Việt Nam là tấm gương sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

30/11/2024 08:11

(Chinhphu.vn) - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho các quốc gia khác học tập trong vai trò lãnh đạo để duy trì bền vững và ứng phó với dịch HIV.

Việt Nam đạt tỉ lệ ức chế virus HIV cao nhất

Năm 2003, Chính phủ Hoa Kỳ khởi động Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống về phòng, chống AIDS (PEPFAR). Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á nhận được hỗ trợ.

Việt Nam là tấm gương sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho các quốc gia khác học tập trong vai trò lãnh đạo để duy trì bền vững và ứng phó với dịch HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Là một nước trọng điểm trong giai đoạn đầu của PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ đã trở thành nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với ngân sách hằng năm khoảng năm 40 triệu USD.

Cùng với Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua.

PEPFAR có thế mạnh trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cung cấp dịch vụ từ tìm ca, đến kết nối, điều trị và dự phòng và triển khai các sáng kiến như: Đưa nhiều hình thức và mô hình xét nghiệm vào công tác tìm ca như tư vấn xét nghiệm bạn tình, bạn chích cải thiện tỷ lệ dương tính, chương trình dự phòng PrEP với các hoạt động tạo cầu và cải thiện chất lượng, và việc xét nghiệm phát hiện nhiễm mới, thiết lập hỗ trợ các phòng tham chiếu, hoạt động cấp phát thuốc nhiều tháng, các mô hình điều trị HIV sớm và hiệu quả, các chiến lược phát hiện và dự phòng Lao cho người có HIV.

Gần đây, PEPFAR hỗ trợ kỹ thuật triển khai sàng lọc và quản lý các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu,... hướng tới chăm sóc toàn diện lấy con người làm trung tâm.

PEPFAR cũng đã hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phát triển các hướng dẫn quốc gia dựa trên việc triển khai thí điểm các mô hình sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ đó có thể triển khai trên toàn quốc.

PEPFAR đã chủ trì các sáng kiến tài chính bền vững trong đó có mở rộng chi trả của Quỹ BHYT cho các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS, hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng và phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính nhằm tăng chủ động từ các nguồn tài chính trong nước cho HIV/AIDS.

PEPFAR cũng hợp tác và hỗ trợ quá trình Chính phủ Việt Nam dần tự chủ thực hiện ứng phó với HIV, đồng thời có sự tham gia chiến lược của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự để đưa các dịch vụ HIV đến gần hơn với cộng đồng và thúc đẩy năng lực của họ.

Thông qua sự hợp tác thành công giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Y tế, Việt Nam đã đạt tỉ lệ ức chế virus cao nhất được báo cáo trong các chương trình do PEPFAR hỗ trợ trên toàn cầu: 98% bệnh nhân được PEPFAR hỗ trợ điều trị HIV đã đạt được ngưỡng ức chế virus, có nghĩa là sức khỏe của họ được bảo vệ và họ không thể lây truyền HIV cho bạn tình của mình.

Với sự hỗ trợ của PEPFAR, chiến dịch K=K được triển khai ở Việt Nam rất thành công như điểm sáng trên thế giới. Sự thành công của chiến dịch này không chỉ giúp người nhiễm HIV tuân thủ điều trị mà còn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Việt Nam đang tiến gần tới mục tiêu 95-95-95

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đánh giá Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc kiểm soát dịch HIV/AIDS và chuyển hoạt động ứng phó với HIV từ nguồn tài trợ nước ngoài sang nguồn tài chính trong nước.

Việc lồng ghép hoạt động ứng phó HIV vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia đã mang lại kết quả là hiện nay khoảng 87% trong số 183.000 người sống chung HIV hiện đang điều trị bằng thuốc kháng virus ARV từ nguồn bảo hiểm y tế.

"Ngoài ra, các nguồn lực trong nước cũng cung cấp tài chính cho chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone thành công, với việc mở rộng quy mô cung cấp methadone mang về nhà cho bệnh nhân hiện đang phát triển mạnh mẽ", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhấn mạnh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đánh giá, Chính phủ Việt Nam luôn đi đầu trong khoa học, ủng hộ phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và các cải tiến khác trong điều trị và dự phòng. PrEP là một phương pháp đã được chứng minh và hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của HIV. Các dịch vụ PrEP linh hoạt và thân thiện của Việt Nam giúp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các quần thể có nguy cơ.

"Chúng tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam có tỉ lệ sử dụng PrEP cao nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trên cả Thái Lan và Úc. Xin chúc mừng thành tích mà Việt Nam đã đạt được. Với việc lập chương trình thận trọng và sự giám sát sát sao của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu 95-95-95 của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vào năm 2030 và bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ một cách công bằng", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho hay.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper ghi nhận vai trò dẫn dắt của UNAIDS trên toàn cầu và ở Việt Nam trong việc hỗ trợ ứng phó thành công với HIV và các mục tiêu bền vững. Chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2024 (1/12) của UNAIDS là "lấy quyền con người làm trung tâm", tập trung vào sự công bằng và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, việc Việt Nam có khả năng duy trì tác động của các thành tựu điều trị và phòng ngừa sau năm 2030 sẽ là một cột mốc quan trọng. Con đường của Việt Nam nhất quán với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2024 của Chính phủ Hoa Kỳ là "Hành động chung: Duy trì và đẩy nhanh tiến trình ứng phó HIV". Lộ trình này cũng giúp hoàn thành mục tiêu Kế hoạch chiến lược toàn diện đã được Tổng thống Biden và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký trong cuộc gặp lịch sử ngày 10/9/2023 tại Hà Nội.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhấn mạnh, với những gì Việt Nam đã đạt được cho đến nay, tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có sự cam kết mạnh mẽ về chính trị, chương trình, kỹ thuật và tài chính ở các cấp trung ương, địa phương để thu hút sự tham gia đa ngành ở tất cả các cấp và huy động sự tham gia của cộng đồng.

"Khi Hoa Kỳ và Việt Nam cùng hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ song phương vào năm 2025, tôi cam kết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho sự thành công của Việt Nam. Tôi mong rằng Việt Nam tiếp tục giữ vững các kết quả đã đạt được và tiếp tục hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhằm bảo đảm bền vững các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030', Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhấn mạnh.

Thùy Chi

hiv
}
Top