Việt Nam ứng phó toàn diện trong công tác phòng chống HIV/AIDS

10/05/2023 18:31

(Chinhphu.vn) - Ngài Đại sứ John. Nkengasong, Đại sứ PEPFAR toàn cầu nhấn mạnh, Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc thích ứng với những đổi mới, tiến bộ khoa học để triển khai ứng phó toàn diện trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) hợp tác và hoạt động tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc với Ngài Đại sứ John. Nkengasong, Điều phối viên Chương trình AIDS Toàn cầu và Đại diện về Ngoại giao Y tế của Hoa Kỳ (Đại sứ PEPFAR toàn cầu).

Cùng dự buổi làm việc với Bộ trưởng về phía Bộ Y tế còn có Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế.

Về phía Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam có bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; phía PEPFAR có bà Lin C Liu, Điều phối viên chương trình PEPFAR tại Việt Nam; ông Eric Dzuiban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Về phía Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, bệnh lao và sốt rét có ông Peter Sands – Giám đốc điều hành; Ông Olivier – Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam.

Việt Nam ứng phó toàn diện trong công tác phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao quà lưu niệm Ngài Đại sứ John N. Nkengasong. Ảnh: Thùy Chi

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được HIV trên cả 3 tiêu chí đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam đã giữ vững tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%.

Theo Bộ trưởng, có được những kết quả này, ngoài sự nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống, kiểm soát HIV/AIDS, còn có sự ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành của bạn bè quốc tế. Cùng với Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua. 

Bộ trưởng cũng chia sẻ với Ngài Đại sứ về những thông tin chung hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong phòng chống HIV/AIDS; một số kết quả chính của PEPFAR trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Theo đó, kể từ năm 2004 khi Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS. PEPFAR hiện đang hỗ trợ tại 11 tỉnh trọng điểm có số người nhiễm còn sống chiếm 45.2 % trên cả nước.

Trong gần 20 năm qua, PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã có lúc hỗ trợ tới 90% thuốc ARV cho người nhiễm HIV đã giúp kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn một trăm ngàn người nhiễm HIV.

Tại buổi tiếp hai bên đã cùng trao đổi, thảo luận thêm về mối quan hệ hợp tác thời gian qua, đồng thời Bộ Y tế cũng đưa ra một số đề xuất hợp tác thời gian tới.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên đặc biệt là hỗ trợ cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm và cung ứng thuốc, hàng hóa và vật tư y tế.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm; Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật củng cố và mở rộng các hoạt động giám sát HIV (giám sát trọng điểm, giám sát ca bệnh, giám sát mới nhiễm) để kịp thời phát hiện điểm nóng của HIV, cũng như đánh giá kịp thời tiến độ và các hoạt đọng của các can thiệp HIV…

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng mô hình chăm sóc, điều trị toàn diện cho người sử dụng và nghiện các chất ma tuý bao gồm cả các rối loạn do sử dụng chất gây ra. Trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả của 11 tỉnh, thành đã triển khai, PEPFAR mở rộng hỗ trợ thêm các tỉnh, thành khác.

Ngoài ra trước tình hình dịch đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới, Bộ Y tế đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV đang tăng nhanh trong nhóm này…

Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh việc Việt Nam tiếp tục cam kết cùng với hỗ trợ của PEPFAR để tiếp tục xây dựng các cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động.

Phát biểu tại buổi tiếp, Ngài Đại sứ John. Nkengasong nhấn mạnh việc Việt Nam nổi bật như một ví dụ toàn cầu về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước thông qua chương trình BHYT trong phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc thích ứng với những đổi mới, tiến bộ khoa học để triển khai ứng phó toàn diện.

Một yếu tố quan trọng khác cho sự thành công của Việt Nam là khả năng thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các bộ và cơ quan ở cấp quốc gia, đến các cơ quan cấp tỉnh, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân đang phát triển nhanh và các thành viên tận tâm của cộng đồng và các tổ chức dựa vào cộng đồng... Đánh giá cao những đề xuất của phía Bộ Y tế Việt Nam, Ngài Đại sứ John N. Nkengasong khẳng định, PEPFAR sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật ở những khu vực điểm nóng về HIV/AIDS.

Thùy Chi

Top