Bước tiến trong lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện

21/05/2025 16:13

(Chinhphu.vn) - HIV, viêm gan C và lao từ lâu đã trở thành những căn bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh này không chỉ giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bước đột phá trong việc tiếp cận người bệnh, tối ưu hóa thời gian và chi phí điều trị

Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh chương trình lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện. Đây được xem là bước đột phá trong việc tiếp cận người bệnh, tối ưu hóa thời gian và chi phí điều trị. Việc này nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, đặc biệt cho những người nhiễm HIV, nguy cơ cao nhiễm HIV, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone và các nhóm dễ bị tổn thương.

Bước tiến trong lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện- Ảnh 1.

Lấy măú xét nghiệm cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2024, Hà Nội đã phát hiện thêm 400 ca nhiễm HIV mới. Số người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại 19 cơ sở y tế là 9.527/9.635, đạt tỉ lệ 98,9%. Tất cả các cơ sở này đều thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV do Bộ Y tế chi trả. Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 100% (42/42 bệnh nhân).

Tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, chương trình thí điểm lồng ghép xét nghiệm tải lượng HCV và HIV trên hệ thống GeneXpert đã được triển khai từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2024, giúp người bệnh được xét nghiệm và điều trị miễn phí viêm gan C ngay tại tuyến quận, huyện, giảm thời gian và chi phí đi lại.

Anh Nguyễn Văn T., 38 tuổi, cư trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, là bệnh nhân đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế quận cho biết, anh được chẩn đoán nhiễm HIV cách đây hơn 2 năm. Ban đầu anh rất hoang mang và mất phương hướng, nhất là khi bác sĩ phát hiện anh nguy cơ nhiễm viêm gan C do từng tiêm chích ma túy.

"Trước đây, để xét nghiệm tải lượng viêm gan C phải ra bệnh viện tuyến thành phố, mất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Nhưng từ năm ngoái, Trung tâm y tế quận đã triển khai máy GeneXpert và hỗ trợ xét nghiệm ngay tại chỗ. Tôi được làm xét nghiệm miễn phí, sau đó nhận thuốc điều trị ngay trong 3 tháng. Đến nay, kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã âm tính với HCV RNA", anh T. cho hay.

Anh T. cũng chia sẻ thêm rằng điều khiến anh yên tâm hơn là không còn kỳ thị tại cơ sở điều trị: "Tôi thấy yên tâm hơn khi điều trị tại cơ sở gần nhà, không cần giấu giếm. Mọi người ở trung tâm y tế đều tôn trọng và khuyến khích tôi duy trì điều trị. Sức khỏe tôi khá hơn nhiều và tôi đang cố gắng ổn định công việc trở lại".

Còn tại Nghệ An, tính đến tháng 10/2024, Nghệ An đã ghi nhận tổng cộng 11.037 người nhiễm HIV, trong đó 6.651 người chuyển sang AIDS và 4.650 người tử vong.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, ngành y tế tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch điều trị viêm gan virus C cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao, bao gồm việc xây dựng quy trình chuyên môn về lồng ghép cung cấp dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị viêm gan virus C tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Kế hoạch này cũng bao gồm việc tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về chẩn đoán, theo dõi, chăm sóc và điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan virus C.

Cụ thể, tỉnh Nghệ An đặt ra các chỉ tiêu cụ thể cho năm 2025 như sau: 70% người bệnh HIV được làm xét nghiệm sàng lọc viêm gan virus C; 80% người bệnh HIV có kết quả sàng lọc viêm gan virus C dương tính được làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C; 50% người bệnh HIV đồng mắc viêm gan virus C được điều trị viêm gan virus C; Tỉ lệ điều trị khỏi viêm gan virus C ở người nhiễm HIV/viêm gan virus C đạt trên 95%.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ngành y tế Nghệ An đẩy mạnh các hoạt động: Thực hiện sàng lọc bệnh viêm gan virus C trên người nhiễm HIV, kết nối chuyển gửi người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đến các cơ sở có điều trị viêm gan C, đặc biệt đến các cơ sở điều trị viêm gan C được BHYT chi trả.

Bên cạnh đó, theo dõi, quản lý điều trị người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C; Mở rộng điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV, đặc biệt cho người bắt đầu điều trị ARV; phối hợp với cơ sở y tế chỉnh đốn và điều trị lao áp dụng các kỹ thuật sáng kiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở người nhiễm HIV.

Tại Bắc Giang, toàn tỉnh phát hiện 3.726 người nhiễm HIV, trong đó có 2.290 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, 1.548 người đang có mặt tại địa phương. Hiện có 1.472 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tại 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó 98% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Bắc Giang cũng triển khai điều trị lao tiềm ẩn cho 1.269 bệnh nhân đang điều trị ARV.

Tại Cần Thơ, tính đến tháng 4/2025, TP. Cần Thơ có 5.646 bệnh nhân điều trị ARV, trong đó 97,47% có BHYT. Tại Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, đã thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV trên máy GeneXpert với tổng số 650 xét nghiệm thực hiện trên 633 bệnh nhân, trong đó có kết quả 629 bệnh nhân. Kết quả dưới 1000 bản sao/ml đạt 98,3%.

Về triển khai xét nghiệm viêm gan C, có 324 bệnh nhân đã xét nghiệm anti-HCV dương tính. Sau đó làm tải lượng virus viêm gan C cho 308 người bệnh, kết quả dương tính (HCV RNA dương tính) là 196 người, trong đó 165 bệnh nhân được điều trị (phác đồ 3 tháng) và đến nay 84 bệnh nhân đã khỏi bệnh, số bệnh nhân còn lại đang được tiếp tục điều trị, theo dõi.

Bà Đoàn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cho biết, nguồn thuốc điều trị và xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C được miễn phí, giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh, tăng khả năng tiếp nhận điều trị, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV, người điều trị methadone.

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân khu vực vùng sâu, vùng xa

Chương trình lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một số hiệu quả nổi bật có thể kể đó là phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhờ hệ thống GeneXpert hiện đại, người bệnh có thể xét nghiệm tải lượng HIV, HCV và lao ngay tại tuyến quận, huyện mà không cần chuyển lên tuyến trên. Điều này giúp phát hiện bệnh sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm và tối ưu hóa thời gian điều trị.

Việc các cơ sở tuyến dưới triển khai hiệu quả công tác lồng ghép cũng sẽ làm giảm tải cho tuyến trên. Trước đây, việc xét nghiệm và điều trị các bệnh này chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến trung ương, dẫn đến quá tải. Chương trình lồng ghép giúp phân bổ bệnh nhân về tuyến dưới, giảm áp lực cho các bệnh viện lớn.

Nhờ triển khai thành công mô hình lồng ghép tại các địa phương như Cần Thơ, Hà Nội, Nghệ An, Bắc Giang, giúp ăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, người bệnh dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí thấp, nhiều trường hợp được hỗ trợ hoàn toàn từ bảo hiểm y tế.

Với sự tài trợ từ Quỹ Toàn cầu và các tổ chức quốc tế, người bệnh HIV đồng nhiễm viêm gan C được điều trị miễn phí phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir, đồng thời việc xét nghiệm tải lượng virus cũng được hỗ trợ chi phí.

Đại diện Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét Quỹ Toàn cầu cho biết, Quỹ đã hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir cho hơn 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.

Ngoài ra, việc phát hiện sớm tình trạng bệnh, tiếp cận điều trị sớm giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó, việc điều trị đồng thời HIV, lao và viêm gan C giúp kiểm soát tải lượng virus ở mức thấp, giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt ở các nhóm nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy, người bán dâm và nhóm LGBTQ+.

Khẳng định hiệu quả của chương trình lồng ghép xét nghiệm, điều trị viêm gan C, HIV và lao, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện là bước tiến quan trọng, giúp giảm thiểu khoảng cách y tế giữa thành thị và nông thôn. Việc áp dụng kỹ thuật GeneXpert tại cơ sở y tế giúp trả kết quả nhanh, giúp người bệnh tiếp cận điều trị kịp thời, giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.

ThS. Trần Quang Duy, Chuyên gia Y tế Công cộng cho biết, thành công của chương trình lồng ghép xét nghiệm và điều trị tại tuyến cơ sở cho thấy vai trò quan trọng của việc đào tạo đội ngũ y tế địa phương, bảo đảm đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện các quy trình kỹ thuật mới. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức cũng góp phần làm nên thành công này.

Từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, chương trình lồng ghép này vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể: Điển hình là việc thiếu hụt nhân lực y tế có chuyên môn cao tại tuyến huyện. Trong khi đó, việc vận hành các thiết bị GeneXpert, theo dõi phác đồ điều trị đa bệnh lý (HIV, lao, viêm gan C) đòi hỏi đội ngũ y tế có chuyên môn cao. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, số lượng bác sĩ có chuyên môn sâu về các bệnh này còn hạn chế.

Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đặc biệt, tại vùng sâu, vùng xa, điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Đối với các bệnh nhân đồng nhiễm, việc theo dõi phác đồ điều trị ARV, thuốc kháng lao và điều trị viêm gan C cần sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, việc theo dõi người bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là những người di cư hoặc không có địa chỉ cố định, vẫn là một thách thức lớn.

Thời gian qua, mặc dù nhiều chương trình truyền thông đã được triển khai, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV, viêm gan C và lao vẫn tồn tại, khiến nhiều người e ngại tiếp cận dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về nguy cơ lây nhiễm và tầm quan trọng của việc xét nghiệm định kỳ còn thấp do đó vẫn còn có những trường hợp bệnh nhân e ngại không tiếp cận dịch vụ.

Mặc dù phần lớn bệnh nhân HIV và lao được bảo hiểm y tế hỗ trợ, nhưng đối với viêm gan C, vẫn còn những chi phí phát sinh mà người bệnh phải tự chi trả. Điều này trở thành gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình, đặc biệt ở nông thôn và vùng khó khăn.

Để giải quyết các thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới cần chú trọng công tác đào tạo và phát triển nhân lực y tế tại tuyến huyện: Tăng cường các chương trình tập huấn chuyên môn về xét nghiệm, điều trị HIV, lao và viêm gan C cho y bác sĩ tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư mạnh mẽ hơn vào thiết bị y tế hiện đại, đặc biệt là hệ thống GeneXpert, máy xét nghiệm PCR và phòng khám chuyên khoa tại tuyến huyện.

Mở rộng chương trình bảo hiểm y tế, phối hợp với Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để tăng tỉ lệ bảo hiểm chi trả cho các bệnh viêm gan C, HIV và lao.

Đồng thời, tăng cường truyền thông, giảm kỳ thị. Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng về bệnh HIV, lao và viêm gan C, giúp người bệnh mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.

Ngoài ra, cần phát triển hệ thống quản lý bệnh nhân. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ bệnh nhân, giúp theo dõi lịch trình điều trị và hỗ trợ y tế kịp thời.

Lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời và giảm gánh nặng tài chính. Mô hình này không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân vùng sâu, vùng xa mà còn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Chương trình lồng ghép xét nghiệm và điều trị viêm gan C, HIV và lao tại tuyến quận, huyện đã và đang khẳng định tính hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Những kết quả đạt được tại các địa phương như Hà Nội, Cần Thơ, Bắc Giang và Nghệ An không chỉ là những con số ấn tượng, mà còn là minh chứng cho tầm quan trọng của việc đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất có thể.

Mô hình này mang lại ba lợi ích cốt lõi: Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao; Tối ưu hóa nguồn lực y tế, giảm tải cho tuyến trung ương; Giảm chi phí điều trị và nâng cao tỉ lệ điều trị thành công, góp phần làm suy giảm tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng.

Kỳ vọng rằng, từ những mô hình thí điểm hiệu quả hiện nay, hy vọng mô hình lồng ghép xét nghiệm, điều trị này sẽ sớm được nhân rộng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa – nơi người dân còn nhiều rào cản tiếp cận y tế. Đây không chỉ là bước tiến kỹ thuật, mà còn là một chiến lược nhân văn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp Việt Nam từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong thập kỷ tới.

Thùy Chi

hiv
}
Top