Nguy cơ cao mắc bệnh lao màng não đối với trẻ nhỏ
(Chinhphu.vn) - Trẻ em từ 1 - 5 tuổi, người lớn từ 20 - 50 tuổi thường là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao màng não. Tỉ lệ nam giới bị lao màng não thường cao hơn so với nữ giới. Lao màng não để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong rất cao.
5 trẻ nhập viện vì lao màng não trong 1 tuần
Mới đây, chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện Nhi Đồng đã tiếp nhận cùng lúc 5 em bé bị lao màng não. Trước đây, mỗi năm khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc lao màng não, rải rác 1-2 ca mỗi tháng. Tuy nhiên, sự việc 5 trẻ mắc lao màng não trong 5 tuần là cho thấy sự tăng đột ngột là bất thường. Hiện các bác sĩ chưa lý giải được tại sao số trẻ lao màng não nhập viện nhiều trong tuần qua.
Hiện các bệnh nhi nhập viện tuần qua đều đã phục hồi tốt, một số cháu được xuất viện. Trong đó, một bé 3 tháng tuổi được phụ huynh đưa vào viện trong tình trạng sốt kéo dài, co giật, vùng tay bị yếu, đầu to vì nhiều ổ vi khuẩn lao bám trên màng não...
Một bệnh nhân nhi là con thứ 12 trong gia đình, khi nhập viện thì đã co giật nhưng mẹ không nhớ rõ con đã được tiêm ngừa lao hay chưa. Kết quả chụp CT cho thấy bé bị lao màng não, viêm đa màng não và biến chứng não úng thủy. Sau một thời gian hỗ trợ thở oxy, hiện tình trạng bé đã ổn định nên được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục điều trị lao.
Một trường hợp khác là bé gái 12 tuổi bị sốt kéo dài, điều trị ở bệnh viện tỉnh, sau đó lên cơn co giật nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị viêm não màng não, xét nghiệm bất ngờ phát hiện bé mắc lao màng não đồng thời nhiễm HIV.
Bé lập tức được sử dụng ARV - thuốc kháng virus HIV, kết hợp phác đồ điều trị lao nhưng bé vẫn co giật và phải hỗ trợ thở oxy. May mắn, bệnh nhi dần đáp ứng thuốc, bệnh ổn định, được xuất viện.
Bệnh nhân nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời
Lao màng não không phải là bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Lao màng não có khả năng mắc với các đối tượng, khả năng để lại di chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Nếu nhập viện muộn, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Triệu chứng bệnh viêm màng não do lao phụ thuộc vào thời gian nhiễm bệnh. Những dấu hiệu này có thể ít hoặc nhiều.
Giai đoạn bệnh khởi phát
Thời kỳ này, các triệu chứng của lao màng não thường xuất hiện và kéo dài từ từ trong khoảng vài tuần, điển hình là: Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, đặc biệt là trong khoảng thời gian chiều và tối; Người bệnh luôn thấy mệt mỏi, ngủ kém, chán ăn, sụt cân bất thường; Trẻ em thì có biểu hiện bỏ ăn, bỏ chơi, buồn ngủ; Các triệu chứng thần kinh như mất ngủ, đau đầu, buồn nôn. Ban đầu sẽ biểu hiện ở mức độ nhẹ, về sau càng ngày càng rõ rệt và nặng hơn. Có trường hợp bị co giật cục bộ nhưng dấu hiệu này chỉ thoáng qua.
Giai đoạn toàn phát bệnh
Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng đã rõ rệt và đủ khiến bệnh nhân phát hiện ra thì bệnh đã tiến triển nặng. Khi đó, người bệnh có thể phải trải qua những triệu chứng như: Thường xuyên bị đau nhức đầu âm ỉ. Có lúc lên cơn đau đầu dữ dội, mức độ đau tăng mạnh nếu có ánh sáng mạnh hoặc tiếng động lớn kích thích; Hay sốt, sốt nhẹ hoặc liên tục về buổi chiều tối; Người bệnh bị đau cột sống, đau khớp, các chi và bị đau bụng; Xuất hiện triệu chứng buồn nôn, tự nhiên nôn không phải do thức ăn; Bị rối loạn tiêu hoá, không thể tự chủ được đại tiểu tiện…
Nghiêm trọng hơn là khi bệnh nhân bị liệt các dây thần kinh sọ và liệt tứ chi, rối loạn nhận thức, tâm thần thể nhẹ rồi nặng dần. Nặng hơn người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê.
Các biến chứng bệnh lao màng não
Những biến chứng của viêm màng não do lao bao gồm: mất đi thị lực, thính lực, co giật cục bộ, tăng áp lực hộp sọ, tổn thương não, mô não, đột quỵ, tử vong.
Biến chứng tăng áp lực trong não là nguyên nhân khiến cho não bị tổn thương vĩnh viễn và không có cơ hội hồi phục. Nếu bệnh nhân thấy thị lực thay đổi kèm theo đau đầu thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay vì đây có thể là triệu chứng của việc tăng áp lực trong não.
Đường lây truyền của bệnh
Phương thức xâm nhập của vi khuẩn lao là thông qua các giọt bắn của người bệnh truyền sang người lành qua các hoạt động giao tiếp, ho, hắt hơi,... Thông qua cơ chế lây nhiễm của vi khuẩn lao, ta có thể hiểu rằng bệnh lao màng não hoàn toàn có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Không chỉ lây qua không khí, thậm chí các bề mặt có dính tiết dịch của người bệnh như đồ dùng cá nhân, đồ ăn họ sử dụng đều có thể chứa vi khuẩn lao. Do đó người bệnh cần cách ly để tránh làm lây bệnh cho cộng đồng cho đến khi họ khỏi bệnh hoàn toàn.
Vi khuẩn khi đi vào cơ thể qua đường thở sẽ ẩn nấp và sinh sôi trong phổi. Giai đoạn đầu cơ thể chưa phát bệnh nên sẽ khó phát hiện triệu chứng bệnh lao. Khi cơ thể bị ốm, yếu giảm sức đề kháng thì vi khuẩn lao sẽ nhân cơ hội này phát triển mạnh hơn, từ phổi chúng có thể đi vào máu và chúng có thể tấn công sang các cơ quan khác. Khi vi khuẩn tiến vào màng não, mô não sẽ hình thành nên các vết áp xe nhỏ (lao vi mô).
Những ổ áp xe trên sau sẽ bị vỡ, gây nên chứng viêm màng não do vi khuẩn lao. Thời gian để xảy ra tình trạng này là ngay lập tức, trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm sau thời điểm nhiễm trùng đầu tiên. Quá trình vi khuẩn tấn công gây bệnh tại màng não sẽ làm tăng áp lực bên trong hộp sọ, khiến mô não và mô thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng.
Khuyến cáo nên tiêm ngừa lao và tầm soát lao cho trẻ
Hiện lao màng não đã được Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị và trong chương trình của Trung Tâm Phòng chống lao Quốc gia. Các bệnh nhân sẽ được theo dõi điều trị trong khoảng 12 tháng. Những ca được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời hầu như đều đáp ứng tốt theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, trường hợp phát hiện trễ, điều trị muộn dễ để lại các di chứng như não úng thủy, liệt tay, chân, giảm thính lực, có khả năng điếc...
Trẻ từng mắc lao nói chung và lao màng não nói riêng vẫn có khả năng tái mắc bệnh, thường gặp ở trẻ bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV...
Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất và thứ 11 có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết do lao. Tại TP HCM, 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận hơn 8.434 người mắc bệnh lao, tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2021.
Vaccine phòng lao BCG (Bacille Calmette-Guerin) đã được sử dụng từ lâu, với vai trò ngăn chặn bệnh tiến triển thành các thể lao nguy hiểm, trong đó phòng ngừa lao màng não. Tuy nhiên nhiều phụ huynh chủ quan, chưa quan tâm đến lịch tiêm ngừa của trẻ cũng như bỏ qua các biểu hiện bệnh thông thường.
Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, thực tế từ một số ca nhập viện mắc lao màng não, tìm hiểu từ gia đình cho thấy trẻ chưa được tiêm ngừa lao, hoặc phụ huynh không nhớ con đã tiêm vaccine chưa, hay trẻ đã tiêm nhưng vết tiêm nhỏ, không đạt được hiệu quả phòng ngừa. Ngoài ra hầu hết bệnh nhi đều có biểu hiện sốt, ho kéo dài, biếng ăn, sụt cân hoặc không lên cân...
Vậy nên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chú ý lịch tiêm ngừa lao cho trẻ, đặc biệt phải cho trẻ tầm soát lao khi trong nhà có người thân mắc hay nghi ngờ mắc bệnh này.
Đồng thời, không nên bỏ qua các dấu hiệu bệnh của con. Khi trẻ có biểu hiện bất thường, nhất là sốt kéo dài, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng để lại các di chứng không mong muốn.
Ở Việt Nam, vaccine BCG nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và tất cả trẻ sơ sinh đều được tiêm miễn phí trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, chậm nhất là trong vòng 30 ngày sau khi sinh.
Thùy Chi