Hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV: Giải pháp giảm nguồn lây và kháng thuốc

10/05/2025 11:51

(Chinhphu.vn) - Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, một trong những thách thức lớn hiện nay là bảo đảm người nhiễm HIV được điều trị liên tục, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế suy giảm.

Bệnh nhân HIV khi điều trị thuốc ARV phải điều trị liên tục, bền vững. Sự gián đoạn điều trị không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng và tạo ra chủng virus kháng thuốc, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm y tế (BHYT) nổi lên như một giải pháp chiến lược không chỉ để chia sẻ gánh nặng tài chính với người bệnh, mà còn là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu nguồn lây và ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

BHYT – Nguồn tài chính bền vững cho điều trị HIV

Tính đến hết tháng 12/2024, Việt Nam có 184.214 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.365 trẻ em. Ước tính, cả nước khoảng 267.000 người nhiễm HIV, với 87% biết tình trạng nhiễm của mình. Trong số này, 79% đang điều trị ARV và 95% trong nhóm này đã đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện – một thành tựu lớn trong y tế dự phòng.

Hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV: Giải pháp giảm nguồn lây và kháng thuốc- Ảnh 1.

Việc hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV là một bước tiến chiến lược trong ứng phó với dịch AIDS.Ảnh: VGP/Thùy Chi

Đáng chú ý, khoảng 96% người đang điều trị ARV đã có thẻ BHYT – một tấm "bảo hiểm sinh mạng" giúp họ được tiếp cận thuốc và dịch vụ y tế một cách ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 4–5% bệnh nhân điều trị ở khu vực tư nhân hoặc không đăng ký điều trị chính thống do sợ bị lộ danh tính.

Việc hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV là một bước tiến chiến lược trong ứng phó với dịch AIDS. Đây không chỉ là chính sách y tế, mà còn là hành động nhân đạo giúp bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của HIV. Khi người bệnh được điều trị đầy đủ, nguy cơ lây truyền gần như không còn – đó là lợi ích cho toàn xã hội.

Khó khăn khi viện trợ quốc tế giảm dần

Trước đây, nhiều chương trình điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam được hỗ trợ bởi các nguồn tài trợ quốc tế như PEPFAR, Quỹ Toàn cầu, UNAIDS... Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, viện trợ quốc tế đã giảm mạnh, thậm chí dự kiến sẽ chấm dứt hoàn toàn trong vài năm tới.

Chi phí điều trị HIV không hề nhỏ. Ngoài thuốc ARV, người bệnh cần xét nghiệm định kỳ, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và nhiều dịch vụ y tế khác. Với những người không có BHYT – phần lớn là lao động không chính thức, người dân tộc thiểu số, người chuyển giới, mại dâm, người từng sử dụng ma túy – việc tiếp cận điều trị trở nên khó khăn, dễ dẫn tới gián đoạn và hình thành kháng thuốc.

BS.CKII Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thuốc ARV phải được sử dụng đều đặn, đúng giờ và suốt đời. Nếu người bệnh vì khó khăn tài chính mà gián đoạn điều trị, nguy cơ kháng thuốc sẽ rất cao. Một khi đã kháng thuốc, việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Do đó, BHYT không chỉ là tấm thẻ y tế, mà là lá chắn bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những mô hình hiệu quả từ địa phương

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế và viện trợ quốc tế cắt giảm, nhiều địa phương đã chủ động ban hành các chính sách thiết thực để hỗ trợ người nhiễm HIV được tiếp cận và duy trì điều trị bằng thuốc ARV thông qua BHYT. Các mô hình này không chỉ giải quyết bài toán tài chính mà còn góp phần giảm kỳ thị, tăng cường sự gắn kết cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Là địa phương đi đầu cả nước với tỷ lệ người nhiễm HIV có BHYT đạt 98,4%. Thái Nguyên đã triển khai các biện pháp đồng bộ, bao gồm: hỗ trợ toàn bộ chi phí mua BHYT cho người bệnh khó khăn, mở rộng điểm cấp phát thuốc ARV đến tận tuyến huyện và xã, đồng thời tổ chức các cơ sở điều trị thân thiện, không phân biệt đối xử, kỳ thị.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, ngành y tế tỉnh xác định BHYT là yếu tố "sống còn" trong điều trị HIV. Hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT không chỉ là trách nhiệm y tế, mà còn là trách nhiệm an sinh xã hội. Bên cạnh ngân sách địa phương, địa phương còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia.

Tại Nghệ An, tỉnh đã thông qua Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ toàn bộ chi phí mua BHYT và phần đồng chi trả thuốc ARV cho người nhiễm HIV khó khăn. Trong năm 2024, hơn 1.000 người bệnh đã được thụ hưởng chính sách này. Nghệ An cũng tích cực triển khai xét nghiệm lưu động, phát hiện sớm và kết nối điều trị nhanh chóng.

Tại Tuyên Quang, Nghị quyết số 23/2024/NQ-HĐND được thông qua nhằm hỗ trợ phần kinh phí mua BHYT còn lại cho người nhiễm HIV chưa có thẻ, áp dụng từ năm 2025 đến 2030. Đây là bước đi quyết liệt để bảo đảm công bằng y tế tại vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Còn tại Khánh Hòa, địa phương đang chuẩn bị triển khai chính sách hỗ trợ mua BHYT và chi trả thuốc ARV từ quý II/2025. Dự thảo nghị quyết đã hoàn thiện, với trọng tâm là nhóm khó khăn, yếu thế, đặc biệt là người chuyển giới, lao động tự do.

Ngoài ra, nhiều tỉnh như TPHCM, Hà Nội, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang cũng đã triển khai các mô hình can thiệp linh hoạt như: Ký hợp đồng giữa Trung tâm Y tế và các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để chi trả BHYT cho người thuộc nhóm dễ tổn thương; Hỗ trợ cấp giấy xác nhận tình trạng HIV nhanh chóng để người bệnh được miễn/giảm chi phí khám chữa bệnh; Áp dụng công nghệ số để quản lý điều trị ARV và theo dõi quyền lợi BHYT.

Đặc biệt, tại TPHCM, với khoảng 30.000 người nhiễm HIV đang được quản lý, thành phố đã đưa vào hoạt động mô hình "Một cửa" tại các cơ sở y tế nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký khám, nhận thuốc ARV và cấp BHYT. Điều này giúp tăng tính sẵn sàng điều trị và giảm tỉ lệ bỏ điều trị, đặc biệt ở nhóm đồng tính nam và người chuyển giới.

Bà Nguyễn Thị Minh, cán bộ chương trình HIV tại TPHCM cho biết, khi người bệnh được hỗ trợ thủ tục từ A đến Z – từ xét nghiệm, khám bệnh đến mua BHYT – họ cảm thấy được đồng hành và tin tưởng vào hệ thống y tế. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì điều trị suốt đời.

Những mô hình trên cho thấy hiệu quả của việc lồng ghép chính sách y tế với công tác xã hội, truyền thông và vận động chính sách. Từng bước, các địa phương đã chứng minh rằng nếu được hỗ trợ đúng cách, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, lao động, học tập và đóng góp cho cộng đồng như mọi công dân khác.

Nền tảng vững chắc để Việt Nam kiểm soát dịch HIV/AIDS

Đưa ra các giải pháp để người nhiễm HIV tích cực hơn nữa trong việc tham gia BHYT, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng: Nâng cao nhận thức về lợi ích của BHYT trong điều trị HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Hỗ trợ tài chính cho người nhiễm HIV: Cung cấp hỗ trợ tài chính để người nhiễm HIV có thể mua thẻ BHYT, đặc biệt là những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, ngành y tế cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ thân thiện, bảo mật thông tin và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Tăng cường hợp tác giữa các ngành, phối hợp giữa ngành y tế, bảo hiểm xã hội và các tổ chức xã hội để triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV.

Việc hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV không chỉ là chính sách y tế nhân đạo, mà còn là giải pháp chiến lược để kiểm soát và kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam. Với 184.214 người đang điều trị ARV tính đến hết năm 2024, tỉ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 96%, Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 4–5% người bệnh điều trị ở khu vực tư nhân hoặc chưa có BHYT – đây là nhóm dễ bị tổn thương, cần được quan tâm đặc biệt.

Để đạt mục tiêu 95-95-95, cần tiếp tục mở rộng hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV. Cần có chính sách đồng bộ từ trung ương tới địa phương, kết hợp với truyền thông để xóa bỏ kỳ thị và tăng cường nhận thức cộng đồng. Khi tất cả những người nhiễm HIV đều được tiếp cận điều trị thông qua BHYT, đó sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam kiểm soát dịch HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu không còn ca nhiễm mới vào năm 2030.

Thùy Chi

hiv
}
Top