Vai trò quan trọng của các tổ chức CBO trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích

16/08/2022 17:11

(Chinhphu.vn) - Các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ xét nghiệm HIV, PrEP, ART và đa dạng hóa các phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Vai trò quan trọng của các tổ chức CBO trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích - Ảnh 1.

Sự kiện truyền thông phòng chống HIV/AIDS của một số nhóm đồng đẳng viên hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng rất nhanh ở nhóm MSM

Trong những năm gần đây, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này tăng rõ rệt. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thì trong 10 năm trở lại đây thì số người nhiễm mới HIV trong nhóm MSM đã tăng lên gấp 6 lần. Nhóm MSM hiện có khoảng 300.000 người. Tỉ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ năm 2012 đến 2020 tăng gần 6 lần, từ 2,3% lên 13,3%.

Không chỉ dừng lại con số đáng báo động như ở trên, lây nhiễm HIV trong nhóm MSM còn được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Có rất nhiều lý do làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm này, điển hình như: Hành vi tình dục: Chủ yếu qua đường hậu môn. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua giao hợp qua đường hậu môn cao hơn so với giao hợp qua âm đạo. Nguyên nhân là do niêm mạc ở trực tràng dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo. Nếu không áp dụng biện pháp bảo vệ, làm tăng nguy cơ nhiễm một số bệnh lây truyền qua tình dục như nhiễm HIV, chlamydia, lậu, herpes…

Ngoài ra, nhóm MSM thường có nhiều bạn tình. Hoặc có những trường hợp còn sử dụng chất liên quan đến tình dục - là việc sử dụng chất ngay trước và trong khi quan hệ tình dục để khởi đầu, duy trì hoặc cải thiện chất lượng của quan hệ tình dục. Sở dĩ ở MSM tỷ lệ sử dụng chất liên quan đến tình dục cao là do quan hệ tình dục ở nhóm này có nhiều rào cản và những người MSM muốn sử dụng chất để vượt qua các rào cản và có cảm nhận khác biệt.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở đâu có tỉ lệ STD cao ở đó có sự gia tăng HIV/AIDS. Ngược lại, vùng nào can thiệp, phòng chống STD tốt, tỉ lệ nhiễm HIV sẽ rất thấp. Như vậy, có thể nói STD vừa là bạn đồng hành, vừa là yếu tố nguy cơ, vừa là yếu tố chỉ điểm của HIV/AIDS. Hay nói cách khác cả STD và HIV/AIDS đều có chung các yếu tố nguy cơ cao là quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người.

CBOs - Những cánh tay dài giúp đối tượng đích tiếp cận dịch vụ

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, do dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm MSM, do đó ngành y tế đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm này như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP trực tiếp, PrEP lưu động, PrEP trực tiếp...), điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nhưng với nhiều lí do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện. Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ HIV trong nhóm MSM còn hạn chế nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Chính vì vậy, sự tham gia của các tổ chức vì cộng đồng CBO là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ.

Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà, thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.

Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.

BS Minesh Shah, Cố vấn Trưởng về Y tế - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, để ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm MSM thì các tổ chức dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ xét nghiệm, PrEP, ART. Đồng thời, giúp đa dạng hóa các phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong việc hỗ trợ CDC các tỉnh/ thành phố cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam là một trong những tổ chức hỗ trợ lâu dài nhất cho Việt Nam trong việc ứng phó với dịch HIV/AIDS. Tính đến quý 2 năm 2022, thông qua các dự án, PEPFAR/CDC đã hỗ trợ Việt Nam xét nghiệm cho hơn 44.000 khách hàng là MSM/LGBTIQ+, 23.000 khách hàng sử dụng PrEP và hỗ trợ cho 85.000 người điều trị ARV trên cả nước.

Các kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức hoạt động vì cộng đồng. Ngày nay, tổ chức cộng đồng ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Từ tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm nguy cơ cao, chăm sóc hỗ trợ tại nhà cho người sống chung với HIV, giúp họ tuân thủ điều trị đến các hỗ trợ tâm lý, tư vấn và kết nối pháp lý. Đặc biệt là các mạng lưới ra đời từ cộng đồng đích đem lại kết nối và hỗ trợ đặc biệt có thể kịp thời trợ giúp bất kì trường hợp nào ở địa phương nào.

Ông Tống Văn Nam, Tổ chức Kết Nối Trẻ, đại diện nhóm cộng đồng cho biết, những nỗ lực và đóng góp không mỏi mệt của các tổ chức cộng đồng đã được ghi nhận xứng đáng, khi mà có tới 25-50% ca nhiễm mới mỗi năm được phát hiện và đưa vào điều trị nhờ các tổ chức cộng đồng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình dịch tại  Việt Nam gia tăng mạnh trong nhóm MSM, thì những đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức hoạt động vì cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng rõ rệt, góp phần không nhỏ trong những nỗ lực hướng tới các mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS.

Để tiếp tục hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, nâng cao kỹ năng, hỗ trợ cho các tổ chức vì cộng đồng, BS Minesh Shah nhấn mạnh, trong thời gian tới, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác và đặc biệt các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực tài chính nhằm bảo đảm nhóm đối tượng đích MSM cũng như cộng đồng LGBTIQ+ đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu, bất kể nơi nào mà họ đang sinh sống, hay làm việc tại Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp của các tổ chức hoạt động vì cộng đồng đã thực hiện trong thời gian qua, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) mong rằng các tổ chức dựa vào cộng đồng sẽ ngày càng phát huy vai trò thủ lĩnh, phát huy tính sáng tạo trong công việc, có nhiều ý tưởng mới trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, là cánh tay nối dài của các CDC tỉnh, thành phố trong việc tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Thùy Chi

Top