Bảo đảm cung ứng đủ thuốc ARV điều trị cho hơn 213 nghìn người nhiễm HIV đến cuối 2025

20/05/2025 12:26

(Chinhphu.vn) - Trong đó, 85% được điều trị ARV từ nguồn BHYT, 15% từ nguồn Quỹ Toàn cầu tài trợ và ngân sách nhà nước; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do rủi ro của kỹ thuật y tế và tham gia cứu nạn.

Bảo đảm người bệnh sử dụng thuốc ARV đúng tiêu chí sử dụng

Đại diện Bộ Y tế cho biết, tiêu chí sử dụng đối với nguồn BHYT, người nhiễm HIV đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Người lớn và trẻ em điều trị ARV sử dụng các thuốc ARV thuộc danh mục thuốc được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); Có thẻ BHYT còn giá trị sử dụng; Điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Bảo đảm cung ứng đủ thuốc ARV điều trị cho hơn 213 nghìn người nhiễm HIV đến cuối 2025- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Nguồn Quỹ Toàn cầu tài trợ gồm: Trẻ nhiễm HIV và trẻ có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Người nhiễm HIV điều trị các thuốc ARV chưa có trong kế hoạch cung ứng thuốc từ nguồn BHYT và ngân sách nhà nước; Người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV bị gián đoạn thẻ BHYT; người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT hoặc ngân sách nhà nước chi trả trong giai đoạn các thuốc này chưa hoặc không mua được.

Nguồn ngân sách nhà nước gồm những người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; Người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; Phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV; Người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.

Các thuốc ARV và các phác đồ điều trị nhiễm HIV/AIDS được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tại Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS ban hành tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2024.

Trong năm 2025, có 03 nguồn cung cấp chủ yếu thuốc ARV điều trị nhiễm HIV gồm: Nguồn do Quỹ BHYT chi trả; Nguồn do Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ; Nguồn ngân sách nhà nước chi trả.

Bộ Y tế yêu cầu Cục Phòng bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương theo dõi giám sát tình hình điều trị, mức độ sử dụng, tồn kho thuốc trên Cổng quản lý điều trị và dự phòng HIV (HMED) tại địa chỉ: dieutri.vaac.gov.vn và các báo cáo về tình hình sử dụng, tồn kho thuốc ARV của các cơ sở y tế.

Giám sát định kỳ tình hình điều trị, mức độ sử dụng, tồn kho thuốc tại các cơ sở điều trị. Hướng dẫn các cơ sở điều trị sử dụng số liệu để xác định các vấn đề và các can thiệp cần được thực hiện để đảm bảo duy trì thuốc điều trị cho người bệnh, cải thiện chất lượng lập kế hoạch, quản lý sử dụng và điều tiết thuốc ARV tại địa phương.

Các cơ sở y tế sử dụng thuốc ARV thực hiện chỉ định và kê đơn thuốc ARV điều trị nhiễm HIV theo Hướng dẫn hiện hành của Bộ trưởng Bộ Y tế về điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cùng các văn bản hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế, bảo đảm người bệnh sử dụng thuốc ARV đúng tiêu chí sử dụng thuốc các nguồn quy định tại Quyết định này và chỉ được sử dụng một loại thuốc từ một nguồn tại một thời điểm điều trị.

Đối với các thuốc ARV được mua sắm trong nước: các cơ sở y tế căn cứ các quy định tại Thỏa thuận khung và Hợp đồng đã ký với nhà thầu, tình hình tồn kho cùng nhu cầu điều trị lập kế hoạch nhu cầu thuốc hằng quý hoặc đột xuất gửi nhà thầu trúng thầu để được cung ứng thuốc hoặc gửi Cơ quan đầu mối phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố, Cục Phòng bệnh để được điều tiết theo quy định trong các Thỏa thuận khung đã được Trung tâm mua sắm tập trung ký với nhà thầu cung ứng thuốc.

Đối với các thuốc ARV do Quỹ toàn cầu viện trợ: các cơ sở y tế căn cứ tình hình tồn kho, nhu cầu sử dụng, lập kế hoạch nhu cầu sử dụng hoặc điều chuyển thuốc gửi Cơ quan đầu mối phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố để được cung ứng, điều tiết nhằm bảo đảm người bệnh không bị thiếu thuốc điều trị và sử dụng hiệu quả nguồn thuốc ARV được viện trợ.

Tiếp nhận thuốc ARV các nguồn theo quy định; thực hiện bảo quản thuốc ARV đúng quy định của Bộ Y tế và nhà sản xuất; Báo cáo số lượng người bệnh điều trị ARV, tình hình sử dụng, tồn kho thuốc ARV các nguồn tại cơ sở điều trị gửi cơ quan đầu mối trong công tác Phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố để tổng hợp gửi Cục Phòng bệnh; cập nhật báo cáo lên HMED tại địa chỉ: dieutri.vaac.gov.vn đúng thời gian quy định; Gửi biên bản giao nhận thuốc và thực hiện quyết toán thuốc ARV nguồn Quỹ Toàn cầu viện trợ hằng quý về Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố theo hướng dẫn của Cục Phòng bệnh và Dự án Quỹ Toàn cầu.

Người nhiễm HIV hiện đang được điều trị tại 496 cơ sở điều trị

Theo số liệu thống kê, ước tính hơn 267.000 người nhiễm HIV trên cả nước. Trong năm 2024, 13.351 trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV và 1.905 trường hợp tử vong. Theo số liệu giám sát, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới từng năm có xu hướng giảm từ 19.784 ca (năm 2010) giảm xuống còn 10.211 ca (năm 2019). Từ năm 2020 đến nay, số lượng ca nhiễm HIV mới phát hiện có xu hướng gia tăng trở lại, trung bình hơn 13.000 ca/năm.

Riêng trong năm 2024, số ca nhiễm HIV được phát hiện mới là 13.351 ca, số ca nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 1.905 ca. Tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng tăng, chiếm 83,2% vào năm 2023.

Trong những năm gần đây, tỉ lệ người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16-29 có dấu hiệu tăng, từ 33% năm 2017 tăng lên 46,7% vào năm 2023. Riêng trong năm 2024, tỉ lệ trong nhóm 16-29 tuổi là 37,7%, trong nhóm 30-39 tuổi là 31,5%.

Trong giai đoạn 2021-2024, số liệu giám sát dịch HIV cho thấy tỉ lệ lây truyền HIV qua đường máu giảm từ 9,8% (2021) xuống 6% (2023), nhưng tăng trở lại là 8,3% vào năm 2024. Lây truyền qua đường tình dục chiếm tỉ lệ cao nhất, đạt đỉnh 82,8% vào năm 2022, duy trì ở mức cao là 73,6% vào năm 2024. Trong khi đó, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con luôn duy trì ổn định ở mức thấp, giảm từ 1,2% (2021) xuống 1% vào năm 2024.

Theo kết quả ước tính và dự báo, quan hệ tình dục không an toàn giữa nam giới (ước tính chung gồm cả nhóm chuyển giới nữ và nam bán dâm) đang có xu hướng là đường lây nhiễm HIV chủ yếu, chiếm tỉ lệ lây nhiễm HIV lớn nhất (khoảng gần 45%) trong năm 2030; tiếp đến là đường lây nhiễm HIV qua sử dụng chung bơm kim tiêm (chiếm 27,5%) và đường lây nhiễm từ chồng nhiễm HIV sang vợ (chiếm 18,3%).

Số người nhiễm HIV được điều trị ARV đến hết tháng 12/2024 là 184.214 người, trong đó có 2.365 trẻ em. Người nhiễm HIV hiện đang được điều trị tại 496 cơ sở y tế, điều trị trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các phác đồ ARV điều trị người nhiễm HIV được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 về Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS.

Theo đó, người nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV sẽ được điều trị ARV phác đồ bậc 1 với các phác đồ ưu tiên, phác đồ thay thế và phác đồ đặc biệt. Trường hợp người bệnh bị thất bại điều trị các phác đồ ARV đang sử dụng sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị tiếp tục bằng phác đồ ARV bậc 2 hoặc bậc 3.

Trong số người bệnh đang điều trị ARV hiện nay, có 95% điều trị ARV phác đồ bậc 1 hiện nay và 5% điều trị ARV phác đồ bậc 2. Hiện chưa có trường hợp người bệnh được điều trị ARV phác đồ bậc 3. Các thuốc ARV phác đồ bậc 1 hiện nay chủ yếu thuộc nhóm phác đồ ưu tiên Lamivudine-Tenofovir disoproxil fumarat-Dolutegravir 300/300/50mg (TLD) với tỉ lệ là 88,7%; phác đồ thay thế Lamivudine-Tenofovir disoproxil fumarat-Efavirenz 300/300/400mg (TLE400) chiếm 4,5%.

Ngoài ra, người bệnh HIV còn điều trị các phác đồ ARV khác với tỉ lệ là 6,8%. Trong đó, tỉ lệ người bệnh điều trị thuốc ARV phác đồ bậc 2 là 5%. Các phác đồ ARV bậc 2 hiện chủ yếu sử dụng phác đồ có thuốc Lopinavir/ritonavir 200/50mg, phác đồ có dolutegravir50mg.

Các thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV trong năm 2024 được điều trị chủ yếu từ 03 nguồn: Nguồn do Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả; Nguồn do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ toàn cầu) và Tổ chức Y tế thế giới viện trợ; Nguồn do ngân sách nhà nước (NSNN) chi trả.

Trong năm 2023- 2024 Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành một số các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách tác động đến việc lập kế hoạch xác định nhu cầu mua sắm, lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc kháng HIV điều trị nhiễm HIV/AIDS.

Đối với thuốc kháng HIV được đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập: Ngày 17/5/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư đã quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu theo hướng mua sắm tập trung cấp quốc gia, mua sắm tập trung cấp địa phương, cơ sở y tế tự mua sắm và mua sắm theo quy định tại mua sắm thuốc theo quy định tại khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu.

Thực tế năm 2025, bên cạnh 06 thuốc ARV được mua trước thời điểm Thông tư số 07/2024/TT-BYT có hiệu lực (ngày 17/5/2024) được mua sắm tập trung và thanh toán tập trung cấp quốc gia thì có 01 khoản thuốc là TLD được mua sắm theo quy định tại khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu (do việc mua sắm thuốc này thực hiện sau ngày 17/5/2024).

Theo đó, Bộ Y tế giao Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia chịu trách nhiệm lựa chọn nhà thầu đối với thuốc TLD căn cứ nhu cầu mua sắm thuốc này của các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc. Nhu cầu mua sắm được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (nay là Cục Phòng bệnh) tổng hợp, gửi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Tuy nhiên, Thông tư số 07/2024/TT-BYT chưa có quy định việc điều tiết thuốc đối với hình thức mua sắm theo quy định khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu. Vì vậy, các cơ sở y tế theo dõi 12 chặt chẽ tình hình sử dụng, tồn kho thuốc TLD tại cơ sở của mình để có hướng xử trí phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng được nhu cầu thuốc điều trị cho người bệnh HIV cũng như việc sử dụng thuốc theo quy định trong hợp đồng cung ứng thuốc với nhà thầu.

Đối với thuốc kháng HIV do các Tổ chức trong nước và quốc tế viện trợ: Ngày 28/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Theo đó, Điều 51 Nghị định quy định việc phân phối thuốc do tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ được thực hiện như sau: "1. Đối với thuốc kháng HIV tài trợ cho Chính phủ thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm tiếp nhận, phê duyệt kế hoạch nhu cầu, phân phối và điều tiết thuốc kháng HIV trên phạm vi toàn quốc; 2. Đối với thuốc kháng HIV tài trợ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về y tế được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền chịu trách nhiệm tiếp nhận, phê duyệt kế hoạch nhu cầu, phân phối và điều tiết thuốc kháng HIV trên địa bàn quản lý".

Đại diện Bộ Y tế cho biết, căn cứ quy định này, cuối tháng 3/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1053/QĐ-BYT về việc giao nhiệm vụ tiếp nhận, phê duyệt kế hoạch nhu cầu, phân phối và điều tiết thuốc kháng HIV trên phạm vi toàn quốc đối với thuốc kháng HIV do tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho Chính phủ. Căn cứ nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Y tế giao tại Quyết định số 1053/QĐ-BYT trên, hiện nay Cục Phòng bệnh đang thực hiện nhiệm vụ phân phối thuốc kháng HIV miễn phí do các Tổ chức viện trợ cho Chính phủ.

Thùy Chi

hiv
}
Top