Những lợi ích từ mô hình thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm từ xa

27/10/2022 06:55

(Chinhphu.vn) - Là tỉnh, thành được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm từ xa (TelePrEP), kết quả thực tiễn từ các hoạt động của TPHCM cho thấy, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho các đối tượng đích.

Những lợi ích từ mô hình thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm từ xa - Ảnh 1.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hướng đến đối tượng sử dụng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại phòng khám, dịch vụ TelePrEP được triển khai mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người sử dụng. Ảnh: Thùy Chi

Dịch vụ khắc phục khó khăn cho các đối tượng đích

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 giãn cách, cách ly ảnh hướng rất nhiều đến đối tượng sử dụng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại phòng khám, dịch vụ TelePrEP được triển khai ở TPHCM đã mang lại những hiệu quả tích cực, hỗ trợ giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm đối tượng đích.

Hiện TPHCM đã triển khai thí điểm dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa tại 11 phòng khám trên địa bàn. Với dịch vụ này, khách hàng không cần đến trực tiếp phòng khám. Bác sĩ và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc tư vấn, khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Khách hàng sẽ được cấp phát thuốc thông qua một đơn vị vận chuyển và không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc.

Anh N.H.N, một nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) cho biết, do tính chất công việc nên anh N thường phải công tác xa nhà. Việc sử dụng PrEP cũng cần phải tái khám, nên việc thường xuyên đi công tác khiến anh gặp khó khăn trong điều trị, phải bỏ điều trị. Được người bạn giới thiệu bài đăng trên mạng xã hội về TelePrEP và địa điểm khám gần những địa điểm anh N ở, ngay hôm sau anh N đã tranh thủ khi công việc xong thì qua tái khám và tiếp tục điều trị.

Anh N cho biết, nhờ tiện ích đó anh đã quay trở lại điều trị. "Mặc dù bận rộn với công việc. Nhưng sự thuận tiện của mô hình mới đã giúp mình vượt qua khó khăn để quay lại điều trị", anh N nói.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, dưới sự chỉ đạo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Sở Y tế TPHCM, đến nay Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã triển khai các hoạt động cụ thể: Lựa chọn 11 cơ sở thí điểm triển khai TelePrEP; Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thí điểm hoạt động TelePrEP; Phối hợp với các đối tác để tập huấn triển khai thí điểm TelePrEP cho 11 cơ sở, bao gồm 7 cơ sở y tế công và 4 cơ sở y tế tư nhân.

Giữa tháng 7/2022, 11 cơ sở y tế công lập và tư nhân tại TPHCM đã chính thức triển khai mô hình TelePrEP. Cụ thể là: Bệnh viện TP. Thủ Đức, các trung tâm y tế quận 1, 4, 7, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, các phòng khám Alo Health, An Hảo, Thành Danh, Galant. Chương trình dự kiến kéo dài đến ngày 30/4/2023, kinh phí do các dự án tài trợ. Đặc biệt khi triển khai, chương trình luôn lấy khách hàng là trung tâm nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể.

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho phép những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao được dự phòng lây bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc. Bộ Y tế khuyến cáo dùng PrEP cho các nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm chưa điều trị thuốc ARV hoặc điều trị ARV song tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện virus.

Bảo mật tối ưu cho khách hàng sử dụng dịch vụ

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến do Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa phối hợp tổ chức, TS. Đoàn Thị Thuỳ Linh, Phó trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV và Việt Nam đã áp dụng mọi mô hình mà tổ chức WHO khuyến cáo, tất cả các mô hình này cũng đều nhằm mục đích tạo sự thuận lợi và sự bảo mật nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Một số mô hình về Prep mà Việt Nam đang triển khai hiện nay phải kể đến mô hình triển khai dịch vụ Prep tại các cơ sở y tế công lập và hệ thống cơ sở y tế tư nhân; PrEP lưu động, điều trị Prep từ xa –TelePrEP, khám toàn diện OSS, mô hình cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng trẻ tuổi như học sinh, sinh viên…

TS. Đoàn Thị Thuỳ Linh cho biết, nước ta hiện có 210 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP ở 29 tỉnh, thành phố. Trong đó có 49 cơ sở là thuộc tư nhân và trong số này có 10 phòng khám do cộng đồng tư nhân làm chủ. Việc tiếp cận dịch vụ đối với khách hàng PrEP là tương đối đơn giản, theo đó, những khách hàng đủ tiêu chuẩn sau khi sàng lọc có thể tiếp cận dễ dàng với dịch vụ điều trị PrEP.

TelePrEP là chương trình khá mới trên thế giới và Việt Nam áp dụng khá nhanh. Khi có những hướng dẫn của WHO, CDC Mỹ, Việt Nam đã triển khai và phát triển mô hình TelePrEP thí điểm. Nhờ những kinh nghiệm trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã triển khai dự thảo thực hiện TelePrep và đã áp dụng thí điểm mô hình này ở 20 phòng khám trên 29 tỉnh, thành phố. Sau thời gian thí điểm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế sẽ có những báo cáo đánh giá chi tiết về mô hình này và đề xuất lên Bộ Y tế để có thể mở rộng mô hình này tại nhiều địa bàn, tỉnh thành khác.

Hiện nay dịch vụ PrEP đang được hỗ trợ bởi 2 nhà tài trợ lớn là PEPFAR và Quỹ Toàn cầu. Theo đó, các khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP hiện nay là miễn phí, bao gồm sử dụng thuốc ARV dự phòng và các xét nghiệm liên quan đến điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Các khách hàng không phải trả bất kỳ chi phí nào đối với PrEP.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, PGS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ quan, tổ chức đã phải áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp để bảo đảm nhóm đích vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có dịch vụ HIV như PrEP. Trên thực tế, số người đăng ký sử dụng PrEP mới vẫn cao, cho thấy rõ nhu cầu đối với dịch vụ này. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa chương trình này dựa trên thành công của PrEP, nhằm góp phần hoàn thành chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 như đã đề ra.

Thùy Chi

}
Top