Mỹ nghiên cứu vaccine thúc đẩy cơ thể ‘phòng thủ miễn dịch’ ngăn chặn biến thể HIV

20/05/2025 13:43

(Chinhphu.vn) - Chiến lược vaccine này nhắm vào việc thúc đẩy cơ thể tự sinh ra kháng thể hoặc hàng rào phòng thủ miễn dịch có thể nhận diện, ngăn chặn nhiều biến thể HIV.

Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) và Sáng kiến quốc tế về vaccine AIDS (IAVI) đã tiến hành 2 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên một chiến lược vaccine HIV nhắm mục tiêu, chứng minh nó kích hoạt thành công các phản ứng miễn dịch sớm cũng như thúc đẩy phản ứng này hơn nữa bằng liều tăng cường.

Mỹ nghiên cứu vaccine thúc đẩy cơ thể ‘phòng thủ miễn dịch’ ngăn chặn biến thể HIV- Ảnh 1.

Nghiên cứu vaccine HIV tại Viện Nghiên cứu Scripps. Ảnh: Viện Nghiên cứu Scripps

Chiến lược vaccine này nhắm vào việc thúc đẩy cơ thể tự sinh ra bnAb, một kháng thể trung hòa rộng rãi, hay bnAbs, một hàng rào phòng thủ miễn dịch hiếm có có thể nhận diện và ngăn chặn nhiều biến thể HIV.

Theo bài công bố trên tạp chí Science, nhóm nghiên cứu đã tiến hành 2 thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 mang tên IAVI-G002 (thực hiện tại Mỹ) và IAVI-G003 (thực hiện tại Rwanda và Nam Phi). Cả 2 nhóm đều được tiêm liều vaccine thử nghiệm đầu tiên đóng vai trò chất sinh miễn dịch mồi nhằm tạo ra tiền chất bnAbs, kết quả cho thấy các tình nguyện viên thuộc 2 nhóm đều phản ứng tốt như mong đợi.

Nhóm tham gia thử nghiệm IAVI-G002 còn được tiêm thêm một liều chứa một loạt các chất tăng cường dị loại để gây ra đột biến siêu soma (SHM) và tạo ra bnAb, kết quả cũng rất tốt.

Trưởng nhóm nghiên cứu William Schief hiện đang công tác đồng thời tại Viện Nghiên cứu Scripps, IAVI và hãng dược Mỹ Moderna cho biết, các thí nghiệm này không chỉ chứng minh hiệu quả của chiến lược vaccine họ đang nghiên cứu, mà còn đem lại bằng chứng về khái niệm tiếp cận từng bước nhằm tạo ra những phản ứng phù hợp với từng cá nhân, không chỉ đối với vaccine HIV mà còn với toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu vaccine.

Trong lịch sử, cách tốt nhất để loại trừ bệnh tật là có vaccine hiệu quả. Mặc dù vậy, gần 40 năm nghiên cứu chuyên sâu và nhiều thử nghiệm lâm sàng, vaccine HIV vẫn chưa ra đời.

Điều này không phải vì thiếu kinh phí. CNA ước tính các nước đã đầu tư 17 tỉ USD chỉ riêng cho nghiên cứu và thử nghiệm vaccine từ năm 2000 đến năm 2021. Phần lớn số tiền này là của các chính phủ, phần khác là của các công ty dược phẩm và tổ chức từ thiện. Như vậy, trung bình mỗi năm thế giới chi khoảng 800 triệu USD để nghiên cứu vaccine này nhưng chưa có kết quả.

Theo các chuyên gia, HIV là mầm bệnh phức tạp nhất từng được phát hiện. Virus biến đổi liên tục khiến nghiên cứu khó khăn, vaccine thử nghiệm chỉ thúc đẩy hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể trung hòa, không thúc đẩy phản ứng chống mầm bệnh dựa trên tế bào miễn dịch. Trong khi đó, vaccine giúp cơ thể tấn công HIV theo nhiều cách và có thể vô hiệu hóa mọi loại biến thể.

Yêu cầu này dựa trên một nghiên cứu về tỉ lệ nhỏ người dân có kháng thể mạnh chống lại virus. Tuy nhiên, loại kháng thể này chỉ xuất hiện trong cơ thể những người đã nhiễm HIV nhiều năm và phải điều trị bằng thuốc kháng virus. Chủng HIV giúp tạo ra kháng thể trung hòa mạnh chỉ là một nhóm nhỏ trong số tất cả chủng virus đang lưu hành. Tức là, các nhà nghiên cứu không thể đơn giản chỉ sử dụng mầm bệnh đó để tạo kháng thể và mong đợi hiệu quả.

Mặc dù hành trình tìm kiếm ra loại vaccine HIV đầy gian nan, thử thách, nhưng các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này vẫn không ngừng kỳ vọng tìm ra loại vaccine cho căn bệnh thế kỷ này. Và các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu.

Thúy Vân

Theo Medical Xpress

hiv
}
Top