Hỗ trợ hàng chục nghìn người dân khám sàng lọc lao miễn phí
(Chinhphu.vn) - Nhờ Dự án Tăng cường hệ thống cộng đồng phòng chống và chấm dứt bệnh lao, hàng chục nghìn người dân đã được khám sàng lọc bệnh lao miễn phí.
Hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Dự án Tăng cường hệ thống cộng đồng phòng, chống và chấm dứt bệnh lao do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) thực hiện nhằm hỗ trợ chương trình phòng chống lao quốc gia, hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI cho biết, hiện dự án đang triển khai tại 7 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Hải Phòng, Nghệ An. Cùng với chương trình chống lao của tỉnh, dự án giúp chủ động phát hiện các ca lao và lao tiềm ẩn, tích cực hỗ trợ các ca lao điều trị thành công và các ca lao tiềm ẩn hoàn thành điều trị. Đồng thời, kết nối, củng cố và nâng cao năng lực của mạng lưới cộng đồng chấm dứt bệnh lao (CSET) và thúc đẩy sự tham gia của mạng lưới trong công tác ứng phó với bệnh lao tại các tỉnh, thành thực hiện dự án.
Theo số liệu thống kê, trong khoảng 9 tháng đầu năm, dự án đã sàng lọc được gần 24.000 người tại 7 tỉnh thành phố. Cụ thể, Trung tâm đã sàng lọc bằng 2X (Xquang và GenXpert) cho 20.492 người chụp Xquang, thực hiện 1.746 xét nghiệm GenXpert, phát hiện 234 ca lao hoạt động. Đa số bệnh nhân được hỗ trợ bắt đầu điều trị trong vòng 2 tuần kể từ khi phát hiện và tất cả các bệnh nhân bắt đầu điều trị đều tuân thủ tốt.
Về xét nghiệm phát hiện lao tiềm ẩn (tiêm Mantoux) làm phản ứng TST cho 3.279 người, phát hiện 471 ca lao tiềm ẩn. Trong điều kiện có đủ thuốc điều trị, bệnh nhân lao tiềm ẩn được hỗ trợ bắt đầu điều trị trong vòng 1 tháng kể từ khi phát hiện và đa số tuân thủ tốt.
Đối với Hệ thống Cộng đồng Chấm dứt bệnh Lao (CSET) ở 6 tỉnh được thiết lập và nâng cao năng lực, đến nay đã có 428 thành viên, trở thành nguồn lực nhân lực quan trọng trong chủ động tìm ca, hỗ trợ đưa vào và tuân thủ điều trị.
Mới đây, tại Đắk Lắk, Trung tâm SCDI đã phối hợp với Bệnh viện phổi tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình sàng lọc bệnh lao thực hiện từ ngày 9 đến 14/11 tại 6 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ea H'leo. Hơn 2.700 người dân ở 6 xã vùng sâu, vùng xa huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk đã được khám sàng lọc và điều trị miễn phí bệnh lao.
Có mặt từ sáng sớm để đăng ký sàng lọc, chị Adrong H Kual (buôn Trang, xã Ea H'leo) cho biết, chị bị tiểu đường, tăng huyết áp, viêm xoang, thường xuyên đau nhức người kèm ho. Cách đây vài ngày chị được y tế thôn buôn thông báo có chương trình sàng lọc lao phổi miễn phí nên rất phấn khởi đến nhà sinh hoạt cộng đồng để được khám bệnh.
Trường hợp của ông Nay Y Jao (buôn Treng, xã Ea H'leo – người từng điều trị bệnh lao) cho hay, trước đó ông có dấu hiệu mệt, ho liên tục, đi khám và phát hiện mắc lao. Sau khi có kết quả chẩn đoán, ông Jao được cấp thuốc điều trị liệu trình 6 tháng, đã đi kiểm tra lại sau điều trị và đang chờ kết luận. Ông Nay Y Jao hy vọng sớm khỏi bệnh để được cải thiện sức khỏe để hòa nhập cộng đồng.
Đại diện Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết, hàng năm địa phương có khoảng 4.000 trường hợp lao mới xuất hiện trong cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi năm tỉnh chỉ đưa vào điều trị nội trú được khoảng trên dưới 1.000 người, số còn lại vẫn ở ngoài cộng đồng, chưa được đưa vào quản lý, điều trị. Mỗi năm, địa phương cũng ghi nhận khoảng 20-30 trường hợp tử vong do lao vì không tiếp cận điều trị. Do đó, đây là cơ hội để người dân tiếp cận với dịch vụ y tế từ đó phát hiện sớm bệnh, nhằm tránh lây lan ra cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như Chính phủ đề ra.
Dự kiến trong tháng 3/2023, Trung tâm SCDI sẽ tiếp tục phối hợp với Bệnh viện phổi tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tổ chức khám sàng lọc và điều trị bệnh lao miễn phí cho người dân tại các xã Cư Mốt, Ea Wy, Cư A Mung, Ea Tir, Ea Khal và Ea Nam của huyện Ea H'leo.
Hỗ trợ bệnh nhân lao điều trị bền vững
Không chỉ giúp cho bệnh nhân lao được tiếp cận xét nghiệm, khám sàng lọc và điều trị Trung tâm SCDI còn hỗ trợ bệnh nhân lao tuân thủ điều trị, hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân lao.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh cho biết, xây dựng Hệ thống Cộng đồng Chấm dứt Bệnh lao (CSET) là một trong những hoạt động chủ chốt của SCDI trong khuôn khổ dự án. Chính mạng lưới này là những "cánh tay nối dài" đắc lực hỗ trợ cho bệnh nhân tuân thủ điều trị và hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân.
Đội ngũ CSET thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản: Truyền thông trực tiếp cho cộng đồng về bệnh lao và lao tiềm ẩn; Xác định những người có nguy cơ, người tiếp xúc, người có triệu chứng nghi lao để tư vấn, hỗ trợ, chuyển gửi họ đến cơ sở y tế có năng lực sàng lọc và chẩn đoán lao; Phối hợp với các đoàn sàng lọc lưu động để thực hiện các chiến dịch sàng lọc tại địa phương; Động viên, hỗ trợ bệnh nhân lao, người mắc lao tiềm ẩn tiếp cận và tuân thủ điều trị.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh khẳng định, đội ngũ cộng đồng CBO cho thấy rõ rệt vai trò của mình trong công cuộc phòng chống lao. Chính vì vậy, Trung tâm SCDI đã huy động và nâng cao năng lực của các CBO hoạt động trong lĩnh vực HIV tham gia chương trình lao. Các CBO tại một số tỉnh thành đã trở thành một phần của mạng lưới CSET - Hệ thống Cộng đồng Chấm dứt bệnh lao.
Mạng lưới cộng đồng được xây dựng dựa trên nòng cốt là các CBO sẵn có và thu hút thêm những người tình nguyện tại địa phương. Các thành viên của mạng lưới cộng đồng này được đào tạo, hướng dẫn và hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trung bình mỗi tháng, mỗi tiếp cận viên cộng đồng tiếp cận 15 khách hàng đích, chuyển gửi 6 ca đến cơ sở y tế và phát hiện 1 ca lao hoạt động. Tỉ lệ phát hiện lao trên tổng số thực hiện GenXpert rất cao.
Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm ca bệnh, mạng lưới lao cũng phát huy vai trò trong việc hỗ trợ bệnh nhân hoàn thành điều trị lao và lao tiềm ẩn, đặc biệt trong nhóm khách hàng khó như người sử dụng ma túy, người vô gia cư. 100% khách hàng điều trị và người nhà đều được cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng để chăm sóc, hiểu đúng và không kỳ thị người bệnh. Qua việc cung cấp kiến thức, tư vấn kết hợp với hỗ trợ trực tiếp từ mạng lưới cộng đồng, hầu hết bệnh nhân đều hoàn thành điều trị.
Ngoài ra, những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp khó khăn về giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế, còn sử dụng ma tuý… còn được hỗ trợ để được tiếp cận và tuân thủ điều trị. Điển hình, Trung tâm SCDI đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 6 bệnh nhân và hỗ trợ dinh dưỡng cho 12 Bệnh nhân và đưa 3 bệnh nhân vào điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận được xét nghiệm, điều trị lao. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022, Trung tâm SCDI sẽ tiếp tục sàng lọc chủ động thêm 27.000 người, phát hiện thêm 270 ca lao hoạt động và 540 ca lao tiềm ẩn, đưa tổng số ca lao hoạt động được phát hiện lên xấp xỉ 500 ca, tổng số ca lao tiềm ẩn được phát hiện lên xấp xỉ 1.000 ca.
Trong năm 2023, dự án iếp tục mở rộng và củng cố mạng lưới cộng đồng phòng chống lao, nâng cao năng lực và phát huy vai trò của mạng lưới trong việc sàng lọc người nguy cơ và hỗ trợ tuân thủ điều trị; đẩy mạnh 2X tại các địa bàn trọng điểm, phát hiện nhiều ca bệnh, song song với tư vấn điều trị lao tiềm ẩn để hướng tới chấm dứt lao tại các địa bàn đã thực hiện;
Bên cạnh đó, tăng cường các nội dung và hình thức truyền thông để người dân hiểu đúng về lao, xóa bỏ kỳ thị và tự kỳ thị, nâng cao nhận thức và ý thức trong việc điều trị. Và triển khai hoạt động sàng lọc lao cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố, dự kiến: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Bình Phước.
Thùy Chi