'Sắc màu cộng đồng' - Bước tiến mới trong công tác dự phòng HIV

28/12/2022 13:38

(Chinhphu.vn) - "Sắc màu cộng đồng” là chủ đề chương trình truyền thông về các biện pháp quan hệ tình dục an toàn và chương trình điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP). Đây là bước tiến mới, mở rộng trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV.

 “Sắc màu cộng đồng” - Bước tiến mới trong công tác dự phòng HIV - Ảnh 1.

Quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su là một trong những nguyên nhân lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. Ảnh: Thùy Chi

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng và Ban Quản lý các dự án hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS – Dự án Quỹ toàn cầu tổ chức tổ chức sự kiện truyền thông tạo cầu PrEP "Sắc màu cộng đồng".

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng; Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; và các tổ chức cộng đồng CBO khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nhóm Sắc màu cuộc sống đến từ TPHCM; đại diện các cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cộng đồng LGBT đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường truyền máu sang lây truyền HIV qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (16-29 tuổi). Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nhóm nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay.

Tại Sóc Trăng, kết quả thực hiện giám sát trọng điểm HIV và giang mai năm 2022 trên 300 MSM cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM là 19,3%, tỉ lệ nhiễm giang mai trên nhóm MSM là 8,3%.

Tại sự kiện "Sắc màu cộng đồng", khách mời còn được giao lưu với các chuyên gia, cán bộ y tế và được cung cấp kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, cũng như các biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua con đường quan hệ tình dục.

Qua đó tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần giúp các bạn trong cộng đồng LGBT hiểu và thực hành tốt các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và chương trình dự phòng trước phơi nhiễm PrEP để chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và xã hội…

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên và huyện Kế Sách là 3 huyện, thành phố có số người nhiễm cao nhất trong tỉnh trong năm 2022 nên được chọn ưu tiên là địa bàn để triển khai giám sát trọng điểm trong quần thể MSM năm 2022 nhằm theo dõi, đánh giá tình hình dịch HIV, giang mai và lập kế hoạch can thiệp giảm tác hại cho nhóm đối tượng này.

Theo số liệu thống kê trên phần mềm HIV INFO 4.0, đến tháng 9 năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng có 3.423 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống và 1.454 người tử vong, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 4.877 trường hợp, xét nghiệm phát hiện 142 trường hợp nhiễm HIV, đối tượng MSM chiếm tỉ lệ là 73,5%; địa phương có tỉ lệ nhiễm HIV còn sống cao nhất là Thành phố Sóc Trăng (chiếm 29,78 %), huyện Mỹ Xuyên (12,67 %), Kế Sách (9,3%)...

Kết quả thực hiện giám sát trọng điểm HIV/STI và giám sát HSS+ tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022 cho thấy, tỉ lệ hiện nhiễm HIV ở nhóm MSM là 19,3% phân bố chủ yếu ở huyện, thị nơi tập trung nhiều khu vui chơi, giải trí, massage…

Tỉ lệ này tương đối cao hơn kết quả giám sát trọng điểm tại thành phố Cần Thơ (16,3%) trong năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ và kết giám sát trọng điểm trong nhóm MSM của 20 tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2015-2019 theo quyết định số 373/QĐ-BYT.

Đồng thời, phù hợp với xu hướng gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm đối tượng nguy cơ cao của tỉnh (MSM chiếm tỉ lệ 73,5%) qua kết quả thống kê trên phần mềm HIVINF0 4.0.

Bên cạnh đó, tỉ lệ nhiễm giang mai trên nhóm MSM tại tỉnh năm 2022 là 8,3%, tương đương với kết giám sát trọng điểm tại thành phố Cần Thơ trong năm 2022 (8,3%). Tỉ lệ đồng nhiễm HIV/STI của tỉnh Sóc Trăng chiếm 4.3% thấp hơn của tại thành phố Cần Thơ (4,7%).

Về tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, tỉ lệ MSM nhận bao cao su, chất bôi trơn và tư vấn tình dục an toàn trong 6 tháng qua dưới mức 50%. Tỉ lệ % MSM đã từng làm xét nghiệm HIV (76,7%) cao hơn kết quả giám sát trọng điểm kết quả giám sát trọng điểm của 20 tỉnh/thành phố theo Quyết định 373/QĐ-BYT, giai đoạn 2015-2019: cao nhất năm 2017 (68,8%), thấp nhất năm 2015 (61,5%). Trong số MSM từng làm xét nghiệm (76,7%), tỉ lệ MSM có nhận kết quả trong lần gần nhất (58,7%) thấp so với kết quả kết quả giám sát điều trị của 20 tỉnh/thành phố (92,3% - 93,9%).

Tỉ lệ MSM tìm kiếm bạn tình thông qua mạng xã hội (96,0%). Điều này cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm bạn tình của MSM ngày càng cao, thiết nghĩ nếu ưu tiên đẩy mạnh hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại ở MSM qua mạng xã hội sẽ là một chiến lược hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Sóc Trăng trong những năm tiếp theo.

Tỉ lệ bao phủ BHYT trong đối tượng này gần 95%. Tỉ lệ MSM từng sử dụng PrEP (5,3%), tỉ lệ này tương đối thấp so với các tỉnh khác. Trong nhiều năm qua, chương trình can thiệp giảm tác hại trên nhóm MSM được quan tâm và triển khai khá mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn hơn 50% MSM chưa từng nhận bao cao su, chất bôi trơn và tư vấn tình dục an toàn trong 6 tháng qua. Rất có thể đây là một trong những nguyên nhân lây nhiễm HIV trong nhóm MSM.

Kết quả giám sát trọng điểm cũng chỉ ra những khó khăn của nhóm MSM khi tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cụ thể như: tư vấn và xét nghiệm HIV, nhận bao cao su miễn phí, tư vấn sử dụng bao cao su, tình dục an toàn, nhận thuốc PrEP và khám/điều trị các bệnh STI.

Do đó, trong thời gian tới Sóc Tăng sẽ có những kế hoạch, chương trình cụ thể để kịp thời thích ứng và bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV cho các nhóm nguy cơ, đặc biệt là nhóm MSM trong thời gian xảy ra dịch, không chỉ là dịch COVID-19 mà tương lai sẽ còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác…

Thùy Chi

Top