Hơn 60.000 người được sử dụng PrEP, kìm hãm gia tăng tỉ lệ mắc HIV
(Chinhphu.vn) - Từ năm 2017 đến nay, 60.258 người sử dụng PrEP, trong đó chủ yếu là nhóm MSM, góp phần kìm hãm sự gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng MSM.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Tổng kết điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2020-2022 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức, tại TPHCM, ngày 26/10.
Hội thảo với sự tham gia của các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở y tế, các tổ chức cộng đồng tại 29 tỉnh, thành phố đang triển khai cung cấp dịch vụ PrEP.
TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2017, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TPHCM. Sau thành công của mô hình thí điểm, từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và dự án Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 206 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, trong đó có 49 cơ sở tư nhân.
Tính đến ngày 30/9/2022, đã có 60.258 khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP, vượt 134% chỉ tiêu được giao. Hiện có 31.165 người đang dùng PrEP, trong đó 94,5% đang uống PrEP hàng ngày và 5,5% đang uống PrEP theo tình huống. 80% người sử dụng PrEP là nhóm khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), 72% là khách hàng trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi.
Trong những năm qua đã có rất nhiều mô hình, sáng kiến trong tư vấn, tiếp cận, giới thiệu và cung cấp dịch vụ PrEP được triển khai trên cả nước như: PrEP cung cấp trực tiếp tại các cơ sở y tế công lập, cơ sở tư nhân bao gồm cả phòng khám tư nhân do cộng đồng làm chủ; PrEP và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng; PrEP lưu động; PrEP tại Trạm y tế xã lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; PrEP tại cộng đồng… Các mô hình đa dạng, tạo sự thuận tiện trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ, phù hợp với các nhóm khách hàng trẻ tuổi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử.
Để góp phần ngăn chặn dịch HIV xu hướng tăng nhanh trong nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Cụ thể, đạt 72.000 khách hàng nhận dịch vụ PrEP đến cuối năm 2025, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TS. Phan Thị Thu Hương cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần phải tìm ra nguyên nhân và có các giải pháp, kế hoạch quyết liệt hơn trong thời gian tới.
"Trong đó, cần nâng cao nhận thức về PrEP đối với các đối tượng đích hơn nữa, mở nhanh dịch vụ ở những tỉnh, thành phố có tỉ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM cao, thu hút được nhiều khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào điều trị PrEP, kết nối tốt hơn nữa giữa các nhóm cộng đồng và cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP…", TS. Hương cho hay.
Hướng tới việc cung cấp dịch vụ nhanh, thuận tiện, phù hợp, bảo mật cho khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi, mới đây mô hình cung cấp dịch vụ PrEP từ xa (Tele PrEP) được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm tại 20 cơ sở y tế thuộc 7 tỉnh, thành phố hướng tới việc cung cấp dịch vụ nhanh, thuận tiện, phù hợp, bảo mật cho khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi. Mô hình Tele PrEP cũng mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm cho những khách hàng sống và làm việc tại các tỉnh không có dịch vụ PrEP.
Thùy Chi