăng tải các clip thu lại từ các buổi truyền thông; 

2. Offline nhóm: tổ chức thảo luận nhóm hoặc tổ chức các trò chơi lồng ghép kiến thức và phát quà; 

3. Offline cá nhân: mỗi cá nhân tư vấn riêng từng bạn sinh viên và từ đó phát triển mạng lưới riêng của từng cộng tác viên.

Kết quả can thiệp năm 2022 của nhóm tiếp cận sinh viên gồm 16 cộng tác viên đã kết nối, tư vấn và chuyển gửi PrEP cho rất nhiều trường hợp. Kết nối thành công cho 132 người đăng ký PrEP và hiện tại đang hỗ trợ cho 78 sinh viên đang điều trị. 14 sinh viên đăng ký PEP 72 giờ. 5 sinh viên có phản ứng với test nhanh và kết nối điều trị ARV. Bao cao su, chất bôi trơn, tài liệu truyền thông đều được phát miễn phí theo nhu cầu. Vật phẩm có thể được phát trực tiếp tại các buổi nói chuyện, thảo luận nhóm, lấy tại văn phòng đoàn trường hoặc do cộng tác viên phát bên ngoài trường theo các hoạt động cụ thể.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ, tình hình dịch lây nhiễm HIV có dấu hiệu tăng trong nhóm MSM, chiếm gần 2/3 số trường hợp nhiễm HIV phát hiện được hàng năm, đặc biệt trong nhóm tuổi rất trẻ (16-25 tuổi), đối tượng học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ cao (17,2%) và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục chiếm 97,6%.

Nhằm ứng phó với dịch HIV đang gia tăng, chiến lược tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở học sinh, sinh viên ở các trường là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Cần Thơ trong những năm tiếp theo, nhằm cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để dự phòng lây nhiễm HIV. Đồng thời, tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV như cung cấp bao cao su, chất bôi trơn, tư vấn xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị ARV,… nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo chiến lược chung của quốc gia.

Để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho rằng, cần liên tục đa dạng hóa các phương thức, nội dung và các kênh truyền thông: truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông online.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đại chúng thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS cũng như xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Đài Phát thanh và Truyền hình ở trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, với khả năng tiếp cận đông đảo các nhóm khách hàng đích, việc tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như các trang Fanpage cộng đồng, Facebook, Tiktok, Zalo, các ứng dụng hẹn hò Blued, Grindr... là một kênh quan trọng được quan tâm, đầu tư và ưu tiên. Bởi số lượng bạn trẻ truy cập, theo dõi và sử dụng mạng xã hội rất nhiều.

Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục chú trọng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học, cao đẳng, THPT và các khu công nghiệp. Tăng cường phối hợp truyền thông lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại trường, phối hợp với các CLB, hội học sinh sinh viên của trường tổ chức các buổi nói chuyện về phòng, chống HIV/AIDS và tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới, giáo dục sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản; giáo dục gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Đồng thời, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nổi tiếng, người đứng đầu, người có uy tín trong cộng đồng, tham gia công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS…

Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỉ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.

Thùy Chi

hiv
}
Top