Nguy cơ tái nghiện cao do bỏ điều trị methadone
(Chinhphu.vn) - Trong vài năm trở lại đây, có một số lượng lớn người bỏ điều trị methadone, việc này nguy hại với chính người bệnh, bởi bỏ điều trị methadone có nguy cơ tái nghiện rất cao. Theo thống kê tỉ lệ bỏ trị chiếm trên 50% tập trung ở các tỉnh miền núi hay những bệnh nhân mới điều trị.
Bên cạnh đó, bệnh nhân điều trị methadone thường là những người lao động nghèo, trình độ thấp, chưa có đủ quyết tâm dứt bỏ các chất dạng thuốc phiện gây nghiện.
Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ điều trị bằng thuốc thay thế" vừa diễn ra, ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Cơ sở Điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng cho biết, uống thuốc thay thế Methadone là phương pháp điều trị lâu dài. Sau một thời gian điều trị, một số bệnh nhân mong muốn ngừng thuốc. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân điều trị methadone ngừng thuốc đều không tránh được những cám dỗ khi gặp lại bạn bè cũ hay khi bị rủ rê.
Theo số liệu của Cơ sở điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng, khi ra khỏi chương trình điều trị Methadone, tỉ lệ tái nghiện sau 5 năm là 95%, sau 3 năm là 80%, sau 1 năm là 60%.
ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyết Mai nói thêm: "Mỗi tháng, chúng tôi khởi liều cho trung bình khoảng 10 người thì 5 người đã từng điều trị cũ, ra khỏi chương trình nhưng nay xin quay lại. Tốt nhất người bệnh nên ở lại lâu dài với chúng tôi".
Lý giải nguyên nhân nhiều bệnh nhân bỏ trị, ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyết Mai cho hay, nhiều người bệnh thường có tâm lý sốt ruột khi điều trị lâu, hàng ngày phải đến cơ sở y tế để uống thuốc làm người bệnh mất nhiều thời gian, mất cơ hội sinh hoạt với gia đình, thời gian lao động.... Điều này kéo dài liên tục nhiều năm khiến bệnh nhân không đủ kiên nhẫn để theo đuổi điều trị.
Cấp thuốc methadone nhiều ngày đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh
Ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, việc người bệnh ngày nào cũng phải đến cơ sở y tế để uống methadone thực sự rất khó khăn, nếu là lao động chính trong gia đình, việc đi lại điều trị methadone sẽ ảnh hưởng tới công việc và thu nhập của họ. Ngoài ra, có bệnh nhân muốn ngừng điều trị ít hôm để đi du lịch hoặc công việc riêng, tuy nhiên do phải đến cơ sở nhận thuốc điều trị hàng ngày nên gây không ít khó khan, cản trở cho bệnh nhân. Để giải quyết những bất cập trên, ngành y tế đã cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Với những người có quyết tâm cao, tuân thủ điều trị, việc cấp phát thuốc về nhà hầu như không có rủi ro nào mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Giúp cho người bệnh tiết kiệm được thời gian, kinh tế, cải thiện sức khỏe và có công việc ổn định. Đó là lý do việc phát thuốc methadone nhiều ngày thực sự đem lại lợi ích cho người bệnh.
Đến nay, đề án thí điểm cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đã bước sang năm thứ 2, số tỉnh thí điểm phát thuốc đã tăng lên 6 với nhiều cơ sở hơn.
ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, mô hình phát thuốc methadone nhiều ngày là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng, mô hình này tạo điều kiện cho bệnh nhân theo điều trị methadone bền vững.
BS. Mai cho hay, tại cơ sở điều trị methadone quận Hai Bà Trưng, nhiều bệnh nhân bỏ chương trình điều trị vì gặp khó khăn, như có người muốn đi nghỉ mát vài ngày với gia đình, đi thăm con ở nước ngoài … khi đến những nơi mới không có cơ sở điều trị methadone. Nếu tại Việt Nam, khi bệnh nhân đi đến nơi mới nhiều ngày, nếu nơi đó không có cơ sở điều trị methadone đều gây khó khăn cho bệnh nhân.
Từ năm ngoái tại Cơ sở điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng đã áp dụng mô hình cấp phát methadone nhiều ngày. Do tình hình dịch COVID-19, các y bác sĩ đã cấp thuốc nhiều ngày cho bệnh nhân, nhất là những người trong ổ dịch, hoặc nơi phải cách ly.
"Chúng tôi đã đưa thuốc cho y tế phường- nơi bệnh nhân đang cư trú, hàng ngày nhân viên y tế đến cho bệnh nhân uống.... Ngoài ra chúng tôi còn triển khai đưa thuốc dài ngày cho bệnh nhân tại các bệnh viện, khi bệnh nhân nằm viện như BV Thanh Nhàn, BV Việt Đức, BV 108, BV Phổi….', BS Mai chia sẻ.
Thực chất, việc điều trị methadone xuất phát từ chính nhu cầu của người bệnh, nên nhân viên y tế hay kể cả người thân của bệnh nhân cũng không thể quyết định được bệnh nhân có tham gia điều trị hay không. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ, động viên, đồng hành từ chính người thân của người bệnh và bản thân người bệnh cần phải chủ động, ý thức tham gia điều trị bền vững.
Tại Việt Nam, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai từ năm 2008, sau 12 năm đã có hàng trăm nghìn người được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Hiện nay đang được áp dụng rộng rãi ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiệu quả điều trị đã được chứng minh trên thực tế.
Các nhà khoa học cho rằng, methadone là chất tổng hợp dùng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện qua đường uống và có cơ chế hoạt động của methadone khá đặc biệt, là lấp đầy các thụ cảm thể khiến cho heroin không còn cơ hội gắn vào tế bào não để gây ra cảm giác phê sướng như trước, giúp người nghiện giảm hoặc mất cảm giác thèm nhớ heroin. Thuốc có tác dụng làm giảm sự lệ thuộc vào heroin và các chất dạng thuốc phiện khác, giảm hội chứng cai và giảm thèm nhớ thuốc. Methadone giúp người nghiện các dạng thuốc phiện giảm cảm giác thèm giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng, giảm tử vong do sốc thuốc và giảm lây nhiễm HIV, viêm gan B, C và nhiều lợi ích khác.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, methadone hoàn toàn không gây nghiện cho người sử dụng. Người sử dụng methadone cũng như một bệnh mãn tính khác như cao huyết áp hay đái đường, phải sử dụng thuốc điều độ hằng ngày. Thời gian điều trị methadone càng lâu thì càng tốt, để cho các tổn thương não do tác động của heroin dần dần hồi phục và để giảm nguy cơ tái sử dụng ma túy bất hợp pháp. Về lâu dài một số người có thể không cần thuốc nữa, họ thoát được ra khỏi ma túy, họ giảm dần liều đến khi họ hoàn toàn bình thường và không phải dùng thuốc nữa.
Thùy Chi