Tăng cường năng lực hệ thống trong phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Đồng Nai sẽ dành 388,8 tỉ đồng cho hoạt động phòng, chống HIV để hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới vào năm 2030. Số tiền sẽ tập trung cho công tác điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây nhiễm, giám sát, theo dõi, đánh giá, xét nghiệm và đặc biệt chú trọng cho công tác tăng cường năng lực hệ thống trong phòng, chống HIV/AIDS.
Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tăng cao
Đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đang quản lý hơn 5.800 người nhiễm HIV có hộ khẩu tại Đồng Nai. Riêng năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 732 người nhiễm HIV mới, trong đó có 65% là người ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc. Tất cả 11 huyện, thành phố đều có người nhiễm HIV/AIDS. Tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh vẫn ở giai đoạn tập trung, chủ yếu là trong các nhóm nguy cơ cao như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm nghiện chích ma túy, vợ chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Nhóm tuổi từ 20-29 có tỷ lệ nhiễm cao nhất.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Đồng Nai ghi nhận gần 290 người mắc mới HIV (trong đó 109 trường hợp có hộ khẩu trong tỉnh), có 6 ca tử vong do HIV/AIDS. Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn so với đường máu, người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa dần từ 15-24 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện Đồng Nai có 9 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Những cơ sở này đang tiếp nhận và điều trị ARV cho hơn 5.200 bệnh nhân, trong đó có hơn 110 bệnh nhi. Có hơn 1.200 bệnh nhân đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, đạt 87,6% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Dự báo, đến năm 2030, dịch HIV/AIDS tại Đồng Nai vẫn còn trong giai đoạn tập trung, chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, vẫn khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3%.
TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và H.Long Thành vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề với số người nhiễm đang có xu hướng gia tăng do di biến động dân cư và gia tăng các khu công nghiệp.
Nhằm giảm số người nhiễm HIV/AIDS mới và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Đồng Nai vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tập trung bảo đảm tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ước tính tổng kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2030 của tỉnh là hơn 388,8 tỉ đồng. Bao gồm chi cho điều trị HIV/AIDS; chi cho các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; chi cho các hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá và xét nghiệm; chi tăng cường năng lực hệ thống.
Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác như: nguồn ngân sách trung ương, nguồn viện trợ quốc tế, nguồn Qũy BHYT, nguồn xã hội hóa.
Đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP
Trong 2 năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, bệnh nhân HIV/AIDS khó tiếp cận với các phòng khám. Để bảo đảm thông suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đã phối hợp với các hội, nhóm cộng đồng thực hiện vận chuyển, giao thuốc đến tận nhà cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Nhằm nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân nói chung và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nói riêng, BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong năm 2022, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tiếp cận cộng đồng để tìm kiếm, phát hiện những ca nhiễm HIV mới và đưa vào điều trị. Mở rộng kênh phân phối và hàng hóa dịch vụ HIV như sinh phẩm tự xét nghiệm HIV. Mở rộng địa bàn triển khai cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) khối công lập và tư nhân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, những địa phương có nhiều khu công nghiệp.
Ngành y tế tỉnh cũng sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đẩy mạnh triển khai điều trị nhanh ARV trong ngày, tránh tình trạng mất dấu bệnh nhân và tăng cường tư vấn tuân thủ điều trị để giảm tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác lồng ghép điều trị lao/HIV. Đẩy mạnh việc thực hiện và thanh toán các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho bệnh nhân HIV/AIDS thông qua nguồn BHYT, trong đó chú trọng các xét nghiệm đánh giá quá trình điều trị của bệnh nhân như tải lượng virus, CD4…
Để giảm thiểu số người lây nhiễm mới HIV, Đồng Nai sẽ đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP, tăng cường truyền thông, tạo cầu qua nhiều kênh khác nhau về thuốc PrEP nhằm gia tăng tỷ lệ người trong nhóm nguy cơ cao và bạn tình của họ được tiếp cận và sử dụng PrEP.
Chương trình điều trị trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ tháng 3/2019 với sự hỗ trợ của tổ chức Path do dự án USAID tài trợ. Đến nay, toàn tỉnh có 11 phòng khám điều trị trong đó có 9 cơ sở công lập và 2 cơ sở tư nhân. Tính đến tháng 12/2021, số bệnh nhân điều trị PrEP lũy tích toàn tỉnh là 2.500 người.
Hiện nay, Đồng Nai có 4 mô hình của chương trình điều trị PrEP đang hoạt động. Đó là phòng khám tại cộng đồng do tư nhân quản lý; Cơ sở điều trị phối hợp giữa các phòng khám ngoại trú HIV ở Trung tâm y tế kết hợp điều trị PrEP; Mô hình điều trị PrEP phối hợp với các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) cung cấp dịch vụ và điều trị PrEP lưu động.
Đồng Nai là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các dịch vụ, mô hình mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời là một trong những địa phương có số người tham gia điều trị PrEP luôn vượt chỉ tiêu hàng năm. Năm 2021, mặc dù đợt dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của Đồng Nai, nhưng khách hàng không bị gián đoạn điều trị bởi các nhóm cộng đồng, các đơn vị đã triển khai mô hình điều trị PrEP từ xa nhằm đưa thuốc tới khách hàng.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai điều trị PrEP tại Đồng Nai vẫn còn có những hạn chế nhất định. Do địa bàn rộng gây khó khăn trong việc đi lại, mất thời gian tiếp cận do đó PrEP chỉ đến được với bộ phận nhỏ người dân ở thành thị chứ chưa tiếp cận được tới các khách hàng ở nông thôn, công nhân trong các khu công nghiệp. Để khắc phục khó khăn này thì việc tăng cường các buổi truyền thông, tư vấn lưu động nhằm thu hút người dân tham gia là việc làm rất cần thiết.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, thời gian tới, Đồng Nai sẽ tận dụng những nguồn lực sẵn có và sự hỗ trợ của các dự án để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân, đa dạng hóa các kênh, các hình thức cung cấp thuốc PrEP nhằm thu hút ngày càng đông người tiếp cận dịch vụ, tham gia điều trị hiệu quả, góp phần giảm thiểu HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới vào năm 2030.
Thùy Chi