Mặc cảm, né tránh điều trị dự phòng – nguy cơ cao dẫn đến mắc bệnh HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Việc mặc cảm, né tránh đi khám phát hiện tình trạng bệnh và điều trị dự phòng khi có nguy cơ cao phơi nhiễm với HIV sẽ khiến tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS tăng cao.
Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo điều trị dự phòng (PrEP) như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó là cách đơn giản làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu của WHO cũng đã chứng minh, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm, nhưng có nguy cơ cao nhiễm bệnh có thể dự phòng lây nhiễm HIV.
Tại Việt Nam, hình thái lây nhiễm HIV đang có sự thay đổi, gia tăng nhanh trong nhóm MSM. Hiện nhóm MSM đang là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều trị dự phòng PrEP cho nhóm này có thể giúp họ tránh lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng xung quanh. Có thể nói đây là giải pháp vàng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm MSM.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức, BS Nguyễn Đức Khánh, Phòng khám SHP, Khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đối với nhóm khách hàng có nguy cơ, đặc biệt là MSM, họ gặp nhiều rào cản khi tiếp cận PrEP:
Điển hình là rào cản từ chính bản thân khi họ không đủ thông tin về PrEP nên có những e ngại về các tác dụng phụ của thuốc hoặc việc sử dụng thuốc hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người chưa có đầy đủ nhận thức về nguy cơ lây nhiễm nên nhiều người không biết rằng những hành vi của họ là có nguy cơ, do đó chưa sẵn sàng sử dụng PrEP…
Tiếp đến là rào cản từ việc nhiều cơ sở y tế ở vùng sâu xa, ngoại thành không có dịch vụ PrEP… Tuy nhiên, trong thời gian gần đây và tương lai, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có những giải pháp để phá bỏ rào cản về khoảng cách tiếp cận với dịch vụ PrEP.
Một rào cản rất quan trọng nữa đó chính là kỳ thị, mặc cảm và tự kỳ thị. Đa phần những người có nguy cơ lây nhiễm HIV, nhất là nhóm MSM, họ sợ rằng sử dụng dịch vụ PrEP sẽ bị người khác kỳ thị nên nhiều người đã né tránh không tham gia điều trị.
BS Nguyễn Đức Khánh đưa ra lời khuyên đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV, nếu chúng ta có những nguy cơ nhất định lây nhiễm HIV, hãy sử dụng PrEP để bảo vệ chính chúng ta và những người chúng ta yêu thương.
"Có một việc rất đơn giản là bạn hãy lên các mạng xã hội để tìm hiểu về PrEP, các trang web của các cơ sở chăm sóc y tế, hoặc ngay trên chính trang chủ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tại đây có cài đặt sẵn bản đồ các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, chăm sóc dịch vụ HIV/AIDS để có thể tìm được những cơ sở gần mình nhất để có thể dễ dàng tiếp cận với PrEP", BS Khánh cho hay.
PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp tác dụng phụ như: Buồn nôn, đau đầu… nhưng tác dụng phụ thường nhẹ và chấm dứt sau 1 - 2 tuần.
Với nhóm người chuyển giới khi sử dụng PrEP không gây ảnh hưởng tới việc sử dụng hormone nữ.
Trong 3 năm qua, theo các số liệu thống kê, hiện có hơn 52 nghìn người đã sử dụng dịch vụ PrEP ở 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, có 80% là MSM, 76% trong độ tuổi dưới 35. Tỉ lệ duy trì không mắc bệnh khi điều trị PrEP đạt quanh mốc 70 – 73%, còn tỉ lệ bệnh nhân mắc HIV/AIDS trong khi điều trị PrEP là dưới 2%, chủ yếu là những bệnh nhân không tuân thủ nguyên tắc điều trị.
Hiện nay dịch vụ PrEP đang được hỗ trợ bởi 2 nhà tài trợ lớn là Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét và USAID-PEPFAR. Do đó, các khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP hiện nay là miễn phí gồm sử dụng thuốc ARV dự phòng và các xét nghiệm liên quan đến điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Thùy Chi