Xây dựng 'bức tường thành' bảo vệ học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma tuý

10/09/2024 16:58

(Chinhphu.vn) - Hơn 20 triệu học sinh trên cả nước vừa bước vào năm học mới 2024-2025. Để trường học thực sự là môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công tác phòng chống ma túy trong học sinh, sinh viên cũng được đặc biệt chú trọng.

Xây dựng 'bức tường thành' bảo vệ học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma tuý- Ảnh 1.

Công an TP.Hà Nội tố chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Báo động trẻ em nghiện ma tuý 

Thời gian qua, tệ nạn ma túy tiếp tục xâm nhập vào học đường, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15 tuổi.

Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy túy tổng hợp thì có tới 70% - 75% người trong độ tuổi 17 - 35 tuổi, chiếm tỉ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), học sinh, sinh viên là những đối tượng trẻ tuổi, dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới nên đã và đang trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.

Trong khi đó, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, các đối tượng đã sản xuất rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang núp bóng dưới dạng: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử... để đối phó với cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 4 trường hợp cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật về ma túy; 61 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ma túy, trong đó 30 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm hành chính về ma túy, 31 trường hợp học sinh, sinh viên phạm tội về ma túy.

Thượng tá Trần Ngọc Hiển, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, trước đây để phòng chống ma túy học đường, hai ngành Công an và GD&ĐT đã phối hợp nhiều chương trình. Tuy nhiên, sự phối hợp này còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự đồng bộ mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Đầu năm 2024, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã ký kết Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma tuý trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030.

Có thể nói đây là Chương trình đầu tiên thể hiện sự phối hợp giữa 2 Bộ theo các cấp của hệ công tác, từ cấp Bộ, tỉnh, huyện đến xã trong trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Triển khai chương trình, thời gian qua, Sở GD&ĐT các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng "Nhà trường không ma tuý", đưa nội dung giáo dục phòng chống ma tuý vào chương trình giảng dạy dưới dạng lồng ghép, tích hợp trong các môn học có liên quan và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ.

Các đơn vị, trường học đã chỉ đạo lồng ghép các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy vào phong trào thi đua "Xây dựng trường học hạnh phúc"; lập hòm thư tố giác tội phạm; tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn không tệ nạn xã hội, không ma tuý.

Nhiều địa phương đã xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác phòng chống ma túy ở các trường học như mô hình: "Trường học nói không với ma tuý"; "Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường", Câu lạc bộ "Tuổi trẻ phòng, chống ma túy"; xây dựng và duy trì hoạt động website, Facebook, Fanpage nhằm chia sẻ trên mạng các thông tin về hoạt động của trường, đoàn trường; đồng thời định hướng giáo dục trên không gian mạng.

Một số cơ sở giáo dục đã xây dựng lực lượng học sinh nòng cốt giúp nhà trường kịp thời nắm bắt những thông tin xấu trong bạn bè; xây dựng góc truyền thông về phòng chống ma túy, phân công mỗi chi đoàn, chi đội phụ trách cập nhật nội dung thông tin, trang trí bảng tin theo tuần hoặc theo tháng.

Thông qua các mô hình, các điển hình, các phong trào đã từng bước nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức cảnh giác của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Tính đến ngày 30/6/2024, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức gần 20.000 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ma túy, thu hút gần 3,5 triệu học sinh, sinh viên và cán bộ công nhân viên tại các cơ sở giáo dục tham gia.

Trong đó có 16 địa phương tổ chức cho học sinh, sinh viên và cán bộ, công nhân viên ký cam kết tuân thủ pháp luật về ma túy, không sử dụng ma túy và không để xảy ra tình trạng nghiện ma túy; biên soạn hơn 7.500 tài liệu tuyên truyền; chia sẻ gần 2.000 tin bài trên mạng xã hội; tố chức 132 buổi tọa đàm, sân khấu hóa; 8/63 địa phương tố chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy.

Xây dựng 'bức tường thành' bảo vệ học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma tuý- Ảnh 2.

Các hoạt động tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức về tác hại của ma túy, giáo dục kỹ năng phòng chống ma tuý cho học sinh các cấp

Bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xung quanh trường học

Công an các địa phương đã tiến hành thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên trên địa bàn quản lý để tích hợp trong hồ sơ điều tra cơ bản lĩnh vực quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; thường xuyên trao đổi với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để kịp thời trao đổi thông tin, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xung quanh trường học; tăng cường quản lý học sinh, sinh viên, chủ động rà soát, kịp thời phát hiện học sinh có dấu hiệu liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, xử lý theo quy định, bảo đảm môi trường giáo dục, học tập an toàn, văn minh, không để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật về ma túy hoặc dụ dỗ lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia tệ nạn ma túy, nhất là ma túy "núp bóng" dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.

Thông qua đó đã góp phần xây dựng mỗi trường học trở thành một "bức tường thành" bảo vệ học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma tuý; tạo môi trường học đường an toàn, lành mạnh để các em học sinh, sinh viên học tập và phát triển.

Trong thời gian tới, hai Bộ tiếp tục phối hợp hướng dẫn triển khai các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, lực lượng Công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và gia đình trong công tác quản lý học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học 2024 - 2025; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội trong công tác phòng chống ma tuý.

Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc. Tố chức biên tập, xuất bản tài liệu tuyên truyền phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục.

"Chúng tôi đang xây dựng tài liệu tập huấn đào tạo cho 4 cấp, kỳ vọng là sẽ đưa vào chương trình ngoại khóa cấp 1, 2, 3 và cấp đại học. Bộ tài liệu dự kiến ban hành vào tháng 10 với khoảng 40 clip về các tình huống cụ thể và sẽ được chuyển cho các địa phương", Thượng tá Trần Ngọc Hiển cho biết.

Bên cạnh đó, lực lượng công an sẽ tổ chức rà soát, phát hiện người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở giáo dục để đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện, thực hiện công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định.

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý trong các quán bar, karaoke, vũ trường, các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại khu vực trường học.

Kịp thời phát hiện các hành vi mua bán các loại ma tuý, nhất là ma túy "núp bóng" (thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma tuý) xung quanh trường học, trên không gian mạng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Hoàng Giang



}
Top