Truyền thông thay đổi hành vi: Đòn bẩy trong cuộc chiến chống HIV/AIDS tại Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch HIV/AIDS vẫn là một thách thức y tế công cộng tại Việt Nam, truyền thông thay đổi hành vi đã chứng minh vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Truyền thông thay đổi hành vi - chiến lược quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận 13.351 trường hợp nhiễm HIV mới và 1.905 ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Tổng số người nhiễm HIV đang còn sống là 245.762 trường hợp, với tổng số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 116.004 trường hợp. Đáng chú ý, trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay, 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%). Đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm đến 42,2%.

Tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Truyền thông thay đổi hành vi là một chiến lược quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng đối với HIV/AIDS. Truyền thông thay đổi hành vi giúp nâng cao nhận thức về các con đường lây truyền và biện pháp phòng ngừa HIV; Khuyến khích hành vi tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và xét nghiệm HIV định kỳ; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dịch vụ y tế và hỗ trợ xã hội. Đồng thời, thúc đẩy việc tuân thủ điều trị ARV, góp phần kiểm soát tải lượng virus và ngăn ngừa lây truyền.
Tại TP. Hà Nội, nhờ các biện pháp can thiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi, thành phố đã phát hiện thêm 400 trường hợp nhiễm HIV mới trong năm 2024, đạt 88,9% kế hoạch. Hiện số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn thành phố là 14.997. Kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95 cho thấy, 73,2% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình, 88% được duy trì điều trị ARV và 99,2% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, cấp phát vật tư can thiệp như bao cao su, bơm kim tiêm và chất bôi trơn miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao. Cụ thể, trong năm 2024, đã có 5.111 người nghiện chích ma túy được cấp phát bơm kim tiêm, 888 phụ nữ mại dâm được cấp bao cao su và 5.824 người nam có quan hệ tình dục đồng giới được cấp phát bao cao su.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh ghi nhận 86 trường hợp nhiễm HIV mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống, được quản lý là 554 người. Tỷ lệ nhiễm trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao dịch chuyển dần từ nhóm nghiện chích ma túy sang nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Đối tượng nhiễm tập trung ở độ tuổi lao động từ 20 – 49 tuổi chiếm trên 80%.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các hoạt động truyền thông tại trường học, tổ chức chương trình tư vấn sức khỏe tình dục giới và truyền thông HIV/AIDS cho sinh viên. Ngoài ra, thông qua trang web tuxetnghiem.vn, trong năm 2024 đã tư vấn và cấp phát 210 test tự xét nghiệm HIV cho khách hàng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 4.553 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 4.050 người đang điều trị ARV. Số người phát hiện nhiễm mới và tử vong vì HIV qua các năm gần đây có xu thế giảm dần. Trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh phát hiện gần 70 ca nhiễm mới, giảm so với 217 ca năm 2018.
Tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và một số trường trên địa bàn để tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên. Nhiều hoạt động được triển khai như chương trình thiện nguyện, giao lưu văn hóa, thể thao và thi tìm hiểu pháp luật.
Bà Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, cho biết, qua công tác tư vấn xét nghiệm cho thấy tỉ lệ người nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tuy nhiên, do thực hiện nhiều biện pháp can thiệp giảm hại, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi nên đã ngăn chặn được lây nhiễm mới trong nhóm này.
Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ưu tiên tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại, truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS, nhằm giảm thiểu số người nhiễm mới HIV trong nhóm MAM. Trong đó, luôn xác định các tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế cho biết, Trung tâm đặc biệt chú trọng truyền thông qua hệ thống y tế học đường và truyền thông số. Việc ứng dụng nền tảng tuxetnghiem.vn và phân phối bộ tự xét nghiệm HIV đã giúp tăng tỉ lệ phát hiện sớm HIV. Từ đó, người nhiễm được kết nối nhanh chóng vào hệ thống điều trị ARV, giảm nguy cơ lây truyền trong cộng đồng.
PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, truyền thông thay đổi hành vi là sự tiếp cận sâu sắc, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, đặc biệt chú trọng những nhóm có nguy cơ cao như MSM, người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm. Chúng ta đã ghi nhận xu hướng giảm lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích, và điều này có sự đóng góp rất lớn của công tác truyền thông, đặc biệt là các chiến dịch sử dụng mạng xã hội, đội ngũ đồng đẳng viên và dịch vụ thân thiện.
Công cụ hiệu quả trong cuộc chiến chống HIV/AIDS
Truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS là một chiến lược truyền thông nhằm tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của cá nhân và cộng đồng, giúp họ hiểu đúng, chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với HIV/AIDS, tiến tới phát hiện sớm, hỗ trợ người nhiễm, tiến tới chung tay chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tại Việt Nam, một số mô hình truyền thông hiệu quả bao gồm: Chiến dịch "K = K" (Không phát hiện = Không lây truyền). Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á phát động chiến dịch truyền thông "K=K" từ năm 2019 và duy trì liên tục tới nay. Đây là chiến dịch nhấn mạnh, nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt, đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Chiến dịch được triển khai hiệu quả ở nhiều tỉnh, thu hút sự quan tâm của người dân và đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông. Các nền tảng như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok được sử dụng để truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Các trang fanpage tổ chức livestream tư vấn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và dễ tiếp cận cho giới trẻ giúp cho nhóm chiếm tỉ lệ lây nhiễm mới cao nhất hiện nay thêm kiến thức phòng, chống HIV, tiến tới ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm này.
Ngoài ra, mô hình tiếp cận cộng đồng qua đồng đẳng viên là mô hình hiệu quả giúp đưa thông điệp phòng, chống HIV/AIDS đến những nhóm khó tiếp cận nhất như MSM, người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm. Đồng đẳng viên chính là những người trong cộng đồng, có trải nghiệm tương tự, nên dễ tạo sự tin cậy và chia sẻ. Họ góp phần đưa người có nguy cơ đi xét nghiệm, tiếp cận PrEP và điều trị ARV khi cần thiết.
Mặc dù ngành y tế đang rất nỗ lực trong công tác ngăn chặn lây nhiễm mới HIV, tuy nhiên công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức tồn tại. Cụ thể, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn là rào cản lớn khiến nhiều người e ngại xét nghiệm hoặc điều trị, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
Thiếu nguồn lực tài chính, đặc biệt khi các nguồn viện trợ quốc tế giảm dần, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì các chiến dịch truyền thông diện rộng.
Sự thay đổi mô hình lây truyền, từ tiêm chích sang đường tình dục, đòi hỏi truyền thông phải thay đổi nội dung, hình thức và đối tượng trọng tâm.
Ngoài ra, độ phủ truyền thông không đồng đều giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Một số địa phương vùng sâu vùng xa vẫn còn hạn chế trong tiếp cận các thông tin khoa học, chính xác về HIV/AIDS.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư vào truyền thông đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trên nền tảng số, để tiếp cận giới trẻ và các nhóm nguy cơ cao. Bên cạnh đó, mở rộng chương trình tự xét nghiệm HIV, kết hợp truyền thông trực tuyến, để tăng khả năng phát hiện sớm ca nhiễm.
Tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ đồng đẳng viên, tình nguyện viên tại cộng đồng – lực lượng nòng cốt đưa thông điệp truyền thông đến đúng người, đúng lúc; Lồng ghép giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS vào trường học, tạo nền tảng thay đổi hành vi từ sớm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác huy động sự vào cuộc của các tổ chức tôn giáo, đoàn thể, doanh nghiệp, nhằm nhân rộng sức lan tỏa thông điệp phòng, chống HIV/AIDS trong toàn xã hội.
Truyền thông thay đổi hành vi đã và đang là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Nhờ sự linh hoạt trong cách tiếp cận, phù hợp với từng đối tượng và địa phương, truyền thông không chỉ nâng cao nhận thức mà còn làm thay đổi hành vi nguy cơ, góp phần ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Hiệu quả của công tác truyền thông khi được triển khai bài bản, đồng bộ và bền vững sẽ góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Thùy Chi