Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

11/05/2022 08:31

(Chinhphu.vn) - Đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, Sở Y tế phối hợp các Sở, ngành liên quan mở rộng xét nghiệm HIV; tích cực điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng Đắk Lắk tiến hành nhổ cây cần sa trái trồng trái phép trong rẫy cà phê

Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong bảo đảm tình hình ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điển hình như: Đã triển khai nhiều biện pháp để đa dạng hình thức cấp thuốc ARV cho người bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19, đã đấu tranh triệt phá nhiều đối tượng, đường dây hoạt động phạm tội về ma túy (phát hiện, bắt giữ 300 vụ, 446 đối tượng - tăng 13 vụ, 50 đối tượng so với năm 2020); số lượng người nghiện ma túy được kiềm giảm (giảm 105 người so với năm 2020).

Công tác xử lý hành chính người nghiện ma túy, nhất là đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc tiếp tục được quan tâm thực hiện; số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy được kéo giảm (giảm 04 xã so với năm 2020); phát hiện, triệt xoá 19 vụ, bắt 60 đối tượng hoạt động mại dâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tình trạng trồng cây cần sa còn xảy ra tại nhiều địa bàn (phát hiện 45 vụ, 53 đối tượng - nhiều hơn 24 vụ, 32 đối tượng so với năm 2020); hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai còn nhiều hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm tại một số địa bàn chưa được chú trọng… tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh nếu không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt.

Trước tình hình trên, để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành Công văn số 17/BCĐ-CAT ngày 9/5/2022 chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, mại dâm, các nhóm có nguy cơ cao.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện có hiệu quả mô hình Điểm hỗ trợ, tư vấn đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Xây dựng các mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để kịp thời tư vấn tâm lý, pháp lý, khám, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; kỹ năng sống, trợ giúp xã hội, hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm (như cơ sở xông hơi, massage, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ…).

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quy chế, Chương trình phối hợp, Nghị quyết liên tịch giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy tại địa phương; triển khai Chương trình phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên tuyến biên giới giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Mondulkiri - Campuchia.

Tỉnh đoàn thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của đoàn về tác hại của ma túy, tệ nạn mại dâm, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy, nâng cao nhận thức và tính chủ động phòng tránh cho thế hệ trẻ.

Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo gắn kết hiệu quả công tác phòng, chống ma túy , phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội với việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua ở cơ sở.

Công an tỉnh tập trung triển khai các biện pháp đấu tranh triệt xoá các đường dây vận chuyển, mua bán ma tuý; triệt xoá các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, các đường dây, đối tượng trồng cây cần sa; tăng cường đấu tranh, triệt xoá các tụ điểm hoạt động mại dâm, nhất là đường dây đối tượng hoạt động môi giới, chứa mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi. Nâng cao hiệu quả công tác xử lý người sử dụng trái phép chất ma tuý và người nghiện ma tuý.

Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy; tăng cường xác lập các vụ án điểm, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc phạm tội, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Vĩnh Hoàng

Top